Mới đây có dịp chuyện trò với hiệu trưởng một trường trung học phổ thông vừa sáp nhập vào Huế, tôi nghe anh tâm sự rất đồng tình với việc tổ chức thi tuyển vào lớp 10. Trước đây xét tuyển bằng học bạ, “đầu vào” không kiểm soát được khi mà học bạ nào cũng “đẹp”, toàn xếp từ khá trở lên. Nhập học mới thấy lực học của nhiều em quá tệ. Rồi anh kể, lần đầu tiên trường tổ chức thi vào lớp 10 mới sáng tỏ nhiều nghịch lý. Chẳng hạn, nhiều học sinh có điểm tổng kết môn toán lớp 9 đạt điểm trung bình 7 - 8, nhưng thi 0 điểm hay chỉ đạt 0,25 điểm. Các em này dĩ nhiên là phải… rớt. Băn khoăn là, với điểm số trung bình cao trong học bạ, các học sinh kia ít ra cũng được kiếm được vài điểm để có thể không rơi vào “điểm chết” hay “điểm liệt”.
|
|
Tuyển sinh vào lớp 10 để nâng cao chất lượng học sinh |
“Làm đẹp” học bạ là chuyện “khổ quá, biết rồi, nói mãi”. Thế nhưng, ít ra đó không phải là chuyện của ngày xưa. Tôi may mắn giữ lại được học bạ từ thời trung học phổ thông. Thỉnh thoảng hoài niệm, có thói quen xem lại học bạ. Thời đi học, tôi có 4 năm là học sinh chuyên văn của tỉnh Bình Trị Thiên. Mang tiếng là học sinh giỏi văn, nhưng ở trong tập thể học sinh chuyên, điểm số môn văn của tôi chỉ dao động từ 6 đến 7. Còn xếp loại học tập cũng chỉ dừng lại chữ “khá”. Tuy thế cũng rất đáng tự hào khi cả khối lớp có trên 10 lớp của tôi ở Trường cấp 3 Trưng Trắc (nay là Hai Bà Trưng) chỉ có đúng 1 học sinh giỏi, không thể “quy hoạch” thêm nữa, là bạn thân của tôi, hiện là một giáo sư tiếng tăm. Nó khác với bây giờ, phụ huynh ít ai bằng lòng khi con xếp loại học lực… khá.
Liệu có chuyện “mua” hay “xin” điểm không. Trả lời thắc mắc của tôi, cũng là ông thầy hiệu trưởng trên đây, cười bảo học sinh vùng quê nghèo khó học hành được chăng hay chớ, làm chi có chuyện “mua” điểm. Vấn đề là căn bệnh thành tích đã “ngấm” quá sâu trong tư duy không chỉ là những người làm công tác giáo dục mà là của toàn xã hội. Những chỉ tiêu về phần trăm phải bao nhiêu khá giỏi, hay không thể dưới bao nhiêu phần trăm trung bình, yếu… đã là áp lực và là những áp buộc giáo viên phải bằng mọi cách “làm đẹp” học bạ cho học sinh để cả không chỉ có thầy, trò mà cả trường, cả địa phương cùng vui, cùng được… vỗ tay.
Ở Thừa Thiên Huế, gần đây những nỗ lực vượt khó của ngành giáo dục để tổ chức thi tuyển vào lớp 10 được tổ chức trên diện rộng được kỳ vọng sẽ trả lại “thực học” và “đúng chỗ ngồi” cho nhiều học sinh. Tuy nhiên suy cho cùng, đó cũng mới chỉ được một nửa khi mà điểm học bạ vẫn được tính đến để cùng với điểm thi chọn tuyển học sinh vào lớp 10. Còn nữa là muôn vàn lý do cần “làm đẹp” học bạ vẫn còn đó, liên quan đến học hành hay thi cử như tham gia xét tuyển đại học, xin việc làm hay đơn thuần chỉ là tâm lý “hám danh’ của nhiều phụ huynh học sinh được sự đồng tình, không chỉ của giáo viên trực tiếp giảng dạy mà còn có cả những bậc quản lý.
Thực học và thực tài là khát vọng lớn lao được Đảng và Nhà nước ta gửi gắm cho ngành giáo dục. Sự giả dối trong môi trường giáo dục lại càng nguy hiểm khôn lường. Điểm số ảo, thành tích giả, học bạ được "làm đẹp" khác nào cơn sóng ngầm đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp. Trách nhiệm nặng nề này trước tiên đặt lên vai những người thầy, họ cần phải vượt qua áp lực và những nỗi sợ hãi vô hình để có được sự dũng cảm đánh giá thực học của học sinh qua điểm số học bạ.