ClockThứ Sáu, 21/07/2017 08:10

Hiệu quả từ chương trình hợp tác đào tạo Việt - Lào

TTH - Năm 2002, UBND tỉnh trao nhiệm vụ cho Trường cao đẳng Sư phạm (CĐSP) thực hiện chương trình đào tạo lưu học sinh Lào (LHS) theo hiệp định song phương giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và 7 tỉnh, thành phố của Lào.

"Với chúng tôi, cái gì cũng mới lạ. Trường tổ chức một đoàn đi tham quan các trường phía bắc và bắt tay ngay vào nhiệm vụ. Năm đầu chỉ 50 em của tỉnh Champassack, đến nay chương trình này đã đào tạo 1.041 LHS, 519 LHS đã ra trường, trở về nước và đã là những cán bộ hữu ích trong công cuộc xây dựng đất nước”. Thầy giáo Hoàng Ngọc Quý, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐSP Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Lào, tâm sự.

Chương trình đào tạo chặt chẽ

Theo hiệp định, LHS đến Huế học tập phải có đủ trình độ và năng lực đáp ứng các yêu cầu chương trình đào tạo. Đối với các ngành học năng khiếu và đặc thù, các em cũng phải hội đủ các tố chất. Rào cản của LHS trước tiên là ngôn ngữ nên các em được đào tạo 1 năm tiếng Việt tại Trường CĐSP trước khi học chuyên ngành. Nói về chuyện học tiếng Việt của LHS, ông Quý cho rằng LHS có độ mẫn cảm ngôn ngữ Việt rất mạnh; nhiều em sau 3 tháng đã có thể giao tiếp tốt, 6 tháng đã có thể nghe bài giảng, hiểu thuật ngữ chuyên môn. Đó là một lợi thế trong đào tạo.

Quy trình tiếp nhận LHS vào học chuyên ngành sau khi kết thúc chương trình đào tạo tiếng Việt cũng rất chặt chẽ. Chế độ học bổng đối với LHS được thực hiện theo quyết định của tỉnh. Tổng thời gian được cấp học bổng gồm 1 năm học tiếng Việt và tổng thời gian 1 khóa chuyên ngành của các hệ từ trung cấp đến sau đại học. Thời gian đào tạo thực hiện như đối với công dân Việt Nam. Các em được yêu cầu luôn có ý thức, giữ gìn và phát huy mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào. Đại học Huế và các trường cao đẳng, trung cấp đã tiếp nhận đào tạo nhiệt tình.

Coi các em như người thân

Theo ông Quý, LHS Lào ngoài học tập rất quan tâm tìm hiểu văn hóa Việt nói chung và văn hóa Huế nói riêng. Ngoài tạo điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập và tham gia hoạt động giao lưu, văn hóa, văn nghệ, thể thao, từ thiện xã hội cùng với học sinh, sinh viên tại Huế, Trường CĐSP còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ LHS phong phú và hiệu quả, tổ chức giao lưu giữa cán bộ, giảng viên và LHS Lào; xây dựng trang thông tin điện tử, các hội thi…

Những LHS Lào đều xúc động khi nhớ tới chương trình “nhận con nuôi” của các thầy cô giáo trường CĐSP để LHS có hơi ấm gia đình, nhất là trong những dịp tết, lễ; các cô cậu bé xa nhà đã có một mái ấm thật sự giữa lòng cố đô. Việc làm này được Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng cảm động, coi đây là sáng kiến nhân văn trong chuỗi hoạt động vì LHS Lào tại Huế. Thực tế, chỉ có những người thầy quan tâm thực sự tới đời sống sinh viên, những đứa trẻ xa nhà, xa quê hương, coi các em như con cái mới có thể hiểu để chia sẻ và có cách làm này.

Trưởng thành

Trong chuyến đi chuẩn bị cho kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đào tạo của Thừa Thiên Huế với 7 tỉnh Trung Lào và Thủ đô Viên Chăn của đoàn cán bộ Trường CĐSP Huế đầu năm 2017 đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ xúc động. Thầy Trần Xuân Phiệt, một người đã gắn bó với LHS Lào nhiều năm, xúc động: “Các em nghe tin đoàn qua đã rất nhiệt tình đón đợi. Ngoài những cuộc tiếp tân nghi lễ là những cuộc gặp gỡ hết sức thân tình chỉ có ở những người thân yêu. Nhiều em đưa xe đón đưa đoàn hàng mấy trăm cây số, từ tỉnh này qua tỉnh khác”.

Năm 2012, trong một cuộc gặp gỡ song phương, ông Phuthoong Kham nanivong, Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Salavan phát biểu: “Hầu hết các LHS sau khi được học tập tại Thừa Thiên Huế đã trở về và công tác rất tốt tại các địa phương của Lào”. Thành công của LHS Lào không dừng lại ở đó. Năm năm sau, đội ngũ này đã tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước. Họ có mặt trong rất nhiều hoạt động chuyên môn như y tế, hải quan, chính quyền cấp tỉnh… Trong đó, có người đã trở thành thư ký Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào, có người làm việc tại Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng...

519 LHS trở về làm việc tại Lào (trong đó có 35 người tốt nghiệp cao học, 54 bác sĩ và 365 cử nhân…), kết quả cụ thể qua 15 năm hợp tác, được đánh giá là nguồn nhân lực chất lượng cao của nước bạn. Họ là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị bền chặt Việt Nam - Lào

Hương Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài
Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới

Trong 2 ngày 19-20/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến về công tác chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non (GDMN), tham vấn quy trình thí điểm, các biểu mẫu báo cáo kết quả thí điểm chương trình GDMN. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Chuẩn bị thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

Tối 17/12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP. Huế phối hợp với Trung tâm REACH Huế tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm (2023-2024) dự án đào tạo và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn “Mở đường cho thanh niên lập nghiệp”.

Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

TIN MỚI

Return to top