ClockThứ Năm, 04/04/2019 06:30

“Giảm nhiệt” học trái tuyến

TTH - Đảm bảo cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện dạy và học là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng học trái tuyến.

Có tình trạng chạy trường không?Đừng "chạy" trái tuyếnHọc trái tuyến- “cuộc đua” của phụ huynh

Một tiết học ở Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai

Siết chặt học trái tuyến

Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai đóng trên địa bàn phường Thủy Xuân (TP. Huế). Địa phương có đến 56 tịnh xá, chùa chiền nên nhiều tu sĩ không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn thuộc diện học đúng tuyến. “Những năm trước, trường thuộc hạng 2 nhưng không tuyển đủ học sinh nên trường xuống hạng 3, tuyển được 4 lớp với 160 học sinh theo học”. Cô giáo Phạm Thị Minh Thư, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết.

Cũng theo cô Thư, từ ngày trường đạt chuẩn quốc gia, trường lớp được đầu tư khang trang hơn, chất lượng dạy và học được cải thiện rõ rệt. Số học sinh học tại địa phương bắt đầu nhích dần lên, tuy nhiên, mỗi năm vẫn còn khoảng 40 em trên địa bàn “vào phố” học và cũng có chừng ấy học sinh ở thôn Cư Chánh (phường Thủy Bằng, TX. Hương Thủy) về học tại trường. Sự dịch chuyển có nhiều lý do, suy cho cùng phụ huynh vẫn muốn con học trong môi trường tốt nhất theo cách nghĩ của họ.

Theo tính toán của nhà trường, chỉ trong vòng 5 năm nữa, số học sinh vào lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai sẽ tăng lên đáng kể. Bởi lẽ, học trò đang theo học lớp 1 ở Trường tiểu học Thủy Xuân hiện lên đến 8 lớp. Nguyên do là ngày càng có nhiều gia đình trẻ lên vùng ngoại ô để mua đất làm nhà. Cơ hội khẳng định thương hiệu đang đến rất gần cũng là lúc đòi hỏi sự quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Đã có lúc phụ huynh cho con học trái tuyến theo trào lưu khiến các trường lâm vào cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Người ở ngoại ô xin cho con học ở trường cận trung tâm, người ở cận trung tâm lại bằng mọi cách đưa con vào học các trường trung tâm.

Theo khảo sát của chúng tôi, ở các trường vùng ven, ngoại ô TP. Huế, mỗi trường vẫn có khoảng từ 40 - 50 học sinh không học ở các trường trên địa bàn. Ngay trong cùng một khu vực, địa bàn, hoặc các trường ở vùng giáp ranh giữa các huyện và TP. Huế hễ trường nào có chất lượng tốt hơn thì phụ huynh lại xin cho con học trái tuyến.

Tình trạng này khiến một số trường rơi vào tình cảnh quá tải nên năm học 2018 - 2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế yêu cầu một số trường không tiếp nhận học sinh ở một số phường vào học. Đã có những quy định của ngành giáo dục và đào tạo cốt để làm “khó” phụ huynh khi học trái tuyến. Quyền quyết định cho học sinh vượt tuyến chỉ có thể là Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế. Từ đó, phòng sẽ tư vấn cho phụ huynh chọn trường nào phù hợp cho các em.

Chất lượng là hàng đầu

Không phải phụ huynh nào cũng bằng mọi giá cho con học trái tuyến. Mỗi khi quy định siết chặt, chất lượng giáo dục ở các trường tương đối thì họ lại cho con học đúng tuyến và có cách đầu tư riêng. Chị Nguyễn Thị Mi, có con đang học lớp 6 ở Trường THCS Hùng Vương, cho hay:

“Khi chọn trường học cho con tôi luôn quan tâm đến chất lượng dạy và học của trường đó. Trường phải ra trường, lớp ra lớp, đội ngũ giáo viên có năng lực, uy tín. Môi trường học đường phải thực sự lành mạnh”. Nguyện vọng của phụ huynh cũng là yếu tố tích cực để các trường nhìn nhận, đánh giá, quá trình hoạt động của trường mình, nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy để giữ chân học trò.

Cách làm của trường THCS Phạm Văn Đồng cũng là vấn đề được đặt ra trong giai đoạn hiện nay khi các trường nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Toàn trường có 66 cán bộ giáo viên, trong đó, có 11 thạc sĩ và 2 giáo viên đang nghiên cứu sinh. Cái hay ở chỗ, đa phần giáo viên đều tự túc kinh phí để nâng cao trình độ. “Nếu năm học 2012 -2013, toàn trường có 229 em trên địa bàn phường Vỹ Dạ vào học tại trường thì năm học  2019 -2020,  sẽ có 320 em học đúng tuyến. Tình trạng học trái tuyến vẫn còn nhưng đã giảm đáng kể”, cô giáo Nguyễn Thị Bích Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Văn Đồng, trao đổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp tốt nhất để hạn chế tình trạng học trái tuyến là phải tính đến việc cân đối nguồn lực, không nên tập trung vào các trường trung tâm mà đầu tư đều để đảm bảo cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện dạy và học. Ưu tiên xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia ở các phường ngoại ô TP. Huế.

Giải quyết rốt ráo vấn đề học trái tuyến vẫn còn nhiều việc để làm. Một trong những động thái tích cực của TP. Huế được phụ huynh và các trường đồng tình khi luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên từ những trường đạt chuẩn quốc gia đến các trường chưa đạt chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học giữa các trường. Khi cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giáo viên giữa các trường gần như tương đồng thì tình trạng chạy trường, chạy lớp sẽ giảm. Có như thế phụ huynh mới yên tâm để “chọn mặt gửi vàng”.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Return to top