ClockThứ Hai, 26/10/2020 14:16

Không gây quá tải, áp lực cho học sinh lớp 1

TTH - Sau hơn một tháng triển khai chương trình sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 1, phụ huynh và giáo viên đều có những tâm tư.

Âu lo cho học trò lớp 1Đảm bảo đầy đủ sách cho học sinh lớp 1 vùng caoKhông để học sinh vùng khó thiếu sách giáo khoa lớp 1

Hoc sinh lớp 1 trong ngày khai giảng (ảnh minh họa)

Sau 4h30, chị Nguyễn Thị Minh, phụ huynh có con học lớp 1 đón con từ trường về, vội vàng cho con ăn nhẹ rồi lại tiếp tục chở con đến lớp học thêm. Chị than, xót con lắm, nhưng không còn cách nào khác, do dịch COVID-19 nên con không học mẫu giáo, không học lớp tiền hòa nhập nên đến khi vào học dường như không theo kịp bạn bè. “Chương trình học khá nhanh, vừa vào học vài tuần là con đã học từ ghép, nối câu dài. Khối lượng kiến thức nhiều, con không nhớ nổi, tôi lại không có nghiệp vụ để dạy con nên cô giáo nhắc nhở”, chị Minh cho biết.

Đa số phụ huynh có con lớp 1 đều cảm thấy lo lắng khi mỗi buổi các em học 2 âm, sau đó ráp âm lại thành tiếng rồi đọc, viết. Tính ra, mỗi tuần học sinh phải đọc được, viết được 10 âm. Chị Nguyễn Thị Lan, cũng có con học lớp 1, bày tỏ: “Nhiều hôm, mình phải “đánh vật” với con vì con ghép vần còn chậm và chưa thể đọc thành thạo. Con thuộc được 2 âm đã là tốt nhưng bắt đọc thuộc đến 4 câu trong bài tập đọc quả chẳng dễ đối với những em không học trước”.

Năm học 2020 -2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại bậc tiểu học. Học sinh lớp 1, thay vì chỉ có một bộ sách như trước, chương trình mới cho phép các trường chọn lựa các bộ sách gồm Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sống. Khi chọn sách giáo khoa, các trường đã cố gắng tìm bộ sách có kiến thức nhẹ nhất. Tuy nhiên, khi vào dạy vẫn thấy kiến thức nặng hơn chương trình cũ nhiều…

Nhiều giáo viên dạy lớp 1 nhìn nhận, năm nay nhiều học sinh không học trước nên trong lớp có khoảng 20% em nắm được chương trình lớp 1 mới, còn lại các em cứ nhớ trước, quên sau. Một tiết học chỉ có 35 phút, không đủ để các em tiếp thu, chưa kể những hôm học 3-4 vần trong một tiết. Mặc dù học sinh có buổi chiều để dành thời gian luyện tập, nhưng sẽ khó khăn nếu phụ huynh không cùng hỗ trợ dạy thêm con ở nhà.

Cô giáo T.T. N, một giáo viên có gần 10 năm dạy lớp 1 nhận xét: Chương trình môn tiếng Việt lớp 1 mới nhiều kiến thức hơn so với chương trình cũ. Học sinh vừa nhận diện âm rồi đọc tiếng, sau đó là đọc từ. Chương trình mới cũng học 2 âm mỗi ngày nhưng học âm và học vần đan xen nhau. Học sinh chưa thuộc âm đã phải nhớ sang vần để ghép tiếng, ghép từ và đọc câu. Thế nên, đa phần học sinh lẫn lộn âm và vần nên không thể đọc được câu”.

Thực tế, chương trình mới không yêu cầu giáo viên phụ thuộc vào sách giáo khoa quá nhiều, vì đây không còn là pháp lệnh. Người dạy có thể linh hoạt để làm chủ phương pháp dạy học của mình, làm sao để học sinh tiếp thu dễ dàng nhất. Nếu học sinh không tiếp thu kịp, giáo viên có thể cho các em học từ từ hoặc học những câu đơn giản ngoài sách giáo khoa. Thế nên, có thể lúc đầu rất chậm nhưng qua nhiều bài sẽ quen và có thể tiếp thu kịp chương trình.

Lo lắng của phụ huynh về chương trình học của khối lớp 1 nặng là có thật, bởi chương trình cũ đã tồn tại 20 năm, phụ huynh và cả giáo viên đều cảm thấy quen thuộc. Do đó, cũng cần có thời gian để giáo viên chuyển giao từ việc dạy học truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh. Sau những buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng đổi mới, giáo viên sẽ điều chỉnh để mỗi lớp có nét đặc trưng riêng, từ đó có cách dạy hợp lý.

Để học lớp 1 không phải là một cuộc chiến với con trẻ, rất cần sự nỗ lực từ hai phía. Giáo viên cần đến sự hỗ trợ từ phụ huynh, chỉ cần dạy con đơn giản, giúp con nhớ âm, vần đã học trong ngày. Hy vọng, các trường thực hiện nghiêm túc  công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng không gây quá tải, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ ngay tại lớp, không giao thêm bài ở nhà để giảm áp lực cho học sinh lớp 1.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều học sinh cuối cấp đã gác lại kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi để tập trung ôn tập kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây cũng là dịp phụ huynh có thời gian rảnh để đồng hành cùng con.

Tận dụng kỳ nghỉ lễ để ôn thi
Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế

Để ươm mầm cho học sinh đi thi và đoạt giải quốc tế, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế xây dựng lộ trình bồi dưỡng bài bản. Đằng sau những tấm huy chương là không ít mồ hôi, công sức của thầy và trò.

Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

TIN MỚI

Return to top