ClockThứ Ba, 20/07/2021 15:11

Đãi ngộ nào dành cho giáo viên trường chuyên? - Kỳ II: Trân quý gắn với đãi ngộ

TTH - Giáo viên dạy chuyên phải là những giáo viên giỏi, tâm huyết và để có được đội ngũ này, cần có chính sách tuyển dụng công khai và hợp lý. Cũng đã có những ưu tiên và đãi ngộ, thế nhưng xem chừng chưa xứng đáng với giáo viên trường chuyên.

Đãi ngộ nào dành cho giáo viên trường chuyên? Kỳ I: Dạy chuyên không dễ

Giáo viên bộ môn lý được vinh danh khi có nhiều em đoạt giải cao (Ảnh chụp trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4)

Đãi cát tìm vàng

Nếu con đường đến với giáo viên chuyên toán của thầy Khải như một “quy hoạch” hẳn nhiên thì với cô Quỳnh dạy chuyên văn lại như “duyên nợ” và là lối rẽ cuộc đời. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học cho biết, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, hướng đến của nhà trường là tìm những giáo viên có năng lực từ các trường để đề xuất với sở tuyển dụng. Trường sẽ tuyển sinh viên mới ra trường có bằng xuất sắc cũng như có phương án đào tạo đội ngũ giáo viên trong trường để đáp ứng nhu cầu.

Trên thực tế, chỉ có một vài giáo viên ở các trường khác về dạy ở Quốc Học nhưng rất khó khăn. Giáo viên ở các trường phổ thông dẫu có kinh nghiệm, nhưng chưa quen với guồng dạy chuyên phải đào sâu và trách nhiệm nặng nề hơn. Họ ngại áp lực và dẫu có thâm niên nhưng khi vào môi trường chuyên, họ phải trải qua 1 năm tập sự, sau đó mới thi tuyển lại, cộng thêm vượt qua cửa ải với những kỳ kiểm tra tin học, ngoại ngữ.

Tuyển chọn sinh viên xuất sắc là hướng đi mang tính bền vững. Thế nhưng, một sinh viên mới ra trường loại xuất sắc muốn dạy được lớp chuyên ít nhất cũng phải mất 4 năm. Tấm bằng giỏi ở trường là vẫn chưa đủ, khi họ chưa qua một chương trình đào tạo nào dành cho giáo viên dạy chuyên. Để xử lý nan giải này, Quốc Học đang áp dụng phương cách tuyển sinh viên giỏi ở trường sư phạm, sau đó đào tạo tiếp. Bên cạnh đó, có những chính sách dành những người có kinh nghiệm phân công kèm cặp để dạy chuyên.

Quốc Học hiện có 134 giáo viên. Toàn trường có trên 70 thạc sĩ, mỗi năm khoảng 5 giáo viên được cử đi học, nguồn kinh phí đào tạo được trích ra từ nguồn ngân sách (nếu nằm trong quy hoạch) và họ tự bỏ tiền túi ra để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, bằng cấp chưa phải là quyết định. Quan trọng là trao đổi tài liệu giữa giáo viên trong trường, trường mình với các giáo viên trường chuyên toàn quốc, học tập kinh nghiệp từ các chuyên gia mà trường mời về. Đặc biệt, giáo viên chuyên phải biết tự học hỏi, nghiên cứu tài liệu và luôn có trao đổi, tương tác với nhau. Theo lý giải của ông Nguyễn Phú Thọ, 20% giáo viên có kinh nghiệm thâm niên trong nghề của trường đang làm rất tốt vai trò “kèm cặp” giáo viên trẻ.

Đãi ngộ chưa tương xứng

Năm 2016, HĐND tỉnh có nghị quyết quy định một số chế độ, chính sách cho học sinh và giáo viên trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp và chế độ, chính sách đối với Trường THPT chuyên Quốc Học. Đáng nói là chuyện trò được thưởng và thầy cũng được thưởng. Ví dụ như học sinh đoạt huy chương vàng Olympic quốc tế được thưởng 60 triệu đồng thì giáo viên hay tổ giáo viên trực tiếp bồi dưỡng được thưởng bằng 70%. Tuy nhiên, chưa kể qua 5 năm mức thưởng này đã lạc hậu nhiều, nếu so sánh với các địa phương khác như Hải Phòng thưởng cho học sinh đến 500 triệu đồng và thầy cũng 70% thì còn quá khiêm tốn.

