ClockThứ Năm, 20/02/2020 07:00

Học online “mùa” COVID-19

TTH - Học online có thể giải quyết được vấn đề hiện tại. “Nhờ” vậy mà tôi và nhiều bạn nữa được về thăm nhà, được co mình trong chăn ấm để tận hưởng cái rét của mùa đông xứ Huế - Cái cảm giác mà gần 2 năm qua, ở thành phố phương nam xa xôi, tôi gần như quên mất…

Triển khai học trực tuyến trước tình trạng nghỉ học kéo dài

Sinh viên và một tiết học online

Do diễn biến phức tạp của dịch cúm COVID-19, đa số các trường đại học trên cả nước đều cho sinh viên nghỉ học, nhiều trường áp dụng phương pháp giảng dạy trực tuyến để đảm bảo chương trình và cho sinh viên khỏi… thừa thãi thời gian sinh ra “nhàn cư bất thiện”. Tôi đang là sinh viên (SV) năm thứ 2 của Trường đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), cũng như nhiều bạn SV khác, được trải nghiệm học trực tuyến nhiều tiết học và nhận ra rằng học trực tuyến chưa là giải pháp tối ưu cho cả nhà trường lẫn SV nếu không khắc phục một số tồn tại.

Trò chuyện cùng một vài bạn SV, thì nhận xét chung là học online có thể giải quyết được vấn đề hiện tại: Trước hết SV không cần phải đến trường, tránh tụ tập đông người trong mùa cúm COVID-19 nhưng vẫn có thể tiếp thu được kiến thức. Họ có thể tự do lựa chọn địa điểm học sao cho mình cảm thấy thoải mái nhất, miễn là nơi đó có Wifi hoặc thiết bị sử dụng có đăng ký dịch vụ 3G/4G. Sinh viên cũng có thể xem lại bài giảng của giảng viên nhiều lần nếu như cảm thấy chưa hiểu, giúp tiếp cận bài học một cách nhanh chóng. Đặc biệt là “nhờ” vậy mà tôi và nhiều bạn nữa được về thăm nhà, được co mình trong chăn ấm để tận hưởng cái rét của mùa đông xứ Huế- cái cảm giác mà gần 2 năm qua, ở thành phố phương nam xa xôi, tôi gần như quên mất.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, học online cũng gây ra một số khó khăn cho SV. Đầu tiên, không thể áp dụng phương pháp học trực tuyến đối với những môn học thực hành. Kế đến là về vấn đề đường truyền, gặp đường truyền quá yếu, hình ảnh, âm thanh chập chờn, gián đoạn sẽ ảnh hưởng tới việc tiếp thu bài của người học. Ngoài ra, sự xuống cấp của các trang web do các trường quản lý cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc học trực tuyến của SV. Như cá nhân tôi chẳng hạn. Mỗi khi vào trang web của nhà trường trong những thời điểm cùng lúc có quá nhiều người truy cập thì trang web gần như ở tình trạng “đóng băng”. Tôi, và nhiều bạn bè của tôi cũng thế, còn có thể làm gì hơn ngoài việc chờ đợi? Sinh viên đã phản ánh rất nhiều về tình trạng này nhưng vẫn chưa nhận được phương án giải quyết từ phía nhà trường.

Cuối cùng, nhiều bạn cho rằng, nếu học online trong một thời gian dài thì sẽ vô cùng nhàm chán. Họ sẽ không còn niềm vui mỗi khi đến trường, không được trò chuyện, giao lưu trực tiếp với bạn bè, thầy cô…

Nhìn chung, việc thực hiện kế hoạch giảng dạy trực tuyến của các trường đại học đến thời điểm này vẫn đang nhận được sự tán thành của tất cả mọi người, nhưng nếu không khắc phục được những bất cập như vừa kể cũng như nếu tình hình dịch bệnh cứ diễn biến phức tạp, tình trạng học trực tuyến tiếp tục kéo dài thì sẽ gây ra những hệ lụy đối với sinh viên. Điều phân vân này là có thật trong bối cảnh nhiều trường đại học đã cho nghỉ đến hết tháng 2, riêng như Trường trung cấp Khôi Việt ở TP. HCM đã cho sinh viên được nghỉ đến hết tháng 3/2020.

Bài, ảnh: Thanh Xuân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

TIN MỚI

Return to top