ClockThứ Bảy, 26/01/2019 10:26

Khối các ngành nghệ thuật: Việc làm nhiều, thí sinh chưa tiếp cận được

TTH - Trong khi nhiều đơn vị tuyển dụng cần nhân lực thì đầu vào các ngành tại Trường đại học (ĐH) Nghệ thuật, ĐH Huế những năm gần đây khó khăn do thông tin việc làm mà thí sinh tiếp nhận còn hạn chế.

Đại học Huế gặp mặt, chúc tết các nhà giáo và báo chí150 sinh viên Đại học Huế được nhận học bổng Nguyễn Trường TộĐại học Huế đề nghị nhà trường sớm xử lý theo kết luận

Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế giới thiệu thông tin tuyển sinh 2019 với thí sinh

Thí sinh chưa biết

Tại ngày hội định hướng – tư vấn tuyển sinh 2019, không khó bắt gặp các thí sinh có năng khiếu nghệ thuật. Song, khi được hỏi về việc chọn ngành, một số người lại đưa ra quyết định trái sở thích. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, thí sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh tại Huế cho biết: “Em nghĩ các ngành nghệ thuật rất cần giỏi vẽ, ra trường phải lao động thủ công, thu nhập thấp và khó xin việc làm”.

Suy nghĩ của Quỳnh Hoa trái với thực tế cơ hội việc làm của khối ngành nghệ thuật. ThS. Phan Quang Tân, Trưởng phòng Đào tạo – Công tác sinh viên, Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế cho biết, thống kê của nhà trường, năm 2016 tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là 88,7%. Con số này tăng lên 96,9% năm 2017 và 97,4% năm 2018. “Ngay từ khi đang học, nhiều sinh viên được nhiều công ty đến trường phỏng vấn thử việc, trong đó có các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp nhận nhân sự làm việc tại Việt Nam”, ông Tân nói.

Anh Trần Nguyên Trung, Trưởng phòng Thiết kế Công ty OMG Việt Nam chia sẻ, thực tế nhu cầu tuyển dụng, nhất là vào giai đoạn trước tết khá nhiều, song không dễ thu hút nhân sự nhanh chóng. Các công ty tại TP. Hồ Chí Minh (trong đó có OMG Việt Nam) tuyển dụng sinh viên Huế nhưng có khi không tìm ra người làm.

Theo ông Phan Lê Chung, Bí thư Đoàn trường, thành viên tổ tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nghệ thuật, bối cảnh hội nhập mạnh mẽ của thời đại công nghệ và sự phát triển kinh tế xã hội xuất hiện khá nhiều nhu cầu lao động về các ngành công nghiệp sáng tạo, nhiều mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực mỹ thuật. Sinh viên khối ngành nghệ thuật cũng có nhiều cơ hội việc làm hơn do lượng người học hằng năm ra trường chỉ nằm trong con số khoảng trên dưới 100 người. Thuận lợi đối sinh viên theo học ngành này là có các sản phẩm cụ thể, thu hút nhiều nhà sưu tập, các đơn vị tuyển dụng. “Khảo sát mức thu nhập bình quân của sinh viên khoảng 10 triệu đồng tuỳ vào vị trí việc làm và công việc. Đã có nhiều đơn vị gửi thông tin tuyển dụng cùng với các mức lương hấp dẫn nhưng chưa thu hút được các bạn sinh viên. Đáng tiếc là thí sinh ít biết về điều này”, ông Chung nhấn mạnh.

Nguyên nhân cho vấn đề trên là thiếu thông tin. Theo ông Tân, do kịch bản và thời lượng các chương trình tư vấn có hạn nên đa số chỉ giới thiệu các ngành nghề, trong khi thông tin việc làm ít được chuyển tải trực tiếp đến thí sinh. Trái lại, các thông tin trên tờ rơi thì thí sinh lại rất ít tiếp cận nên không hiểu rõ các ngành và cơ hội việc làm.