Toàn trường có khoảng 40% bộ môn đảm đương được bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Xã hội hóa từ nguồn phụ huynh là cần thiết khi nhiều khoản nằm ngoài ngân sách như hỗ trợ chi phí đi lại cho thầy về dạy. Lâu nay, phụ huynh của các em trong đội tuyển thường hỗ trợ nhà trường các khoản chi này. Tuy nhiên, nhiều em trong đội tuyển có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường phải vận động từ các nguồn khác để tạo điều kiện tốt nhất cho các em trong ôn luyện.

Dạy học sinh chuyên vất vả, chính sách ưu đãi dành cho giáo viên chỉ mới hưởng theo quy định của Nhà nước. So với các tỉnh bạn, chế độ ưu đãi cho giáo viên dạy chuyên ở Thừa Thiên Huế vẫn còn khiêm tốn khi chưa có sự hỗ trợ từ công tác xã hội hóa dành cho giáo viên. Trong khi giáo viên trường chuyên vất vả hơn. Dạy 1 chuyên đề 3 tiếng Nhà nước trả 525.000 đồng sau khi trừ thuế, họ phải soạn ít nhất 1 tuần, rồi phải tài liệu nước ngoài và trong nước. Với những khó khăn đó, giáo viên trong trường xin không dạy lớp chuyên, dạy đội tuyển là rất nhiều.

Viết đến đây chúng tôi liên tưởng, ngay ở Huế cũng đã có những lò luyện thi có thu nhập hàng trăm triệu đồng một tháng mà “thương hiệu” của người thầy đứng lớp khó có thể so sánh với một giáo viên trường chuyên Quốc Học. Băn khoăn, do vậy đối với giáo viên chuyên cũng là dễ hiểu.

Công khai và tâm huyết

Mới đây trên Báo Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã đề cập đến chuyện tỉnh Quảng Nam thực hiện chính sách “trải thảm” đáng tham khảo, tiếp nhận như đã hứa 20 giáo viên có “hồ sơ khủng” về học tập, đam mê nghề giáo để đưa về giảng dạy ở các trường THPT tiếng tăm của tỉnh. Đó là những thầy, cô giáo trẻ xuất sắc được ngành giáo dục theo dõi trong suốt quá trình học tập. Cách làm này sẽ được tiếp tục trong những năm tới. Thiết nghĩ, tiêu chuẩn của Quốc Học có thể cao hơn nhiều nhưng đã đến lúc ngành giáo dục và nhà trường cũng nên thực hiện quyết liệt và công khai việc tuyển chọn giáo viên chuyên cho trường theo hình thức này của Quảng Nam.

Cách đây hơn 10 năm có một giáo viên gốc Huế là tiến sĩ toán học Nguyễn Duy Thái Sơn, công tác tại Viện Toán và Trường đại học Khoa học Huế. Biết được nguyện vọng cá nhân, hoàn cảnh gia đình và công việc gặp khó khăn, đích thân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bấy giờ là ông Nguyễn Bá Thanh đã gặp gỡ và mời tiến sĩ Sơn về địa phương. Và, đứng trước sự lựa chọn Đại học Đà Nẵng với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tiến sĩ Sơn đã không ngần ngại chọn nghề đi dạy phổ thông. Với thầy giáo Sơn tài năng và tâm huyết, trường chuyên Đà Nẵng sau đó đã có học sinh giỏi quốc tế.

Trường THPT chuyên Quốc Học có nhiều mục tiêu cao để chinh phục, góp phần tiếp tục giữ vững và làm rạng danh uy tín của một vùng đất học. Thiết nghĩ, nó phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, từ chính sách mời gọi và đãi ngộ tương thích dành cho họ, bởi “không thầy đố mày làm nên”.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh các trường THTP Cao Thắng, Gia Hội, Nguyễn Huệ.

Truyền thông phòng chống HIV AIDS cho gần 1 500 học sinh
Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh

Chiều 22/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai chương trình giáo dục di sản cho học sinh.

Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh
Ngày hội bóng đá - vẽ tranh học đường

Ngày 19/10, Trường THCS Nguyễn Duy (Phong Điền) tổ chức Ngày hội bóng đá - vẽ tranh dành cho học sinh toàn trường. Ngày hội thu hút hàng trăm em học sinh tham gia tranh tài và cổ vũ.

Ngày hội bóng đá - vẽ tranh học đường
Return to top