ClockThứ Ba, 07/08/2018 06:30

Đầu vào thấp & nỗi lo thương hiệu

TTH - Có thể đó là khó khăn chung của giáo dục đại học (ĐH) toàn quốc, song với mức điểm chuẩn mà ĐH Huế vừa công bố (tối 5/8), xã hội có quyền lo lắng về một ĐH vùng có thương hiệu.

Điểm chuẩn đợt 1 các ngành của ĐH Huế từ 13 - 23,25 điểm

Đầu vào thấp phần nào cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai

Số liệu thống kê điểm chuẩn ĐH Huế vừa công bố cho thấy, khoảng 60 ngành có điểm chuẩn bằng điểm sàn (chưa tính nhóm ngành sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 17 điểm), trong đó có rất nhiều ngành lấy điểm chuẩn bằng mức điểm sàn thấp nhất là 13 điểm, tập trung chủ yếu ở Trường ĐH Nông lâm, Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Kinh tế và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị. Một số ngành khác ở các cơ sở giáo dục thuộc ĐH Huế có mức điểm chuẩn nhỉnh hơn nhưng so với điểm sàn cũng chưa cao hơn nhiều.

Lâu nay, người ta muốn tách bạch giữa điểm sàn và điểm chuẩn. Lý do bởi điểm sàn chỉ là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, còn điểm chuẩn là ngưỡng xét tuyển (trúng tuyển) và đương nhiên điểm chuẩn càng cao thì càng chất lượng. Vì thế, chuyện “chuẩn bằng sàn” hay khoảng cách giữa hai ngưỡng điểm quá ngắn khiến dư luận và người dân Huế băn khoăn.

Điểm chuẩn thấp không phải là chuyện mới mà đã tồn tại những năm gần đây. Đáng nói là, dù điểm chuẩn thấp, nhiều ngành vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Điển hình nhất là các ngành khoa học cơ bản tại Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Nông lâm, Khoa Giáo dục Thể chất, Trường ĐH Nghệ thuật… Nhìn vào bảng thống kê các ngành khó tuyển của ĐH Huế năm 2017 và các năm trước sẽ thấy, bức tranh tuyển sinh gặp không ít khó khăn, nhất là mùa tuyển sinh năm ngoái có khoảng 30 ngành khó tuyển. Chắc chắn, trong năm nay, một số tên ngành bị liệt vào danh sách khó tuyển năm qua sẽ xuất hiện lại và vấn đề đặt ra là nên dừng tuyển hay tiếp tục.

Ngoài học tập, sinh viên còn tham gia nghiên cứu khoa học. Khi đầu vào thấp sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động này

Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia 2018 được nhiều thí sinh đánh giá khó, kéo theo kết quả điểm thi bị ảnh hưởng. Song, lấy lý do này để đưa ra mức điểm chuẩn thấp trong khi luôn khẳng định thương hiệu cao thì chưa thuyết phục. Không thể đặt ĐH Huế ngang hàng với các ĐH địa phương để so sánh điểm chuẩn bởi muốn ngày càng phát triển, tăng uy tín, thương hiệu, ĐH Huế phải so sánh với các ĐH Quốc gia, ĐH vùng. Tại sao thí sinh điểm cao ở Huế lại chọn trường học ở hai đầu đất nước? Trả lời được câu hỏi đó sẽ có thêm lời giải cho bài toán thương hiệu.

Trong tổng thể bức tranh tuyển sinh năm 2018, nhìn vào trường hợp các ngành sư phạm là một ví dụ. Dù phổ điểm thi THPT Quốc gia giảm, song Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn quyết định tăng điểm sàn sư phạm lên 17 điểm, một mức điểm khá cao. Lý do đơn giản vì đó là thương hiệu của ngành. Một thí sinh không thể học kém nhưng vẫn đậu vào trường sư phạm, sau đó với trình độ hạn chế có thể ra làm thầy cô để giảng dạy học sinh. Các ngành khác cũng nằm trong điều kiện tương tự. Đừng nói đầu vào mở nhưng sẽ siết đầu ra bởi khi tiến tới cơ chế tự chủ, nếu “làm khó” người học sẽ khó thu hút thí sinh.

Lãnh đạo một số trường, khoa cho rằng, điểm chuẩn chỉ là mức điểm đầu vào, quan trọng ở quá trình đào tạo. Tuy nhiên, theo dõi mức điểm chuẩn đầu vào và chất lượng đầu ra cũng như khả năng có việc làm đúng chuyên môn của nhiều ngành vài năm qua, sự phân tích đó chỉ mang ý nghĩa trấn an. Giáo dục cũng như nhiều lĩnh vực khác, cần “có bột mới gột nên hồ”. Với đầu vào thấp, rất khó để có đầu ra chất lượng. Bằng chứng là, nhiều doanh nghiệp, cơ quan khi tiếp nhận sinh viên vào làm việc phải đào tạo lại, mất 6 tháng đến cả năm. Trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt và đơn vị tuyển dụng ngày càng đòi hỏi chất lượng nhân lực, đầu vào thấp sẽ là điểm trừ khi sinh viên ra trường muốn tìm việc làm.

Trong một phát biểu tại chương trình đối thoại trực tuyến trên Thừa Thiên Huế Online, PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế đã thẳng thắn, ĐH Huế với tinh thần ĐH vùng và thương hiệu khá cao sẽ quan tâm cả hai yếu tố là chỉ tiêu và chất lượng đầu vào. ĐH Huế sẽ không lấy mức điểm chỉ để gọi được thí sinh mà sẽ xem xét chuẩn đầu vào để đảm bảo chất lượng cho đào tạo các ngành. Hiện nay, ĐH Huế đang hướng đến trở thành ĐH nghiên cứu do vậy đầu vào rất quan trọng, giúp sinh viên có đủ năng lực học tập cũng như cơ hội việc làm. Song, với mức điểm chuẩn như hiện nay, “chủ trương” đó của ĐHH có độ “chênh” khá lớn.

Trong những thông tin quảng bá đến thí sinh và xã hội, các cơ sở giáo dục thường lấy lịch sử (nhiều năm) hình thành và số lượng cán bộ chuyên môn có học hàm, học vị cao để khẳng định thương hiệu, song cũng cần phải hiểu, thương hiệu còn được tạo dựng bằng đầu vào chất lượng, đầu ra việc làm tốt, đúng chuyên môn. Chắc chắn, câu chuyện đầu vào sẽ còn là vấn đề đáng trăn trở và ĐH Huế cần tính đến phương án tái cấu trúc ngành, nghề sau mùa tuyển sinh 2018. Những khó khăn đầu vào phải được lãnh đạo ĐH Huế cùng các trường nghiêm túc mổ xẻ, nhìn nhận, phân tích để các mùa tuyển sinh tiếp theo, không để vì chỉ tiêu mà “hạ chuẩn” đầu vào.

Bài, ảnh: Bích Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Return to top