ClockThứ Hai, 14/08/2017 08:15

Đằng sau chuyện giáo viên không muốn làm cán bộ quản lý

TTH - Với đội ngũ giáo viên đông đảo, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) tỉnh có nguồn lực không chỉ mạnh về số lượng mà còn thuận lợi về mặt trình độ cho công tác quy hoạch. Tuy nhiên, khi nói đến việc tìm nguồn nhân lực thay thế, bổ sung, hiện nay nhiều phòng GD & ĐT và cả Sở GD & ĐT đều cho rằng, đó là công việc khó khăn.

Không thích làm chuyên viên

“Nếu được quy hoạch làm cán bộ quản lý (CBQL) trường học thì giáo viên nào cũng phấn đấu. Nhưng điều động CBQL, giáo viên lên làm công tác tại phòng, cụ thể là làm chuyên viên thì không ai thích”, một CBQL giáo dục ở Phú Vang tâm sự. Quả thật, các anh rất khó khăn khi điều động không chỉ CBQL (cấp trường), mà cả giáo viên lên làm chuyên viên trên phòng. Lý do quá dễ hiểu, đang làm hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên đứng lớp, "đùng một cái" thành chuyên viên, mất phụ cấp chức vụ, phụ cấp đứng lớp và mất luôn phụ cấp thâm niên, lại còn không có chế độ nghỉ hè 2 tháng/năm, lương thấp khi về hưu. Cùng thời gian công tác như nhau nhưng lãnh đạo và chuyên viên phòng GD & ĐT hưởng lương hưu (bình quân hiện nay) chỉ từ 4,2 đến 4,5 triệu đồng/tháng, trong khi đó nếu là CBQL ở trường thì lương khoảng 7 triệu đồng/tháng… nên cũng là điều dễ hiểu khi nhiều người không muốn “quy hoạch” để làm chuyên viên.

Công tác quy hoạch trong giáo dục có “hai luồng”. Một là, quy hoạch để làm CBQL cấp trường như hiệu trưởng, hiệu phó; cấp trưởng, phó phòng; hai là tổ trưởng bộ môn, chuyên viên bộ môn, chuyên viên phòng ban. Nhưng con đường phấn đấu thì chỉ có một, phải từ giáo viên giỏi, tổ trưởng bộ môn đi lên… và nhiều giáo viên “nghiệm" ra rằng làm CBQL có rất ít cơ hội, còn chuyên viên thì lại quá khổ nên... từ chối phấn đấu. Còn đã là CBQL cấp trường thì lại càng không ai muốn lên các “đơn vị đầu não” ở các huyện, thị xã, thành phố và cả sở… làm chuyên viên, thậm chí làm trưởng, phó phòng ban.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuận, Phó Trưởng phòng GD & ĐT Phú Vang trong một lần trò chuyện cho biết, ở Phú Vang, không hề dễ trong việc tìm chọn những nhà giáo từ cơ sở lên phòng làm chuyên viên, khi công việc ở phòng như nuôi con mọn, những người làm chuyên viên không chỉ làm việc ở phòng mà phải bám cơ sở. Ngoài giỏi chuyên môn, những người này cũng cần tố chất lãnh đạo khi là chuyên viên bộ môn cho một huyện, hoặc cả tỉnh. Có giỏi chuyên môn mới chỉ đạo các chuyên đề kế hoạch của một môn học, ngành học, bậc học…Vì thế, dù biết “cuối con đường phấn đấu” ở phòng, sở với chức danh chuyên viên, họ có thể được cơ cấu tiếp làm cán bộ quản lý cấp trường như hiệu trưởng, hiệu phó nhưng… nhưng nhiều người vẫn ngại.

Mục tiêu phấn đấu hướng về cá nhân

Ông Trương Văn Đới, Trưởng phòng GD & ĐT Hương Trà cho biết, giáo sinh trẻ vào ngành ai cũng rất nhiệt tình với công việc của trường, của lớp. Thực tế cho thấy, không ít người phấn đấu hoàn thành tốt không chỉ nhiệm vụ chuyên môn mà cả công tác Đoàn, Đội để được “chấm điểm”, được đi học thêm về nghiệp vụ, thi giáo viên dạy giỏi; trở thành tổ trưởng chuyên môn, tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi… Nhưng sau khi đã đạt những danh hiệu như giáo viên dạy giỏi, tổ trưởng bộ môn, đào tạo được một vài lứa học sinh đạt giải học sinh giỏi các cấp thì thường thì các giáo viên sẽ có cơ hội thu nhập cao hơn nếu mở lớp dạy thêm.

Nhiều Ban giám hiệu phản ánh tình trạng trong trường thường có nhóm giáo viên… lười tham gia các hoạt động của trường, né tránh hoặc nhận làm nhưng theo kiểu… nghĩa vụ. Khi tìm hỏi tâm tư, nhiều người cho rằng, với họ, đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho học sinh và làm tốt nhiệm vụ này là mong muốn duy nhất khi chọn nghề giáo nên chỉ muốn tập trung chuyên môn.

Nhưng đằng sau những câu trả lời hết sức tròn trịa đó, rất nhiều người trong họ cho rằng tham gia các hoạt động không mang lại lợi ích kinh tế thiết thực. Họ dành nhiều thời gian cho việc dạy các lớp học ngoài trường với thu nhập cao hơn nhiều lần thu nhập từ dạy học chính khóa. Những người này luôn từ chối được đưa vào “quy hoạch” dù là làm CBQL cấp trường. Và họ chính là những “hạt sạn” của nghề giáo. Bởi một nhà giáo nếu nghiêng về lợi ích kinh tế một cách đơn thuần, chính họ đã làm lu mờ hình ảnh người thầy và “làm khó” cho tổ chức trong công tác quy hoạch cán bộ.

Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc sở GD&ĐT khẳng định: "Việc phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên viên tại Văn phòng sở và phòng GD & ĐT hiện nay quá khó khăn là do chế độ dành cho đối tượng này còn bất hợp lý. Họ chịu nhiều thiệt thòi về cơ chế đãi ngộ. Trong khi đó, do đặc thù công việc đây phải là những người giỏi chuyên môn… Trước thực tế này, chúng tôi đã thống nhất kiến nghị bằng văn bản lên Bộ GD & ĐT và lãnh đạo tỉnh để tìm hướng giải quyết”.

Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác
Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy

Ngày 21/11, Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh do PGS.TS Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện CTQG Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thị ủy Hương Thủy về công tác cán bộ nữ.

Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy
Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ

Tình trạng xe container, đầu kéo, xe hợp đồng chở khách, xe chạy tuyến cố định vi phạm tốc độ dù đã được kiểm tra, xử lý nhắc nhở thường xuyên, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Giải pháp đặt ra vẫn là quản lý chặt chẽ hơn nữa, xử lý nghiêm hơn nữa các phương tiện vi phạm để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này.

Siết chặt quản lý phương tiện ô tô vi phạm tốc độ
Chuyện về những giáo viên không cầm phấn

Thật ngạc nhiên và cảm động khi chứng kiến một lớp học không cần bảng đen, những giáo viên dạy trẻ khiếm thị chỉ bằng tiếng gõ lạch cạch, cái sờ tay và bằng cả trái tim yêu thương.

Chuyện về những giáo viên không cầm phấn
Return to top