Phương án thi tuyển vào lớp 10 ở các trường sẽ được tổ chức vào năm học 2018-2019
Năm học 2018 -2019, Trường THPT Đặng Trần Côn được phân bổ chi tiêu tuyển sinh 448 em, trong đó, nguyện vọng 1 là 218 em. Tuy nhiên, khi trường công bố danh sách học sinh trúng tuyển vào trường, có gần 30 em vẫn chưa đến làm thủ tục. Anh T.V.L, phụ huynh nộp hồ sơ đăng ký cho con xét tuyển ở Trường THPT Đặng Trần Côn bộc bạch: “Thực tình, tôi chưa muốn con học trường này vì nghi ngại chất lượng đầu vào của trường nhưng vẫn đăng ký để giữ chỗ. Bây giờ, tôi thấy các trường nghề có nhiều chính sách ưu đãi, hấp dẫn hơn nên tôi có thể cho con học nghề”.
Năm nay, tình trạng học sinh đăng ký nguyện vọng 1 nhưng chưa làm thủ tục nhập học gia tăng do số học sinh thi vào lớp 10 tăng. Đến thời điểm này, vẫn còn khoảng 80 em ở một số trường, như Bùi Thị Xuân, Đặng Trần Côn, Gia Hội… chưa đến làm thủ tục đăng ký nhập học. Ngay Trường dân lập THPT Chi Lăng, tuyển được 170 em vào học lớp 10 từ đầu tháng 8, song, vẫn có tình trạng phụ huynh đến rút học bạ. Một số trường có đến 40% phụ huynh đi làm ăn xa, đem con cái theo cùng nên việc về học muộn cũng có thể xảy ra. Ông Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Trần Côn, cho biết: “Nhà trường vẫn để danh sách các em vì biết đâu đến 5/9 các em đến nhập học. Tình trạng này đã xảy ra ở năm học trước và khả năng các em đến học không cao. Nhiều phụ huynh biết thông tin trường vẫn còn chỉ tiêu nên muốn nộp hồ sơ xin xét tuyển bổ sung. Nhà trường chỉ tiếp nhận khi có sự đồng ý của Sở Giáo dục và Đào tạo”.
Nhiều người cho rằng, tình trạng đăng ký “ảo” ở các trường là không hay bởi vẫn còn nhiều phụ huynh chạy đôn, chạy đáo xin xét tuyển cho con vào các trường công lập. “Con tôi không trúng tuyển vào Trường THPT Hai Bà Trưng và Nguyễn Trường Tộ. Tôi không có điều kiện để con học trường dân lập, lại không muốn con học nghề sớm, nhưng cơ hội để vào Trường THPT Đặng Trần Côn không còn, dẫu trường vẫn còn chỉ tiêu. Cách “giữ chỗ” của các học sinh này khiến nhiều em khác mất cơ hội đến trường”. Anh Hoàng Viết Thịnh, phụ huynh có con thi vào lớp 10 bức xúc.
Không ít phụ huynh có sự lựa chọn, cân nhắc khi họ chỉ muốn “giữ chỗ” cho yên tâm, song khi chọn được phương án tốt hơn thì lại không cho con học ở trường công lập. Họ cho rằng, các trường này đều ở “top dưới” với chất lượng đầu vào thấp. Ý thức kỷ luật của một số học sinh chưa tốt nên phụ huynh lo ngại con bị ảnh hưởng.
Theo lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo, hiện nay, công tác phân bổ cán bộ, giáo viên và đầu tư trang thiết bị ở các trường phổ thông được thực hiện bình đẳng. Các trường THPT Đặng Trần Côn, Bùi Thị Xuân, Gia Hội… có đội ngũ cán bộ, giáo viên khá tương đồng nhưng, tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn không muốn con học ở các trường này. Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Phạm Thị Ngọc Tâm cho rằng, năm nay trường tuyển đủ chỉ tiêu là 625 em. “Đầu vào” của các em tốt hơn nhiều so với các năm trước khi khá nhiều em có học lực khá, giỏi”.
Theo ban giám hiệu các trường, nếu số học sinh trên không đến học cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giảng dạy. Mỗi trường có từ 10 đến 15 lớp 10, nên mỗi lớp chỉ bớt từ 1 đến 2 em thì sĩ số lớp học không có gì thay đổi. Vấn đề đặt ra là, các trường “top dưới” cũng cần có phương án để tuyển đủ học sinh và “đầu vào” chất lượng hơn. “Muốn thu hút học sinh, trường phải từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Đội ngũ giáo viên phải nhiệt tình, trách nhiệm và cơ sở vật chất phải từng bước được hoàn thiện, khang trang, thoáng đãng hơn”, cô giáo Phạm Thị Ngọc Tâm cho hay.
Sở Giáo dục và Đào tạo chưa có phương án tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu theo đề xuất của các trường, vì tránh sự xáo trộn. Chẳng hạn, phụ huynh có thể sẽ rút học bạ từ trường dân lập hoặc trường nghề để vào các trường công lập. Tuy nhiên, năm học 2018-2019, phương án các trường trên địa bàn TP. Huế sẽ tổ chức thi tuyển vào lớp 10 đã được đề cập. Đồng nghĩa, các trường phải tự nâng cao chất lượng giảng dạy để tạo thương hiệu thu hút học sinh có đầu vào chất lượng.
Huế Thu