ClockThứ Ba, 28/02/2017 08:54

Đưa giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non: Lo ngại áp lực cao

Cấp trung học cơ sở (THCS) đang thừa một số lượng lớn giáo viên trong khi bậc mầm non lại thiếu giáo viên trầm trọng. Tuy nhiên, giải pháp “chuyển chỗ thừa đắp vào chỗ thiếu” đang khiến nhiều người lo ngại về chất lượng giáo dục.

“Bội thực” giáo viên THCS

Thông tin từ Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), ngành giáo dục đang có tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ tại các bậc học. Có một nghịch lý là, trong khi số giáo viên công lập dôi dư là 26.750 người thì vẫn thiếu đến 45.058 giáo viên tại các cấp học khác.

Không chỉ truyền thụ kiến thức, giáo viên mầm non cần có năng khiếu.  (ảnh minh họa, chụp tại một trường mầm non ở quận Tây Hồ Hà Nội).  Ảnh:  V.S.K

Trong đó, bậc học thừa giáo viên nhiều nhất là THCS với trên 21.000 người và bậc học thiếu giáo viên trầm trọng là bậc mầm non với trên 32.600 người. Nguyên nhân của sự mất cân đối được chỉ ra là do quá trình đào tạo, tuyển dụng thiếu dự báo, thiếu quy hoạch tổng thể và tác động của việc tăng, giảm dân số cơ học.

Để giải quyết bài toán này, Bộ GDĐT đã giao cho các trường ĐH sư phạm xây dựng chương trình cử nhân mầm non và cao đẳng mầm non văn bằng 2, dự kiến sẽ đào tạo lại khoảng 40.000 giáo viên phổ thông dôi dư chuyển về dạy ở cấp mầm non. Tuy vậy, theo nhiều giáo viên, nếu không cẩn trọng, việc điều chuyển sẽ gây nhiều hệ lụy.

Là một giáo viên mầm non có thâm niên dạy học hơn 15 năm, cô Nguyễn Thị Lan (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho rằng, cấp học mầm non là một cấp học rất đặc thù, không giống với bất kỳ cấp học nào khác.

Theo cô Lan, ngoài kiến thức sư phạm, các cô phải có năng khiếu múa, hát, làm đồ chơi. Không những thế phải hiểu tâm sinh lý lứa tuổi mầm non, phải có tính kiên trì, bền bỉ, biết kiềm chế, không nóng giận. Không kể còn phải chăm sóc các con như con từ miếng ăn, giấc ngủ, cái quần, tấm áo, lúc đi vệ sinh... Ngược lại, giáo viên phổ thông chỉ truyền thụ kiến thức theo tiết, hết tiết là hết nhiệm vụ, ít tương tác với học sinh: “Giáo viên mầm non được đào tạo bài bản, gắn bó với nghề nhiều năm mà đôi khi còn không chịu được áp lực, còn “xuống tay” đánh trẻ huống hồ các thầy cô ở cấp phổ thông” – cô Lan nói.

Thừa nhận điều này, cô N.T.V từng là giáo viên tại một trường THCS ở Nghệ An cho biết, nếu được điều chuyển, chắc chắn chế độ và lương không thay đổi, thu nhập có khi cao hơn. Tuy nhiên, điều mà giáo viên lo ngại là áp lực công việc và thiếu kỹ năng giao tiếp, chăm sóc trẻ: “Giáo viên THCS có thể dạy THPT hoặc tiểu học và ngược lại vì đối tượng học sinh, tâm sinh lý không khác nhau là mấy. Tuy nhiên, cấp mầm non thì rất đáng bàn” – cô V nói.

Được biết, trước khi Bộ GDĐT đưa ra mục tiêu đào tạo lại 40.000 giáo viên, tại tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 100 trường hợp giáo viên THCS dôi dư được điều chuyển xuống dạy tiểu học và mầm non. Tuy nhiên, hơn 40 trường hợp chuyển về mầm non đều được sắp xếp làm công tác hậu cần, không trực tiếp đứng lớp. Việc này, sau đó đã được Bộ GDĐT chấn chỉnh.

Không ép buộc

Nói về chương trình đào tạo lại giáo viên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, chương trình này sẽ được thiết kế bài bản, khoa học để nâng cao chất lượng giáo viên và sẽ được sử dụng chung cho cả nước.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, giáo viên sau khi được đào tạo lại sẽ có một văn bằng riêng độc lập với văn bằng đã có. Những nội dung kiến thức đã được đào tạo trước đó sẽ được chuyển đổi sang văn bằng mới.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết thêm, việc điều chuyển giáo viên theo chương trình cũng còn căn cứ trên tinh thần tự nguyện của thầy cô chứ không ép buộc. Ngoài ra, theo bà Nghĩa, không phải giáo viên THCS nào cũng được lựa chọn đi học lại. Theo bà Nghĩa, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng tiêu chí lựa chọn đội ngũ giáo viên có năng khiếu nghệ thuật như hát nhạc, kể chuyện, mỹ thuật… phù hợp để đứng lớp dạy mầm non.

“Bộ sẽ yêu cầu các địa phương rà soát đề đào tạo văn bằng hai cho các giáo viên. Chúng tôi sẽ có kiểm tra, giám sát chặt chẽ để có thể cam kết rằng sẽ có được đội ngũ giáo viên chất lượng, đảm bảo việc chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non” – bà Nghĩa nói.

Ông Phạm Hồng Quang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên thì cho rằng, việc đào tạo lại giáo viên chỉ là giải pháp tình thế trong một giai đoạn nhất định. Về lâu dài, theo ông Quang, cần phải tính đến việc chuyển đổi chương trình đào tạo tại các trường sư phạm để phù hợp với việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa.

Theo Dân việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non
Học bằng... trải nghiệm

Nhiều năm nay, Trường mầm non Vĩnh Ninh là một điểm sáng giáo dục của thành phố Huế, với các hoạt động trải nghiệm được nhà trường đặc biệt coi trọng.

Học bằng  trải nghiệm
Return to top