Lãnh đạo tỉnh gặp mặt học sinh đoạt giải Quốc gia
Bảng danh dự hàng tháng
Còn nhớ những năm đầu thập niên 70, tôi là học sinh Trường tiểu học cộng đồng Thanh Tân, nay thuộc phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy. Bấy giờ, đó là ngôi trường nhỏ, chỉ có 5 lớp, từ khối 1 đến 5, mỗi khối chỉ có 1 lớp học. Đọng mãi trong ký ức chúng tôi là khi được thầy cô giáo thông báo kết quả học tập hàng tháng, gồm điểm trung bình và vị thứ. Tôi nhớ, đã rất trải qua cảm giác sướng đến rùng mình và đầy tự hào khi mỗi lần được thầy cô giáo đọc to tên mình “đứng nhất lớp”.
Từ vị thứ học tập, hàng tháng nhà trường tổ chức phát bảng danh dự vào buổi chào cờ đầu tiên của tháng sau. Thông thường, mỗi lớp được chọn 4 học sinh, có vị thứ từ hạng tư đến hạng nhất. Học sinh được nhận bằng danh dự được đọc to lên cho cả trường cùng nghe và phần thưởng dù chỉ là tờ giấy khen nhưng "oách" vô cùng khi được bao ánh mắt của học sinh toàn trường nhìn theo, trầm trồ và khen ngợi. Tôi nhớ, mình đã trân trọng lồng những tấm bằng danh dự có đủ màu xanh - đỏ - tím - vàng kia vào trong các cuốn tập, được bọc giấy bóng kính và tự hào lắm lắm.
Em Nguyễn Hoàng Thế Kiệt, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương nhận giải danh dự toàn trường
Đến phần thưởng danh dự toàn trường
Cũng từ kết quả học tập, cuối năm nhà trường tiếp chọn ra một danh sách để trao giấy danh dự (bằng khen) năm học và có thêm phần thưởng đi kèm. Trường làng tôi lúc ấy chưa thấy lệ, nhưng tại các trường trung học ở miền Nam trước đây đều đã có phần thưởng danh dự toàn trường.
Vào cuối tháng 5, các trường tổ chức lễ tổng kết niên khoá và phát thưởng cho các học sinh đạt thành tích học tập và rèn luyện đạo đức cao. Mỗi lớp có 5 phần thưởng: 4 phần thưởng từ hạng nhất đến hạng tư trao cho 4 học sinh có kết quả học tập xếp từ hạng 1 - 4 trong lớp và hạnh kiểm xếp loại tốt. Ngoài các phần thưởng này, một số trường còn trao 4 phần thưởng đặc biệt, trong đó có phần thưởng “Danh dự toàn trường” trao cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc nhất của trường (thường chọn trong học sinh lớp 12 và học sinh lớp 11 nếu đặc biệt xuất sắc cũng có thể được chọn).
Từ nhiều năm qua, phần thưởng danh dự toàn trường đã xuất hiện "âm thầm" ở một số trường học. Tiêu biểu như ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương, ngay từ năm học 1989 -1990, nghĩa là cách đây 20 năm, đã xét chọn danh hiệu “Học sinh danh dự toàn trường”. Học sinh đầu tiên có được vinh dự này là Lê Thị Thanh Trúc. Từ đó đến năm học 2018 - 2019, Trường THCS Nguyễn Tri Phương có hàng chục học sinh được vinh danh. Và trong danh sách đó, ta bắt gặp những cái tên rất xứng đáng, đã thành danh và nổi tiếng, như Tô Thị Diệu Lan (1992 -1993), Hoàng Dạ Thi (2011 - 2012) hay mới đây là Hồ Đắc Thanh Chương (2013 - 2014), Lê Công Minh Hiếu (2016 - 2017). Năm học 2019 - 2020, danh hiệu “Học sinh Danh dự toàn trường” được trao cho em Nguyễn Hoàng Thế Kiệt, học sinh lớp 9/2 của trường.
Tôn vinh tại Quốc Tử Giám
Lần đầu tiên, UBND tỉnh có Quyết định số 1662/QĐ-UBND ngày 10/7/2020 công bố Quy chế xét chọn và tuyên dương “Học sinh Danh dự toàn trường” trên địa bàn tỉnh. Quy chế này quy định việc xét chọn và tuyên dương học sinh xuất sắc nhất của từng trường phổ thông trên địa bàn tỉnh (từ lớp 1 đến lớp 12 trong các trường phổ thông). Học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Danh dự toàn trường” là những cá nhân ưu tú nhất được Hội đồng xét chọn của trường lựa chọn từ các học sinh xuất sắc của tất cả các lớp trong toàn trường và được Hội đồng xét chọn các cấp có thẩm quyền công nhận.
Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo, đây là một danh hiệu cao quý mà thời gian trước đã từng có tại Huế. Học sinh nào được xét là "Học sinh Danh dự toàn trường" sẽ là một vinh dự rất to lớn, được tỉnh khen thưởng. Bằng khen đi kèm với danh hiệu sẽ là một dấu ấn không phai mờ với các em sau quãng đời học sinh. Đây cũng là một hình thức đặc biệt để biểu dương hiền tài và khuyến khích học tập, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc.
Lần đầu tiên tổ chức trên quy mô toàn tỉnh, Thừa Thiên Huế có 347 học sinh được vinh danh và được nhận giấy chứng nhận danh hiệu “Học sinh Danh dự toàn trường” (Bảng vàng) được thiết kế mang đậm khoa bảng truyền thống và thẩm mỹ. Chương trình dự kiến diễn ra vào ngày 1/8/2020 tại Quốc Tử Giám. Đây là di tích trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại ở Việt Nam, và là một di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cao, đã được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới vào ngày 11/12/1993. Tổng kinh phí khen thưởng trên 580 triệu từ sự nghiệp giáo dục và nguồn xã hội hóa. Học sinh được vinh danh và đại biểu đều mặc áo dài truyền thống trong ngày lễ trọng đại này.
Bài, ảnh: Đan Duy