ClockThứ Tư, 19/02/2020 06:45

Đào tạo trực tuyến: Chưa thể mở rộng đại trà cho toàn bộ sinh viên

TTH - Trong bối cảnh dịch bệnh như COVID-19 hay các trường hợp cần thiết, chuyện đào tạo trực tuyến lại được nhắc đến. Dù mang lại nhiều điểm lợi, nhưng đến nay việc đào tạo trực tuyến cho sinh viên theo hình thức mở rộng đại trà vẫn chưa thể làm được.

Gần 1.700 chỉ tiêu tuyển dụng việc làm cho sinh viênNgành giáo dục thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn yếu kém

Mô hình đào tạo trực tuyến mang lại nhiều tiện ích cho sinh viên (Ảnh minh họa)

Mới triển khai quy mô nhỏ

Những ngày qua, trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến Đại học (ĐH) Huế cùng các đơn vị buộc phải cho sinh viên tạm nghỉ học kéo dài, một số đơn vị đã lên phương án đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, hình thức đào tạo này chỉ áp dụng một số môn, học phần và ở một vài trường có tham gia dự án liên quan, từng triển khai thí điểm. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế chia sẻ, tại trường mới chỉ có một số học phần được đào tạo trực tuyến. Giai đoạn học sinh nghỉ học tập trung tại trường do dịch COVID-19, trường ưu tiên cho giảng dạy các học phần có đào tạo trực tuyến trước, khi hết dịch, sẽ đổi kế hoạch trả lại thời gian cho các học phần không đào tạo trực tuyến (theo phương pháp dạy học truyền thống).

Vấn đề đào tạo trực tuyến cũng là trăn trở của ĐH Huế và các cơ sở đào tạo. PGS.TS. Võ Viết Minh Nhật, Phó Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, hình thức đào tạo trực tuyến ở các trường chủ yếu thông qua các dự án và đội ngũ cán bộ được tham gia tập huấn chưa phải quá nhiều. Hiện nay, các trường ĐH, như: Y dược, Ngoại ngữ, Luật, Kinh tế và Khoa Du lịch – ĐH Huế có triển khai đào tạo trực tuyến nhưng chỉ ở một số môn, học phần, chưa thể triển khai đại trà.

Cái khó khi chưa mở rộng phạm vi đào tạo trực tuyến có nhiều nguyên nhân. Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, vấn đề lo ngại nhất là server (máy chủ) và đường truyền phải mạnh để đảm bảo quá trình dạy – học không bị gián đoạn. Còn theo PGS.TS. Võ Viết Minh Nhật, hiện vẫn chưa có quy chế cho đào tạo trực tuyến nên việc triển khai vẫn còn mang tính khuyến khích, chưa thể bắt buộc. Để làm các bài giảng theo hình thức đào tạo trực tuyến mất nhiều thời gian, trong khi vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ về tài chính. Hơn thế, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, nỗi lo về bảo mật bài giảng khiến nhiều giảng viên ngại triển khai. “Hiện mới chỉ có phần mềm cơ bản. Để đào tạo đại trà và phục vụ tốt cho người học, cần có sự đầu tư lớn hơn và nguồn kinh phí không hề nhỏ, đó là khó khăn”, PGS.TS. Võ Viết Minh Nhật trăn trở.

Nguyễn Văn Nhân, sinh viên ĐH Huế lo lắng: "Sinh viên vẫn chưa được tập huấn, hướng dẫn về hình thức học trực tuyến. Trong điều kiện wifi và các vấn đề mạng tại nơi ở của người học không đảm bảo, khá lo ngại cho chất lượng học. Nếu không giải quyết được vấn đề trên thì đào tạo trực tuyến khó hiệu quả".

Các trường tại Huế hiện nay vẫn đang kết hợp hình thức đào tạo trực tiếp với trực tuyến (Ảnh minh họa)

Nỗ lực “phủ sóng” trong vài năm tới

Theo đại diện ĐH Huế, số lượng sinh viên ĐH Huế rất đông, chỉ riêng ĐH hệ chính quy có khoảng 40.000 sinh viên, vì vậy để đảm bảo đào tạo trực tuyến đại trà cho toàn bộ sinh viên ở tất cả học phần, môn học cần có sự chuẩn bị kỹ để đảm bảo chất lượng thực sự khi vận hành thực tế, chứ không thể chỉ lấy danh nghĩa dạy bằng công nghệ là đào tạo trực tuyến.

PGS.TS. Võ Viết Minh Nhật cho biết, việc trước tiên là soạn thảo quy chế về đào tạo trực tuyến và hiện ĐH Huế đang triển khai, dự kiến trong quý I – 2020 sẽ hoàn thành. Sau khi quy chế được ban hành triển khai, cần có sự giám sát ở các trường để đảm bảo hiệu quả, không chỉ về phần kỹ thuật mà còn việc thực hiện nghiêm túc quy chế. Để đảm bảo cho sự thay đổi hiệu quả, ban đầu việc áp dụng có thể sẽ mang tính khuyến khích chuyển sang đào tạo trực tuyến, nhưng sau đó sẽ bắt buộc để trong điều kiện cần thiết các cán bộ, giảng viên và người học có thể dạy học theo hình thức trực tuyến.

Theo đại diện Ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế, nếu triển khai tích cực, trong khoảng 2 - 3 năm tới có thể “phủ sóng” đại trà việc đào tạo trực tuyến cho toàn bộ người học của ĐH Huế. Tuy nhiên, trước đó, ĐH Huế cùng các trường sẽ triển khai rất nhiều công tác, nhất là tập huấn kỹ cho giảng viên, học viên, sinh viên về phương pháp dạy - học qua hình thức trực tuyến.

Hiện, với các lớp đã và đang đào tạo trực tuyến E-learning, ĐH Huế cùng các cơ sở đào tạo cũng đang tiến hành nhiều khảo sát, lấy ý kiến đánh giá từ phía người học để kịp thời điều chỉnh về mặt nội dung, kỹ thuật nhằm hoàn thiện các vấn đề liên quan trước khi có phương án mở rộng đào tạo đại trà với hình thức đào tạo trực tuyến.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên tài khoản định danh điện tử VNeID

Tại Phiên họp thứ tư của Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính về giải pháp chuyển đổi sang sử dụng một loại tài khoản duy nhất VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến diễn ra sáng 3/5, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết: Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị tiên phong đề nghị kết nối Hệ thống thông tin của tỉnh với Hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên tài khoản định danh điện tử VNeID
Đăng ký thi thử trực tuyến trên hệ thống

Từ ngày 24-28/4, các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh đã triển khai cho học sinh lớp 12 thử đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống Quản lý thi. Đây là một bước quan trọng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Đăng ký thi thử trực tuyến trên hệ thống
Tiếp cận những kiến thức mới vào đào tạo

Đại học Huế đón nhiều giáo sư (GS), chuyên gia đầu ngành đến chia sẻ kiến thức mới. Không chỉ là dịp để tiếp cận được kiến thức, mà qua đó phần nào còn khẳng định thương hiệu của Đại học Huế.

Tiếp cận những kiến thức mới vào đào tạo
20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
Cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp trên VNeID: Nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí

Cùng với Hà Nội, từ 22/4 – 22/6/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp (LLTP) trên trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID cho công dân Việt Nam có tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2. Việc này nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân.

Cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp trên VNeID Nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí

TIN MỚI

Return to top