Cán bộ của ĐH Huế tư vấn tuyển sinh năm 2019
Chuyển dịch việc làm
Anh Nhật, cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cho biết, khác với dự tính ban đầu là ra trường sẽ làm nghề liên quan đến kinh tế, anh lại bén duyên với công việc thiên về công nghệ thông tin. Công việc hơi lệch chuyên ngành đào tạo, nhưng chỉ cần học thêm khóa kiến thức kỹ năng ngắn hạn, anh đã thích ứng và đang “sống tốt”.
Trước đây, SV tốt nghiệp ngành đào tạo nào thường có xu hướng làm việc ở lĩnh vực nghề nghiệp đó. Vài năm lại đây, ranh giới “ngành - nghề” dần mờ nhạt. Xu hướng học ngành này, làm nghề khác trở nên phổ biến với SV ra trường. Đặc biệt, sự thay đổi ấy càng rõ nét trong thời đại công nghệ 4.0.
Một bản báo cáo về “Tương lai nghề nghiệp” (The Future of Jobs) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới phân tích, giai đoạn 2015-2020, trung bình cứ 6 triệu vị trí việc làm mất đi, chỉ có khoảng 2 triệu việc làm mới được tạo ra, khối hành chính công giảm mạnh trong khi việc mới chủ yếu thuộc khối công nghệ cao và các ngành quản trị.
Sinh viên ĐH Huế tham gia ngày hội việc làm
Tại Huế, dù nhiều ngành như khối nông lâm ngư có cơ hội việc làm cao, nhưng theo như PGS.TS. Trần Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, rất khó hiểu khi số lượng đầu vào các năm gần đây thấp, nhiều ngành chỉ đạt 50%, có trường hợp SV bỏ học giữa chừng để chọn ngành khác hoặc theo con đường nghề nghiệp khác. Đại diện một số trường tại Huế cũng thừa nhận, SV ra trường vẫn ưu tiên chọn việc làm hấp dẫn về mức lương, dù trái ngành.
Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng đến tuyển sinh, trong đó đầu vào ở các khối ngành đào tạo truyền thống, nhất là các ngành khoa học cơ bản ngày càng ít hấp dẫn người học.
PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế thừa nhận, bối cảnh hiện nay đang tạo ra thách thức không nhỏ đối với việc tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản, vốn là những ngành trước đây tuyển sinh tốt.
Điều chỉnh cơ cấu ngành
Một thực tế là xu hướng đào tạo có tình trạng “chạy theo” sự biến đổi nhanh của nghề nghiệp và thị trường nhân lực. Có nghĩa, khi thị trường lao động nổi lên những nghề “hot”, xu hướng nghề nghiệp mới thì các cơ sở giáo dục mới thay đổi cơ cấu ngành đào tạo. Đây là vấn đề cần phải xem lại, bởi trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo cần phải nhanh do sức tác động đến tương lai nghề nghiệp lớn.
Thực tế, trong khi một số đơn vị còn chần chừ trong việc xóa bỏ, tạm dừng những chương trình đào tạo mà nhu cầu xã hội không lớn thì việc lựa chọn mở ra những ngành mới chưa thực sự ổn. Điển hình là một số cơ sở đào tạo của ĐH Huế trong mùa tuyển sinh 2019, cả những ngành cũ và mới đều gặp khó khăn trong tuyển sinh đầu vào.
Theo các chuyên gia giáo dục, điều quan trọng là các cơ sở đào tạo cần nhận thức nhanh và đầy đủ về thực tiễn trên để có điều chỉnh về cơ cấu ngành đào tạo phù hợp. Bên cạnh việc mở mới các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội thời 4.0, các ngành đào tạo cũ nhu cầu xã hội không còn nhiều có thể giảm quy mô đào tạo, hoặc cân nhắc khả năng tích hợp với một số ngành gần nhau để hình thành ngành mới. Bởi, khi xã hội không còn nhu cầu nhân lực thì ngành khó tồn tại và cần có giải pháp ngay, trừ những ngành khoa học cơ bản mà xã hội cần và Nhà nước có cơ chế duy trì.
Hiện nay, với cơ chế dần trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo và ngành giáo dục đã khá mở về mã ngành đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp của sinh SV thì các trường cần nghiên cứu, tính toán kỹ hơn trong việc điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, chương trình đào tạo, phù hợp với bối cảnh mới.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, thời gian tới, ĐH Huế sẽ tập trung phát triển những chương trình đào tạo có chất lượng cao, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Các chương trình mới là những ngành ưu tiên về IT, trí tuệ nhân tạo, robot, điện, điện tử… xã hội có nhu cầu và đón đầu trong thời đại công nghiệp 4.0. Có thể thấy, đó là một trong những hướng đi phù hợp xu hướng nghề nghiệp trong bối cảnh mới, song cũng cần có những tính toán kỹ về quy mô và nhiều điều kiện liên quan.
Ngoài giải pháp từ ĐH Huế, từng cơ sở đào tạo cũng cần rà soát, nghiên cứu lại cơ cấu ngành nghề gắn với những dự báo thị trường lao động trong tương lai để đưa ra lộ trình điều chỉnh cơ cấu ngành nghề phù hợp.
Bài, ảnh: HỮU PHÚC