Giờ học môn hóa bằng tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Quốc Học
Giờ học môn hóa học hoàn toàn bằng tiếng Anh tại lớp 11 chuyên hóa, Trường THPT chuyên Quốc Học sôi nổi với trò chơi khởi động để gợi nhớ từ vựng. Các em học sinh được chia thành từng nhóm nhỏ, thi đấu với nhau trước những câu hỏi “thuần” từ vựng và đôi khi cả những câu “hack não” bằng tiếng Anh. Theo thầy giáo Võ Anh Tú, giáo viên chuyên hóa, Trường THPT chuyên Quốc Học, đây là cách củng cố lại vốn kiến thức tiếng Anh để khi vào phần bài học, các em học sinh có thể lĩnh hội kiến thức tốt hơn.
Để chuẩn bị cho một tiết học tiếng Anh như vậy, trước đó, thầy cô giáo đã phải có sự chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng. Việc áp dụng tiếng Anh vào giảng dạy môn học đòi hỏi giáo viên phải tìm hiểu các từ vựng chuyên ngành, những cấu trúc câu (tiếng Anh) khoa học, liên quan tới bài học. Để đảm bảo sự phối hợp ăn ý giữa thầy và trò, tránh hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, giáo viên hướng dẫn trước cho học sinh những từ vựng và cấu trúc câu sẽ dùng trong bài học tới.
“Khác với học tiếng Anh trong giờ tiếng Anh, tiếng Anh trong các giờ học khác sẽ đưa học sinh đến “những miền đất” khác, các em có thêm môi trường để tiếp tục rèn luyện các kỹ năng, có trải nghiệm mới trong việc sử dụng tiếng Anh. Bên cạnh ngôn ngữ giao tiếp, học sinh được tiếp cận với tiếng Anh chuyên ngành, đó là cơ hội nâng cao năng lực tiếng Anh của các em”, thầy Võ Anh Tú nói.
Các giáo viên nhận nhiệm vụ giảng dạy các tiết học khoa học bằng tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Quốc Học đều đã có trình độ tiếng Anh nhất định với các chứng chỉ tiếng Anh Cambridge A2, B1 hoặc IELTs từ 6.5 trở lên. Việc dạy và học không chỉ là truyền kiến thức một chiều, mà còn là sự trao đổi, tương tác giữa giáo viên và học sinh, đòi hỏi cả hai bên có trình độ ngoại ngữ và luôn phải trau dồi thêm.
Dạy học bằng tiếng Anh đòi hỏi giáo viên tự học hỏi cách thức tiếp cận và giải thích kiến thức môn khoa học theo phong cách của tài liệu nước ngoài. Theo đó, giáo viên thường xuyên sử dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực để kích thích khả năng tư duy của học sinh, hay trong các giờ thí nghiệm thực hành, học sinh được giáo viên nước ngoài khuyến khích tư duy độc lập, sáng tạo và tự làm thí nghiệm để nhớ sâu kiến thức vừa học.
Theo thầy Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học, việc dạy tiếng Anh sẽ làm tiền đề để phát triển tiềm lực khoa học sau này của học sinh, đồng thời, không chỉ mang lại những lợi ích cho học sinh và giáo viên của trường, mà trong thời kỳ hội nhập, trường cũng có thể tiến tới nhận trao đổi học sinh với các trường quốc tế kết nghĩa.
Việc dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh sẽ thực hiện được mục tiêu kép, đó là tăng năng lực sử dụng tiếng Anh của giáo viên và học sinh, đồng thời phục vụ việc tiếp cận với chương trình và cách học tiên tiến. Tuy nhiên, theo các thầy cô giáo, vấn đề đặt ra là phương pháp dạy học này chưa có một chương trình cụ thể hay chính thức nào. Điều đó sẽ làm khó cho giáo viên trong việc soạn giáo án, chuẩn bị nội dung bài học. Vậy nên, các giáo viên đề xuất cần có nhiều hơn nữa những chương trình tập huấn và các hướng dẫn cụ thể cho giáo viên để tránh bị “lạc” vào “ma trận” của việc dạy học bằng tiếng Anh.
Bài, ảnh: PHƯỚC LY