ClockChủ Nhật, 19/08/2018 19:01

Điểm tuyển & thương hiệu

TTH - Ngay sau khi kết thúc đợt đón tiếp thí sinh nhập học đợt 1/2018, Đại học (ĐH) Huế buộc phải tuyển bổ sung bởi nhiều ngành học chưa tuyển đủ số lượng sinh viên. Trong đó có nhiều ngành chỉ tuyển được vài em và thậm chí có ngành không có em nào như ngành khoa học đất của Trường ĐH Nông lâm; ngành lâm nghiệp đô thị chỉ có 1 thí sinh; ngành công nghệ rau hoa quả và cảnh quan 3 thí sinh, ngành hệ thống thông tin quản lý (chất lượng cao) và kinh doanh nông nghiệp thuộc Trường ĐH Kinh tế có 2 thí sinh. Đó là chưa kể một số ngành của Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị chưa có thí sinh hoặc mới chỉ có một vài thí sinh nhập học.

Thiếu người học, nhiều ngành phải tuyển bổ sungĐH Huế tuyển 363 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung đợt 1 phương thức học bạĐại học Huế đã tính toán kỹ khi công bố điểm chuẩn

Đầu vào tốt, sẽ góp phần giúp đầu ra chất lượng hơn (Trong ảnh: Thí sinh xác nhận nhập học đợt 1). Ảnh: Hữu Phúc

Không còn cách nào khác, ĐH Huế buộc phải tuyển thêm thí sinh để ít nhất một số ngành có đủ chỉ tiêu “cứng” để tổ chức đào tạo.

Rõ ràng, trong hơn 12.500 thí sinh trúng tuyển các trường, khoa thành viên thuộc ĐH Huế, có nhiều em cũng đã trúng tuyển nhiều ngành học khác của các trường ĐH khác, hoặc đang phân vân chưa chọn lựa ngành học, trường học nên chưa chọn các trường, khoa thuộc ĐH Huế. Vì thế, con số đăng ký nhập học đợt đầu chỉ chưa tới 8.500 em. 4.000 thí sinh còn lại ngoài một vài lý do khách quan như gửi hồ sơ theo đường bưu điện hoặc có lý do riêng, ĐH Huế sẽ tạo điều kiện để các em nhập học, song con số này được nhận định là không nhiều và khó có thể nâng tỉ lệ thí sinh nhập học.

Trong các trường thành viên, ĐH Khoa học là đơn vị phải tuyển bổ sung nhiều nhất với hơn 1.000 chỉ tiêu ở 21 ngành, kế đến là ĐH Nông lâm với gần 1.000 chỉ tiêu… Tuy vậy, vẫn có một số trường đạt tỉ lệ cao như ĐH Y dược, Khoa Du lịch, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Kinh tế.

Theo đánh giá chung, so với nhiều tỉnh thành khác, tỉ lệ tuyển sinh đợt 1 của ĐH Huế đạt gần 70% đã là mức cao, nằm ở top những tỉnh, thành có tỉ lệ tuyển sinh tốt của cả nước. Thế nhưng ĐH Huế vẫn phải tuyển bổ sung để có thể duy trì một số ngành và tăng số lượng người học trong mức cho phép.

Sẽ không có gì đáng nói, nếu như trước đó mức điểm chuẩn công bố trúng tuyển của một số ngành của các trường thành viên thuộc ĐH Huế bằng hoặc cao hơn so với mọi năm. Chúng tôi được biết, quan điểm của ĐH Huế là không hạ điểm chuẩn và mức điểm chuẩn trúng tuyển đợt tiếp theo (bắt đầu từ ngày 13/8) ít nhất bằng hoặc cao hơn đợt 1. Song, một phương án cần thiết và cấp bách mà ĐH Huế cần phải tính tới, đó là sớm sắp xếp, giảm hoặc ngưng đào tạo một số ngành không đảm bảo chỉ tiêu, thậm chí là không có người đăng ký.

Trả lời trên một số phương tiện thông tin truyền thông, lãnh đạo ĐH Huế cho rằng, đã cân nhắc khi đưa ra mức điểm trúng tuyển. Điều đó đã dựa vào kết quả thi tuyển, điểm thi của thí sinh. Thế nhưng, không ít người băn khoăn cho thương hiệu ĐH Huế, với uy tín, bề dày đào tạo hàng chục năm qua. Nhất là khi ĐH Huế đang hướng đến ĐH nghiên cứu, nghĩa là không chỉ đào tạo cơ bản mà còn chuyên sâu, với mục tiêu đào tạo cho cả nước, khu vực những nhà nghiên cứu, chuyên gia trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội...

Trong bối cảnh tiến tới tự chủ hoàn toàn, các trường, khoa trực thuộc ĐH Huế cũng như nhiều trường đại học khác trên cả nước phải tuyển đủ mới có thể “sống” được. Tuy nhiên theo chúng tôi, cũng cần phải cân nhắc giữa uy tín, thương hiệu và điểm tuyển vào cũng như đặt nó trong một chiến lược dài hơi hơn.

Ở đây cũng cần phải nói đến việc nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc đối với những sinh viên học ở những trường, những ngành mà mức điểm trúng tuyển ĐH trung bình mỗi môn chưa tới 5 điểm. Nghĩa là người đậu ĐH chỉ có số điểm dưới trung bình sẽ khó đảm bảo về năng lực làm việc như mong muốn. Hẳn nhiên là vẫn có những nhân tố vượt trội, song những trường hợp như thế không nhiều và đây cũng là điều mà chúng tôi nhận được không ít phản hồi từ các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khi trao đổi vấn đề này.

Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top