ClockThứ Hai, 21/02/2022 06:26

Linh hoạt phương án khi sinh viên trở lại trường

TTH - Từ ngày 21/2, một số trường đại học (ĐH) tại Huế bắt đầu đón sinh viên trở lại trường học tập trung. Để kế hoạch dạy - học không bị ảnh hưởng, các trường chuẩn bị nhiều phương án tổ chức đón tiếp và dạy học cho sinh viên sát với tình hình dịch bệnh.

Giúp học sinh lấy lại cân bằng khi trở lại trườngLinh hoạt nhiều phương án, đảm bảo an toàn cho học sinhSinh viên Đại học Huế trở lại học trực tiếp từ 21/2

Một số trường sẽ triển khai test nhanh COVID-19 cho sinh viên trước ngày học tập trung trở lại

Các trường chủ động kế hoạch, thời gian

Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế là một trong những đơn vị tổ chức cho sinh viên trở lại trường từ ngày 21/2. Để chuẩn bị cho sinh viên học tập trung, ngoài công tác vệ sinh khử khuẩn trường lớp, nhà trường cũng thông báo sớm để sinh viên về Huế, theo dõi sức khỏe và học 1 tuần sau tết theo phương thức trực tuyến, ổn định tình hình trước khi chuyển sang học trực tiếp trên lớp. TS. Trần Thanh Lương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH và công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học cho biết: “Đối với các sinh viên không thể test nhanh COVID-19 tại nhà, trường phối hợp cơ quan y tế tiến hành tổ chức test nhanh COVID-19 cho các em để chuẩn bị tham gia học trực tiếp và có phương án phân luồng sinh viên. Khi tổ chức dạy học trở lại, đội sinh viên tự quản cũng sẽ thực hiện quét mã QR cho sinh viên và thực hiện các yêu cầu theo quy định”.

Cùng với Trường ĐH Khoa học, nhiều đơn vị đào tạo khác cũng tổ chức dạy học tập trung trở lại cho sinh viên. Theo ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế qua quá trình khảo sát, hầu hết sinh viên đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19, nhiều sinh viên cũng đã tiêm 3 mũi vắc-xin. Các phương án đón tiếp và tổ chức dạy học trở lại cũng được thảo luận kỹ để chủ động.

Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế, trên tinh thần các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 ĐH Huế, vừa qua ĐH Huế đã giao các đơn vị đào tạo rà soát tình hình, điều kiện dạy học tập trung trở lại và chủ động phương án đón tiếp, dạy - học.

Ngoài một số đơn vị cho sinh viên đi học từ ngày 21/2, có đơn vị dự kiến cho sinh viên trở lại trường học trực tiếp muộn hơn. TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế chia sẻ, cùng với kế hoạch cho sinh viên năm thứ tư thực tập, từ ngày 28/2 nhà trường tổ chức cho sinh viên các lớp năm thứ 3 trở lại trường, sau đó một tuần là sinh viên năm thứ 2 và tuần tiếp theo là sinh viên năm thứ nhất. Việc giãn kế hoạch đón tiếp, tổ chức dạy - học cho sinh viên nhằm chủ động và kiểm soát tình hình. Nhà trường cũng xây dựng các phương án phòng dịch theo tình huống nếu phát hiện trường hợp F0 là sinh viên và giảng viên để phối hợp các cơ quan chức năng xử lý, cách ly theo quy định, đảm bảo kế hoạch dạy - học ổn định.

Tại Trường ĐH Luật, ĐH Huế, lịch học trực tiếp muộn hơn, dự kiến tổ chức từ ngày 21/3. PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật cho biết, từ ngày 15/2 - 15/3, nhà trường tổ chức khảo sát các điều kiện đảm bảo an toàn để sinh viên trở lại trường học tập. Việc chuẩn bị kỹ tất cả các khâu nhằm mục đích thích ứng an toàn với dịch bệnh được tốt hơn.

Các trường ĐH nhắc nhở sinh viên tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế khi trở lại trường học tập, nghiên cứu

Linh hoạt phương án đào tạo

Các đơn vị đào tạo đã tổ chức kế hoạch dạy - học của học kỳ 2 của năm học 2021 - 2022. Nhìn chung, nhờ vận hành tốt phương pháp đào tạo trực tuyến nên khi chuyển sang đào tạo trực tiếp, kế hoạch dạy học vẫn đang đảm bảo được lộ trình thời gian, chưa ảnh hưởng đến kế hoạch chung của năm học.

Để chủ động kế hoạch đào tạo trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến khá phức tạp, các trường ĐH xây dựng phương án mới theo hướng linh hoạt. TS. Trần Thanh Lương cho rằng, để đảm bảo 100% sĩ số các lớp rất khó; tình trạng có giảng viên, sinh viên bị F0 có thể xảy ra. Phương án của nhà trường là vừa dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến. Trên lớp học trực tiếp, các giảng viên cũng bố trí cơ sở vật chất, máy móc để các sinh viên trong diện bị cách ly tại nhà, chưa thể đến trường có thể học trực tuyến. Trong trường hợp giảng viên bị F0 không triệu chứng, có đủ sức khỏe, điều kiện và cách ly tại nhà, có thể giảng dạy trực tuyến tại nhà vẫn có thể được bố trí làm việc theo nguyện vọng của họ. Nhà trường cũng chuẩn bị kỹ quá trình chuyển tiếp từ dạy - học trực tuyến sang trực tiếp. Đồng thời, nhà trường cũng dự phòng phương án trong trường hợp cần thiết hoặc khi có yêu cầu, có thể chuyển sang đào tạo trực tuyến trở lại.

Theo TS. Nguyễn Gắng, Khoa trưởng Khoa Giáo dục Thể chất - ĐH Huế, trên tinh thần kế hoạch của ĐH Huế, đơn vị đã xây dựng phương án dạy học trực tiếp trở lại, nhất là với sinh viên chuyên ngành. Đối với các sinh viên không chuyên (theo học học phần giáo dục thể chất) đến từ các trường, đơn vị thuộc ĐH Huế thì Khoa Giáo dục Thể chất vẫn áp dụng song song hai phương án, thích ứng với tình hình dịch bệnh và phương án của các trường. “Với những trường tổ chức dạy học trực tiếp, khoa sẽ tổ chức đào tạo trực tiếp học phần giáo dục thể chất cho sinh viên, còn với những đơn vị đang áp dụng dạy học trực tuyến, giảng viên vẫn sẽ duy trì các lớp học giáo dục thể chất online”, TS. Nguyễn Gắng thông tin.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tinh gọn bộ máy: Chuẩn bị kỹ phương án nhân sự, chế độ chính sách để thực hiện ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua

Các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện được ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Tinh gọn bộ máy Chuẩn bị kỹ phương án nhân sự, chế độ chính sách để thực hiện ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua
Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

TIN MỚI

Return to top