ClockThứ Sáu, 05/07/2019 05:30
Học phí của các cơ sở giáo dục mầm non & phổ thông công lập:

Đề xuất giữ nguyên mức cũ

TTH - Tại kỳ họp sắp tới, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh, năm học 2019 - 2020 bằng mức thu học phí của năm 2018-2019.

Không tăng học phí năm học 2019 - 2020Miễn học phí cho trẻ mầm non ở vùng đặc biệt khó khănSẽ cho ứng trước kinh phí xây dựng phòng học mầm non

Học sinh Trường THPT An Lương Đông trong giờ lên lớp. Ảnh: Hữu Phúc

Cam kết chất lượng giáo dục

Nếu không có gì thay đổi, đề án “Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn năm học 2019 - 2020” sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VII.

Năm học 2018 - 2019, các cơ sở giáo dục tại Thừa Thiên Huế đã tăng mức thu học phí từ 7% đến 15% (từ 1.000 đồng đến 22.000 đồng) tùy theo các vùng miền và cấp học. Mức thu học phí này được cho là không quá cao và nằm trong khả năng chi trả của người dân. Riêng những em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách... đều được Nhà nước không thu hoặc miễn, giảm học phí cũng như chính sách hỗ trợ chi phí học tập nên việc tăng học phí không ảnh hưởng đến chuyện học của các em.

Cũng trong năm học qua, các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập ước thu được khoảng 82 tỷ đồng học phí, chiếm khoảng 3,1% tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục. Nguồn thu học phí góp phần bổ sung kinh phí cho các hoạt động sự nghiệp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, bổ sung nguồn kinh phí cải cách tiền lương theo lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ.

Tăng học phí hàng năm là cần thiết khi các trường này sẽ giảm dần cấp phát từ ngân sách để chuyển kinh phí đầu tư cho các trường ở địa bàn khó khăn. Ngân sách Nhà nước và đóng góp của người dân thông qua đóng học phí làm cho kinh phí đầu tư vào giáo dục tăng lên, được sử dụng hiệu quả hơn. Các cơ sở giáo dục công khai cam kết và thực hiện chất lượng giáo dục; công khai nguồn lực của cơ sở đào tạo và công khai tài chính. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để Nhà nước và Nhân dân kiểm tra, đánh giá chất lượng và tình hình tài chính của cơ sở giáo dục.

Thông qua cơ chế học phí mới và các chính sách khuyến khích xã hội hoá, sự đóng góp của xã hội cho giáo dục sẽ cao hơn, song luôn đảm bảo yêu cầu phù hợp với khả năng đóng góp của Nhân dân và các nhà đầu tư, không gây gánh nặng về tài chính cho gia đình người học. Đời sống thầy cô giáo và điều kiện làm việc sẽ được chăm lo tốt hơn, để họ không ngừng nâng cao trình độ, nêu cao tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo là quốc sách.

Phù hợp

Học phí được các trường thu định kỳ hàng tháng, nếu cha mẹ học sinh tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên và dạy nghề phổ thông, học phí được thu theo số tháng thực học. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm. Cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo tờ trình của UBND tỉnh, năm học 2018 - 2019, mức thu học phí đã được điều chỉnh tăng so với năm học trước. Qua khảo sát thực tế, đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố và các ngành, mức thu học phí của năm học 2018 - 2019 còn phù hợp với thu nhập của phần lớn dân cư. Hơn nữa, thời gian vừa qua, do tình hình giá điện, xăng dầu tăng nên làm ảnh hưởng phần nào đến đời sống của người dân.

Theo báo cáo thẩm tra, nếu thời điểm này, thực hiện việc điều chỉnh tăng học phí theo chỉ số giá tiêu dùng thì mức thu tăng dưới 3% và nguồn thu tăng thêm không nhiều so với tổng chi cho sự nghiệp giáo dục (dự kiến, số tiền tăng thu học phí toàn tỉnh khoảng 2,2 tỷ đồng) nhưng lại tác động đến đời sống tâm lý của đại đa số người dân lao động trước áp lực tăng đồng loạt nhiều dịch vụ thiết yếu của đời sống. Do đó, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh năm học 2019 - 2020 bằng mức thu học phí của năm 2018-2019.

Thông tin việc đề xuất giữ nguyên mức học phí cũ ở cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn năm học 2019-2020, được người dân đồng tình. Điều này thể hiện sự quan tâm của ngành giáo dục, chính quyền địa phương đối với quá trình học tập của con em, giúp cho nhiều đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ học giữa chừng vì thiếu điều kiện học tập.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top