ClockThứ Năm, 17/01/2019 07:15
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI:

Giảm tải và chủ động chọn môn học

TTH - Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được áp dụng từ năm học 2020-2021, với kỳ vọng giảm tải cho học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều băn khoăn về chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất.

Các địa phương kêu thiếu phòng học khi áp dụng chương trình GDPT mớiThiếu hàng nghìn phòng học khi áp dụng chương trình mớiChương trình giáo dục phổ thông mới: Phân bổ thời lượng môn học như thế nào?

Học sinh tham gia hội thi về sáng tạo khoa học kỹ thuật

Giảm môn học, tăng trải nghiệm

Sau gần một năm lấy ý kiến, Bộ Giáo dục - Đào tạo chính thức thông qua chương trình GDPT mới. Chương trình GDPT hiện hành thiếu tính mở nên chưa phát huy tính chủ động và sáng tạo của mỗi địa phương, nhà trường, giáo viên và người học. Theo đánh giá của nhiều nhà giáo, chương trình GDPT mới vừa được công bố có tính ưu việt khi giảm số môn học, tiết học, giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa - tự chọn. Điểm mới là, có thêm một số môn học có tính trải nghiệm. Cái hay của chương trình giáo dục mở là học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường. Hơn nữa, chương trình không quy định thời lượng theo từng tuần như trước nên các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học cho suốt cả năm học.

Chương trình GDPT mới phân biệt rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, một số môn học được lồng ghép để tạo thành môn học tích hợp, nhằm giảm hợp lý số môn học, thiết kế một số môn học theo các học phần, để các em lựa chọn những học phần/chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, ngoài môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp.

Tính hợp lý của chương trình GDPT mới là sự kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học cũng như đảm bảo thống nhất những nội dung giáo dục cốt lõi đối với học sinh toàn quốc. Tính chủ động của mỗi địa phương và các trường học trong việc triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế được đề cao trong chương trình GDPT mới.

Vẫn còn băn khoăn

Tại hội nghị trực tuyến về triển khai chương trình GDPT mới diễn ra ở 63 tỉnh, thành, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Thành bại của chương trình GDPT mới phụ thuộc vào đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất”. Ở Thừa Thiên Huế, mạng lưới giáo dục và đào tạo trên toàn tỉnh được quy hoạch và đang từng bước sắp xếp, thu gọn đầu mối. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và khá đồng bộ ở các cấp, bậc học. Chất lượng phổ cập giáo dục tiếp tục nâng cao, tạo bước đi cơ bản cho việc thực hiện trong giai đoạn mới.

Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho hay: “Đội ngũ quản lý và giáo viên tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị lẫn chuyên môn để đáp ứng yêu cầu đối mới; bổ sung đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và trình độ đào tạo về chuyên môn đạt tỷ lệ trên chuẩn khá cao”.

Để đáp ứng chương trình GDPT mới, một số giáo viên băn khoăn với khái niệm thế nào là tích hợp liên môn. Nhất là, bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, mỗi giáo viên chỉ đảm nhiệm một môn học nên sẽ lúng túng thực hiện. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, việc đào tạo sẽ bắt đầu ngay từ thời điểm này và giáo viên sẽ được hướng dẫn theo hình thức trực tuyến. Đối với giáo viên ở vùng sâu và vùng xa, Bộ đã làm việc với Bộ Thông tin & Truyền thông để tạo điều kiện bồi dưỡng giáo viên trên môi trường mạng internet một cách thuận tiện nhất.

Điều đáng lo khi cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính ở Thừa Thiên Huế đã được tăng cường, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường học hai buổi/ngày và các hoạt động giáo dục khác. Nếu áp dụng chương trình GDPT mới, về cơ sở vật chất, sẽ chưa thể đủ phòng học để sắp xếp thời lượng học sinh học 2 buổi/ngày. Hiện, một số môn học phát triển năng lực như kỹ năng sống, tiếng Anh, học sinh lớp 3, 4, 5 đều phải học trái buổi ít nhất 1-2 buổi/tuần, thế nên áp dụng các môn học trải nghiệm vào trường học sẽ gặp khó.

Những trở ngại trong quá trình triển khai chương trình GDPT sẽ được khắc phục khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phương án huy động 4 nguồn kinh phí để triển khai chương trình giáo dục mới, gồm: Trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn hỗ trợ thông qua Chương trình, mục tiêu quốc gia nông thôn mới, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác… Các địa phương cần lập danh mục để có kế hoạch xây mới, trang cấp các thiết bị phù hợp phục vụ cho công tác dạy và học.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Ngày 23/12, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn công tác y tế trường học, Bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh năm học 2024-2025.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.

Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng

TIN MỚI

Return to top