Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Hồng Bắc tiếp cận sách giáo khoa mới
Để chương trình triển khai hiệu quả, trước đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) A Lưới đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Ngoài đội ngũ giáo viên lớp 1 được tham gia các đợt tập huấn do Sở GD&ĐT tổ chức, phòng đã tổ chức thêm nhiều buổi tập huấn và triển khai các tiết dạy thử tại địa phương vừa giúp giáo viên trực tiếp đứng lớp nắm kỹ phương pháp hơn, vừa chia sẻ để giáo viên các khối lớp trên có thể hình dung được phương pháp tổ chức lớp học; nhất là giáo viên lớp 2, cần có sự chuẩn bị sớm để năm học tới tiếp nhận học sinh lớp 1 của năm nay.
Thầy Hồ Khởi, Phó phòng GD&ĐT huyện A Lưới cho biết, phòng đã chuẩn bị đủ cho 100% học sinh có sách để học. Năm học đầu tiên thực hiện chương, 18/21 trường tiểu học (TH) ở A Lưới chọn bộ sách “Cánh diều” của Nhà Xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; 3 trường còn lại là: A Ngo, Kim Đồng và Sơn Thủy chọn bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam. Điều đáng mừng là sau hai tuần triển khai, hầu hết giáo viên và học sinh tiếp cận với chương trình mới khá tốt.
Theo cô Hoàng Đảng, Phó Hiệu trưởng Trường TH Hồng Bắc, những ưu điểm nổi bật của bộ sách “Cánh diều” là từ logo đến hình ảnh đều gắn liền với tuổi thơ của các em nên rất dễ nhớ chữ, vần đã học. Về sách toán, quyển Toán 1 khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin nhờ kho học liệu điện tử, từ đó, các em quan sát được các thao tác và mô phỏng lại tình huống, qua đó tăng hiệu quả của việc dạy học.
Cô Võ Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường TH A Ngo khẳng định, ngoài những ưu điểm như kênh hình đẹp, rõ ràng và sinh động, giá rẻ thì nội dung của bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” có cấu trúc dễ dàng, tranh minh họa vừa đúng chủ đề vừa gần gũi với học sinh, như: bài học chữ “o” thì có tranh con bò; chữ “a” thì minh họa bằng “Hà và Nam ca hát”… Điều này tạo sự thích thú cho các em và rất hiệu quả với học sinh vùng bản vì hầu hết các em sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai; giáo viên nhờ đó cũng không mất nhiều thời gian chuẩn bị tài liệu. Đặc biệt, phần tô chữ trong mỗi bài viết rất phù hợp với học sinh vùng cao, bởi kỹ năng cầm bút của nhiều em còn yếu; thậm chí có em chưa viết được cả những nét cơ bản nên luyện tô là cần thiết. Những em khá có thể bỏ qua phần này.
Cô giáo Nguyễn Thị Kiều Nhi, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Trường TH Kim Đồng nhận xét: “Nội dung bài học trong SGK mới không bị bó buộc theo khuôn khổ trình tự bài học, mà giáo viên có thể linh hoạt, sáng tạo để xây dựng bài học cho phù hợp với học sinh của mình như tìm bài hát hay những câu chuyện sinh động, phù hợp với bài học để đưa vào bài giảng giúp học sinh thích và dễ ghi nhớ, không nhàm chán”.
Có thể việc triển khai chương trình dạy SGK mới ở A Lưới đã có bước khởi đầu khá tốt. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ngay phương pháp dạy từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cũng là cái khó. Để có kết quả tốt vào cuối học kỳ và cuối năm học này, đòi hỏi mỗi giáo viên lớp 1 chủ động mở rộng liên hệ thực tế để các tiết học vui, sinh động và đạt hiệu quả.
Ông Hồ Khởi xác định, tất cả các bộ sách đã được chọn đều đảm bảo các tiêu chí của bộ đề ra và có những ưu điểm nổi trội riêng. Song, theo tinh thần đổi mới thì SGK chỉ là bộ tài liệu, nên ngoài bộ sách của trường mình chọn, giáo viên cần đọc, tham khảo các bộ sách khác để tăng thêm kiến thức bổ ích. Điều này giúp ích rất nhiều cho việc truyền thụ kiến thức cho học sinh của người giáo viên.
Bài, ảnh: HƯƠNG LAN