|
Điểm trường Trịnh Công Sơn được thiết kế mang đậm nét đặc trưng của vùng đất Cố đô và phảng phất nét văn hóa nhà gươl của người Cơ Tu |
Ngôi trường bên suối Thượng Long
Nằm bên con suối Thượng Long, điểm trường Trịnh Công Sơn nổi bật với sắc đỏ, phong cách thiết kế như một ngôi nhà gươl truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trên khu đất có tổng diện tích hơn 1.100m2, điểm trường được xây mới với 3 phòng học, 1 phòng nghỉ dành cho giáo viên.
Ngôi trường được xây dựng kiên cố, lợp ngói chống nóng và được gia cố hệ thống trần nhà bằng khung thép chắc chắn. Mỗi phòng học được bố trí bàn, ghế, quạt... Phòng nghỉ giáo viên được trang bị hệ thống tủ đựng dụng cụ y tế, tủ sách và nơi đọc sách…
Điểm trường Trịnh Công Sơn được khởi công xây dựng từ ngày 22/10/2023 từ nguồn Quỹ Trịnh Công Sơn và kinh phí đối ứng của huyện Nam Đông. Trong đó, nguồn quỹ của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hỗ trợ 1,3 tỷ đồng xây mới 3 phòng học, 1 phòng giáo viên, hành lang có mái che, khu nhà vệ sinh với tổng diện tích xây dựng mới 250m2. Phần kinh phí đối ứng của huyện Nam Đông khoảng 1 tỷ đồng thực hiện san lấp mở rộng và nâng cao mặt bằng, xây dựng bồn hoa, trồng cây, hàng rào cây xanh, cổng, trang thiết bị nội thất...
Sau khi khánh thành, ngôi trường được bàn giao cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông quản lý, sử dụng. Đây là một điểm trường của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, là nơi học tập của học viên vừa học chương trình giáo dục thường xuyên vừa học trung cấp nghề, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các lớp xóa mù chữ vào ban đêm.
Góp phần nâng cao dân trí vùng cao
|
Học sinh xã Thượng Long và vùng lân cận được học trong ngôi trường mới khang trang |
Điểm trường Trịnh Công Sơn vốn là Trường mầm non xã Thượng Long, được xây dựng cách đây hơn 23 năm. Sau khi trường mầm non có cơ sở mới, từ năm học 2021 – 2022, nơi đây được giao cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên sử dụng để giảng dạy các lớp giáo dục thường xuyên cấp THPT và dạy nghề. Đối tượng tham gia học chủ yếu là những học viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn ở xã Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Hữu... không có điều kiện để theo học ở các trường THPT. Hiện nay, điểm trường này có 95 học sinh là người dân tộc Cơ Tu; trong đó, có 40 học sinh cấp tiểu học học theo chương trình xóa mù chữ dành cho những em bỏ học sớm, 55 học sinh THPT kết hợp dạy nghề.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông cho hay, trước đây, dù đã có nhiều đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhưng các phòng học vẫn chưa đảm bảo yêu cầu dạy và học. Do cơ sở đã xây dựng quá lâu năm, diện tích phòng học không phù hợp với cấp học, trang thiết bị dạy học thường xuyên bị hư hỏng vì ẩm thấp. Thầy và trò luôn chịu cảnh mùa nắng nóng gắt, mùa đông mưa tạt, gió lùa. Vì thế, giáo viên, học sinh nơi đây rất vui mừng khi điểm trường được xây dựng mới khang trang.
Là nơi học tập của các học viên vừa học chương trình giáo dục thường xuyên vừa học nghề, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các lớp xóa mù chữ, điểm trường Trịnh Công Sơn tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học viên, góp phần quan trọng trong việc xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Thượng Long và các xã lân cận như Hương Hữu, Thượng Quảng, góp phần nâng cao dân trí ở huyện miền núi Nam Đông.
Ông Lại Quốc Trình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông chia sẻ, chúng tôi thật sự vui mừng, cảm động vì được đón nhận sự tài trợ của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Điều đó tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ giáo viên ngành giáo dục huyện nhà, đặc biệt là giáo viên và học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học trong thời gian tới.
Thực hiện ý nguyện của cố nhạc sĩ
|
Không gian đọc sách tại điểm trường Trịnh Công Sơn |
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trung Trực, em rể cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, việc hỗ trợ xây trường học là thực hiện ý nguyện thuở sinh thời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từng là một nhà giáo, nhạc sĩ luôn đau đáu nỗi niềm phát triển văn hóa, nâng cao dân trí cho mọi người, đặc biệt là bà con ở những vùng cao đang còn khó khăn.
Để thực hiện mong muốn của cố nhạc sĩ, Quỹ Trịnh Công Sơn đã kêu gọi các đơn vị tài trợ để xây dựng những điểm trường dành cho bà con người đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Đông (Thừa Thiên Huế) - quê hương nhạc sĩ, Buôn Ma Thuột - nơi nhạc sĩ chào đời và B'Lao (Lâm Đồng) – nơi ông từng dạy học.
Điểm trường Trịnh Công Sơn ở Thượng Long nổi bật với sắc đỏ chủ đạo, gợi nhắc hình ảnh Trường Quốc Học Huế. Kiến trúc sư Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc văn phòng kiến trúc 1+1>2, đơn vị thiết kế cho hay, công trình có mái thấp và xòe rộng để phù hợp vùng khí hậu mưa dầm nắng gắt nhưng cửa sổ mở to đảm bảo ánh sáng tự nhiên. Hệ kết cấu bê tông cốt thép đảm bảo vững chắc trong mùa mưa bão. Điểm đặc biệt nữa ở công trình này là ở khu sân sau giáp suối sẽ làm không gian sinh hoạt cộng đồng và biểu diễn giao lưu của hội yêu nhạc Trịnh.
KTS. Nguyễn Gia Phong tâm sự, là người yêu nhạc Trịnh nên khi thiết kế điểm trường Trịnh Công Sơn, anh có nhiều cảm xúc. Có một kỷ niệm anh nhớ mãi, ngày đầu lên Nam Đông khảo sát, anh gặp các thầy cô lớn tuổi, họ kể sau năm 1976 lên đây cực kỳ vất vả, tưởng không sống nổi nhưng họ đã trụ lại được nhờ cây đàn ghi ta và nhạc Trịnh. Thế nên mới quyết định làm một khoảng sân lớn giáp suối, để làm nơi những người yêu nhạc Trịnh tụ họp, vì điểm trường này là trường cộng đồng.