Thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia 2019
Điểm chuẩn mà Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế công bố cho thấy, năm 2019 có khoảng 80 ngành tăng điểm so với năm 2018. Trung bình, điểm chuẩn các ngành tăng 1 - 2 điểm so với năm trước. Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế, điểm chuẩn tăng đều ở hầu hết các trường, khoa, phân hiệu trực thuộc ĐH Huế, nhất là nhóm ngành về du lịch, ngoại ngữ, kinh tế, y dược.
Trong lần công bố điểm chuẩn đợt 1 – 2019, ngoài Trường ĐH Y dược, có một số ngành của Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Nghệ thuật trên 20 điểm. Đây là ngưỡng điểm tương đối chất lượng so với mặt bằng chung.
Điểm chuẩn tăng là tín hiệu tích cực song vẫn còn khá nhiều nỗi lo. Nhìn vào phổ điểm thi trung học phổ thông Quốc gia 2019, từ sớm nhiều người đã dự báo điểm chuẩn khả năng tăng vì kết quả thi của nhiều thí sinh khá tốt. Nguồn tuyển của ĐH Huế trong phạm vi cả nước nên điểm chuẩn tăng không phải là điều bất ngờ. Dễ thấy, ngoài ĐH Huế, có rất nhiều cơ sở giáo dục tăng điểm chuẩn năm 2019, như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội...
Thực tế, nếu so sánh với mức điểm sàn (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) mà ĐH Huế công bố chiều 19/7, sẽ thấy điểm chuẩn của nhiều ngành không quá chênh lệch, thậm chí có gần 60 ngành điểm chuẩn bằng điểm sàn; nhiều ngành cao hơn sàn không quá 1 điểm. Đây là mối lo ngại của xã hội bởi đã từ lâu, nhiều người cho rằng hai mức điểm này phải có một khoảng cách. Không ít ý kiến đánh giá, với cơ hội vào ĐH thênh thang như hiện nay, để chuẩn chạm sàn là biểu hiện khó khăn trong tuyển sinh của đơn vị.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế năm 2018
Đầu vào không cao đặt ra nhiều mối lo. Theo điểm chuẩn được ĐH Huế công bố, có đến 60 ngành điểm chuẩn dưới 15 điểm, tức là thí sinh chỉ cần đạt mỗi môn (trong tổng 3 môn) chưa tới 5 điểm. Dù lãnh đạo các trường khẳng định đầu vào chỉ là một yếu tố, không phải quyết định tất cả đến chất lượng nhưng trong giảng dạy, rất khó để đào tạo một người trình độ trung bình trở thành cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư giỏi dù cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên… đảm bảo.
Năm nay, điểm chuẩn khối ngành sư phạm tăng so với năm 2018, nhiều ngành ở mức 18 điểm. Đây là mức điểm cao nhưng thực ra bằng với mức điểm sàn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho các ngành đào tạo giáo viên. Với mức điểm này, giảng viên đơn vị đào tạo sốt ruột bởi nếu đạt từ 18 điểm trở lên, thí sinh có quá nhiều sự lựa chọn ngành nghề, nhất là trong bối cảnh cơ hội đậu ĐH quá “thoáng” như hiện nay, nhờ những “cơ chế” như sau khi biết điểm thi có thể điều chỉnh nguyện vọng.
Những năm gần đây, tuyển sinh ĐH gặp khó xảy ra với rất nhiều trường trên toàn quốc và một số đơn vị thuộc ĐH Huế không nằm ngoài bối cảnh chung. Điển hình năm 2018, công tác tuyển sinh ĐH hệ chính quy đạt chưa tới 70% so với chỉ tiêu dù đã triển khai nhiều giải pháp quảng bá tuyển sinh, đó là một điều rất đáng lo.
Trong một chia sẻ với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế khi nói về việc giữ các ngành khoa học cơ bản, PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế trăn trở, trong tuyển sinh, trường luôn muốn đưa ra mức điểm chuẩn cao, tuy nhiên điều “luẩn quẩn” là với mức điểm cao, khó thu hút thí sinh. Trái lại nếu với mức điểm chuẩn thấp, thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh các trường phải hướng đến tự chủ và học phí là nguồn thu chính thì việc thiếu người học sẽ rất khó khăn.
Việc xác định điểm chuẩn dựa vào lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên số lượng chỉ tiêu. Ngưỡng điểm chuẩn ít nhất phải đảm bảo không dưới điểm sàn và có lượng thí sinh đăng ký phù hợp. Khi cuộc cạnh tranh về tuyển sinh khá gay gắt thì việc cân nhắc, tính toán điểm chuẩn sẽ rất đau đầu. Đây là cái khó của ĐH Huế cũng như các trường trong công tác tuyển sinh.
Tuy nhiên, nói khó không có nghĩa để dư luận hoài nghi chất lượng. Năm 2019, ĐH Huế tuyển thêm khá nhiều ngành về nhóm ngành kỹ thuật, ứng dụng, song nhìn chung, điểm chuẩn của các ngành cũng không thực sự cao. Điển hình như nhiều ngành mới tại Trường ĐH Khoa học vẫn không vượt qua ngưỡng 15 điểm, mặc dù đại diện ĐH Huế và đơn vị đào tạo khẳng định đã khảo sát, nghiên cứu kỹ nhu cầu thí sinh trước khi mở ngành.
Bài, ảnh: TÂM ĐỨC