ClockThứ Hai, 29/08/2016 06:01

Không để bất cứ học sinh nào bỏ học vì tăng học phí

TTH - Nếu không có gì thay đổi, đề án “Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn năm học 2016-2017” sẽ được thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới. Đây là một thông tin được các bậc phụ huynh và dư luận xã hội quan tâm.

Nâng học phí để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng hiện đại

Tăng từ 20-70%

Hàng năm, từ học phí, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thu được khoảng trên 80 tỷ đồng; nếu tăng như đề án, mỗi năm sẽ tăng 26,3 tỷ đồng; bổ sung cho kinh phí cải cách lương (40%, tương đương trên 10 tỷ đồng) và tăng đầu tư cho giáo dục (60%, tương đương gần 16 tỷ đồng).

So với mức thu theo Nghị định 49, mức thu mới sẽ tăng từ 20 đến 70%. Cụ thể, về tiền tăng từ 2.000 đồng đến 48.000 đồng tuỳ theo bậc học và theo vùng. Khung học phí gồm 3 khu vực: thành thị, nông thôn và miền núi. Nét mới nhất trong khung học phí này là cách nhìn nhận về chất lượng cơ sở vật chất (CSVC). Học phí mới sẽ dành khung thu cao cho tốp trường có CSVC tốt, gồm các trường mầm non (MN) 1, 2 và Hoa Mai; các trường THCS Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Chí Diểu, Thống Nhất, Chu Văn An, Trần Cao Vân; các trường THPT gồm Quốc Học, Hai Bà Trưng và Nguyễn Huệ. Các trường này có mức tăng từ 40% đến 70%. Đây là những cơ sở giáo dục có ưu thế hơn so với các trường khác về CSVC, trang thiết bị. Hiện, học phí đang được điều hành theo cơ chế giá nên mức thu của các trường này cao hơn 20% so với mức của các đơn vị cùng cấp. Theo đánh giá của ngành, mức thu này nằm trong khả năng chi trả của người dân. Khi tăng học phí, các trường này sẽ giảm dần cấp phát từ ngân sách để chuyển kinh phí đầu tư cho các trường ở địa bàn khó khăn.

Trừ bậc tiểu học được miễn 100%, cho đến nay, chi phí cho các bậc học từ mầm non đến phổ thông chủ yếu do Nhà nước chi trả. Học phí chỉ là sự chia sẻ theo khả năng, thu nhập của gia đình người đi học. Mức thu mới được xây dựng trên cơ sở Nghị định 86 (Nghị định 86/2015NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí, hỗ trợ chi phí học tập) và sự tham mưu của các địa phương, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số tiêu dùng hằng năm. Theo lãnh đạo ngành, thông qua cơ chế học phí mới và các chính sách khuyến khích xã hội hoá, sự đóng góp của xã hội cho giáo dục sẽ cao hơn. Mục tiêu của đề án học phí vẫn là làm sao phù hợp với khả năng đóng góp của người dân, không tạo gánh nặng về tài chính cho gia đình người đi học. Nâng học phí còn là để nâng cao chất lượng sống cho đội ngũ để họ tập trung phục vụ nhiệm vụ GD & ĐT.

Sẵn sàng miễn giảm cho học sinh nghèo

Đề án quy định mức học phí cho năm học 2016 - 2017 theo từng cấp, bậc học như sau: Bậc MN tăng 20%, THCS không học nghề tăng 50%, bậc THCS có học nghề tăng 40%; bậc THPT tăng 30%. Cơ sở giáo dục thường xuyên được áp dụng mức thu học phí tương ứng của từng cấp học và từng khu vực của trường phổ thông công lập.

Học phí được thu định kỳ hàng tháng, nếu cha mẹ học sinh tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, dạy nghề phổ thông, học phí được thu theo số tháng thực học. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm. Cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với học phí của cơ sở giáo dục mầm non có bán trú đã bao gồm chi phí điện nước, tổ chức học bán trú. Đối với học phí nghề phổ thông THCS đã bao gồm chi phí hỗ trợ công tác tổ chức thi lấy chứng chỉ nghề.

Chị Trần Thị M., có con học tại Trường THCS Nguyễn Chí Diểu cho rằng, việc tăng thêm 20.000 đồng một tháng thì cả năm cũng chỉ thêm 180.000 đồng, con số này không nhiều. Chỉ lo mọi chi phí giáo dục khác tăng theo, nhất là tiền học thêm.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT, việc tăng học phí lần này sẽ không gây xáo trộn tư tưởng phụ huynh, nhất là khi ngành sẽ sẵn sàng áp dụng nhiều hình thức để miễn giảm cho các trường hợp học sinh nghèo. Ông Hùng cho rằng, sẽ không để bất cứ học sinh nào vì học phí tăng mà không thể đến trường. Quan ngại của phụ huynh là vấn đề những chi phí bổ trợ cho giáo dục sẽ tăng theo.

Bài, ảnh: HƯƠNG GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Chăm lo lưu học sinh Lào

Là trường cao đẳng duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo và cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt cho lưu học sinh (LHS) Lào, Trường Cao đẳng Huế đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tích cực chăm lo cho LHS.

Chăm lo lưu học sinh Lào
Return to top