Thực trạng trên khiến việc tuyển sinh khó khăn. Mùa tuyển sinh 2018, Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế chỉ tuyển được 46 thí sinh các ngành sư phạm mỹ thuật và thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, trong khi một số ngành khác không có thí sinh. Đáng nói, theo khảo sát của nhà trường, điêu khắc lại là một trong những ngành có cơ hội việc làm tốt nhất.

Nhiều giải pháp

Giải quyết bài toán tuyển sinh các ngành khối nghệ thuật không phải một sớm, một chiều nhưng cần triển khai ngay các giải pháp quảng bá hiệu quả, nhất là chuyển tải nhu cầu việc làm – thông tin quan trọng nhất mà thí sinh quan tâm.

Theo đại diện Trường ĐH Nghệ thuật, năm nay trường đã thành lập tổ tư vấn quảng bá tuyển sinh. Tổ đã lên kế hoạch đẩy mạnh các hình ảnh chuyên ngành lên mạng xã hội. Đồng thời chia sẻ, tư vấn tình hình việc làm, mức lương cho thí sinh. Nhà trường đang đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, tạo thêm đầu ra việc làm cho sinh viên với thu nhập tốt.

PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, trước nhu cầu xã hội, ĐH Huế định hướng tập trung phát triển các ngành nghệ thuật theo tính ứng dụng công nghệ số, các ngành xã hội có nhu cầu tại Trường ĐH Nghệ thuật như thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, thiết kế nội thất, đồng thời chú trọng đổi mới chương trình ngành sư phạm mỹ thuật bởi xu hướng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, mỹ thuật là môn học bắt buộc từ cấp tiểu học trở lên chắc chắn sẽ có nhu cầu nguồn giáo viên lớn trong tương lai. “Trường  ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế sẽ nghiên cứu đầu tư xưởng thiết kế trưng bày sản phẩm. Mùa tuyển sinh 2019, ĐH Huế tập trung chỉ đạo ban tư vấn quảng bá tuyển sinh đưa thông tin và truyền lửa đam mê nghệ thuật cho thí sinh quan tâm, định hướng tuyển sinh theo từng vùng tạo thuận lợi cho thí sinh và tăng cường kết nối doanh nghiệp nghệ thuật trong quảng bá tuyển sinh”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.

Về lâu dài, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động phối hợp với các kênh của tỉnh đoàn, đoàn trường để kết nối học sinh trung học phổ thông, thông qua các cuộc thi mỹ thuật, các hoạt động giao lưu, trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng cho họ, thông qua đó lồng ghép quảng bá thông tin và cơ hội việc làm đến với thí sinh.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025

UBND TP. Huế vừa thông báo thay đổi địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown - Chào năm mới 2025 (Countdown Huế 2025 - Một Kỷ nguyên mới), đồng thời thông báo Countdown Huế 2025 sẽ là điểm cầu trực tiếp trên sóng VTV chào đón năm mới 2025 cùng với các điểm cầu Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng.

Chuyển địa điểm tổ chức chương trình nghệ thuật Countdown Huế 2025
Nghệ thuật lên tiếng vì môi trường

Một chương trình nghệ thuật nhưng không đơn thuần chỉ có múa hát, ở đó một thông điệp được người làm chương trình định hình rõ ràng: Bảo vệ môi trường. “Hoa và rác” là một chương trình nghệ thuật như thế và được đón nhận nồng nhiệt, ngay tại Huế - một thành phố được mệnh danh xanh - sạch - sáng của Việt Nam.

Nghệ thuật lên tiếng vì môi trường
Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh: Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật

“Dù có biết đôi chút về Phật học, nhưng để nói “tả” được chất thiền trong tranh thì tôi không dám nhận. Tôi chỉ vẽ những gì theo tâm tưởng, những ẩn ức của nội tại, những gởi gắm, tâm tình của một người họa sĩ đến với xứ sở nơi mình sinh ra, đơn giản vậy thôi!”, họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh trải lòng khi nói về con đường sáng tạo nghệ thuật của mình.

Họa sĩ Trần Vĩnh Thịnh Tìm sự tươi mới để thực hành nghệ thuật

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
đơn vị in nhanh catalogue
Return to top