ClockThứ Ba, 05/09/2023 14:31

Đồng hành với con vào lớp 1

TTH - Với các gia đình có trẻ chuẩn bị vào lớp 1, quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị kỹ năng, tâm lý cũng như đồng hành với các em, chưa nhất thiết phải biết đọc, biết viết và làm toán ngay từ những ngày đầu.

“Lớp chọn” và những áp lực...

 Đón học sinh lớp 1 trong ngày khai giảng năm học 2022-2023

Có con sinh năm 2017, vào lớp 1 năm học 2023 - 2024, ngay từ trong hè, chị Nguyễn Thị Hạnh, phụ huynh ở TP. Huế đã cho con học lớp tiền tiểu học. Theo suy nghĩ của chị, môi trường tiểu học sẽ khác với bậc mầm non. Trong khi, vợ chồng chị lại không nắm rõ chương trình giáo dục phổ thông mới nên khó kèm cặp, hướng dẫn con. Lo cháu không theo kịp bạn nên chị cho học trước để chuẩn bị kiến thức, tâm lý giúp con tự tin bước vào lớp 1.

Tại các diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm, học chữ trước khi vào lớp 1 sẽ giúp bố mẹ và con đỡ vất vả khi bước vào năm học. Thực tế này không mới và trở thành nhu cầu riêng của mỗi gia đình. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, hiện nay, tại các trường mẫu giáo, trẻ đã được tiếp cận, lĩnh hội lượng kiến thức, kỹ năng đúng với độ tuổi, chuẩn theo khung chương trình giáo dục hiện hành. Học chữ rồi học số đếm, tất cả đều có trong nội dung đào tạo của khối mầm non và được lồng ghép trong các hoạt động trải nghiệm của trẻ trên lớp. Nếu phụ huynh sốt ruột quá mà ép con học trước, sẽ tạo áp lực cho các em, khiến trẻ căng thẳng, mệt mỏi, đánh mất sự hứng thú, tìm tòi…

Theo cô giáo Nguyễn Thị  Phượng, giáo viên dạy lớp 1 Trường tiểu học Vĩnh Ninh, có phụ huynh cho trẻ học trước mà lại không đúng cách, đến khi vào lớp 1 giáo viên phải sửa lại cho trẻ cách cầm viết còn khó hơn là dạy ban đầu. Thế nên, chỉ cần phụ huynh chuẩn bị tâm thế, kỹ năng để các em tự tin, hứng thú khi vào môi trường mới. Còn không nhất thiết phải biết đọc, biết viết trước.

 Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 ở bậc tiểu học vừa được Sở GD&ĐT tổ chức mới đây, nhiều nhà giáo phân tích: Phụ huynh không nên cho con em chuẩn bị vào lớp 1 học trước, vì các cháu sẽ nhàn nhã khi thực hiện nhiệm vụ đầu cấp tiểu học. Dần dần tạo thói quen chủ quan, giảm khả năng tập trung vào hoạt động có mục đích. Biết chữ trước, giai đoạn đầu thì thuận lợi nhưng về sau sẽ càng khó khăn hơn. Thế nên, mỗi buổi tối phụ huynh có thể cùng con ngồi vào bàn trong một khung giờ nhất định, cùng đọc sách, trò chuyện với con, không áp lực con phải đọc thông, viết thạo, làm toán cộng trừ giỏi trước ngày khai giảng.

Để con có bước khởi đầu tốt nhất ở cấp tiểu học, thầy giáo Dương Quang Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, TP. Huế chia sẻ, gia đình và nhà trường cần tạo cho trẻ một tâm thế tốt, để trẻ hiểu và thích thú hơn về một môi trường học tập mới. Các hoạt động tăng cường thể chất cũng không thể bỏ qua, để trẻ có một sức khỏe tốt, hòa nhập môi trường mới. Quan trọng hơn, trẻ được dạy về phương pháp học, về nề nếp, kỹ năng tự học. Trẻ biết đến giờ vào học thì mở sách ra, giơ tay phát biểu, tự tin khi trình bày ý kiến của mình…

Thiết nghĩ, cải cách giáo dục, suy cho cùng cần phải giản đơn, không nên nặng nề và hàn lâm; tăng cường trải nghiệm thay vì căng thẳng, áp lực ngay từ lớp 1. Có vậy học sinh mới có thể hứng thú khi đến lớp. Đôi khi sự tò mò, háo hức, hồi hộp sẽ là một phần trong ký ức tốt đẹp của các em.

Bài, ảnh: An Nhiên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Chăm lo lưu học sinh Lào

Là trường cao đẳng duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo và cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt cho lưu học sinh (LHS) Lào, Trường Cao đẳng Huế đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tích cực chăm lo cho LHS.

Chăm lo lưu học sinh Lào
Return to top