ClockThứ Sáu, 06/05/2022 07:41

Giáo dục thể chất trong trường học: Không thể xem nhẹ

TTH - Đặc thù của giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao học đường đòi hỏi điều kiện sân bãi, thiết bị, dụng cụ phải đáp ứng được nhu cầu tập luyện từ cơ bản đến nâng cao. Nhưng, hầu hết ở các địa phương, nhà đa năng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thiếu quỹ đất và kinh phí khiến các trường không đảm bảo cơ sở để triển khai các môn thể dục thể thao theo hướng mở.

Hết lòng vì thế hệ tương laiChiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030Chuẩn bị kỹ phương án dạy thể dục online

Nhiều trường thiếu nhà đa năng do thiếu quỹ đất

Không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh THCS trên địa bàn TP. Huế học giờ thể dục ngay tại các công viên hoặc sân trường. Thời tiết lắm lúc không ủng hộ, khi nắng gắt hoặc mưa dầm dề khiến môn thể dục tạm thời gián đoạn. Bất tiện hơn, do đặc điểm của tiết học thể dục luôn náo nhiệt, nên dạy học ngay tại sân trường sẽ gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng đến các tiết học của các môn khác.

Hiệu trưởng Trần Ngọc Song, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho hay: Nhà đa năng thực sự cần thiết bởi các em có thêm địa điểm để học kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động tập thể, các trò chơi dân gian. Cũng bởi thiếu nơi rèn luyện thể thao đúng nghĩa nên những giờ học thể dục ở nhiều trường chủ yếu mang ý nghĩa “khởi động” là chính, chứ chưa thực sự mang lại sự hấp dẫn, đam mê, giúp các em rèn luyện thể lực để phát triển toàn diện.

Đặc thù môn học này rất cần nhà đa năng để tạo môi trường an toàn, phù hợp cho học sinh. Bất kể điều kiện thời tiết thế nào các em cũng đều đảm bảo được chất lượng môn học. Quan sát giờ học thể dục ở một số trường, tôi nhận thấy, hầu hết học sinh chỉ được giáo viên hướng dẫn tập những động tác vận động đơn giản. Với 1 đến 2 tiết học thể dục chính khóa ở trường, học sinh chỉ học cho vui và đảm bảo chương trình chứ chưa thực sự hiệu quả. Trao đổi với nhiều học sinh khối 8 Trường THCS Hùng Vương, các em đều cho rằng, đa số học sinh không thích môn thể dục vì quá đơn điệu. Vì vậy, muốn nâng cao thể chất, các em đã đăng ký học những môn thể thao ngoại khóa.

Bộ môn GDTC đã được xếp vào một trong những bộ môn chính được dạy tại các trường học. Đặc thù của GDTC và thể thao học đường đòi hỏi điều kiện sân bãi, thiết bị, dụng cụ phải đáp ứng được nhu cầu tập luyện từ cơ bản đến nâng cao. Nhưng các trường học hầu hết đều không đảm bảo không gian hoạt động, cơ sở để triển khai học tập và luyện tập các môn thể dục thể thao theo hướng mở. Chính vì điều kiện về cơ sở vật chất không đảm bảo tiêu chuẩn nên năng lực giáo viên GDTC chưa thực sự được khai thác tối đa.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế Nguyễn Thuận cho hay: Do quỹ đất còn hạn chế nên toàn TP. Huế nhà đa năng trong trường học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện, học sinh vẫn học thể dục ở sân trường hoặc công viên. Chúng tôi rất muốn có nhà đa năng để các em có thêm địa điểm học kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động tập thể, các trò chơi dân gian, sinh hoạt các câu lạc bộ âm nhạc, thể thao... giúp các em rèn luyện thể lực đều đặn để phát triển toàn diện.

Nhà đa năng là một trong những tiêu chí công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, nhiều trường chỉ đủ sức nâng tầng, thêm phòng học và gặp nhiều khó khăn trước sức ép của việc tăng học sinh. Ông Võ Văn Thịnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang cho biết, hiện toàn huyện mới có 3 nhà đa năng trong trường học (sắp đến sẽ có thêm 1 nhà đa năng nữa với tổng kinh phí 4 tỷ đồng). Dù không khó khăn về quỹ đất, nhưng thiếu kinh phí nên khó thực hiện. Chủ trương của ngành giáo dục là phát triển thể thao học đường, muốn tạo ra những vận động viên nòng cốt, kế thừa đi lên từ trường học.

Theo đề án “Tổng thể phát triển GDTC và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 60% trường tiểu học, 70% trường THCS và 80% trường THPT tại các địa phương có nhà đa năng được trang bị đầy đủ, đúng quy định để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.

Nhà đa năng thực sự cần thiết bởi nó còn là nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ âm nhạc, thể thao... Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn hạn chế, cần có sự liên kết đầu tư để xây dựng thêm các nhà đa năng tại các trường nhằm giúp các em luyện tập thể thao tốt hơn, phát triển cả về trí lực lẫn thể lực. Ngoài ra, ngành GD&ĐT và ngành văn hóa - thể thao phối hợp với  một số trung tâm văn hóa - thể thao tại các địa phương để phát huy, tận dụng công năng của các công trình này phục vụ cho việc học tập của các em.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.

Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

TIN MỚI

Return to top