ClockThứ Bảy, 11/11/2023 14:33

Lựa chọn sách giáo khoa: Trao quyền cho giáo viên ?

TTH - Râm ran trong dư luận suốt thời gian qua là dự thảo lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên sẽ được trao lại cho các trường, thay vì UBND cấp tỉnh chọn như hiện nay.

Chuẩn bị sách giáo khoa cho năm học mới 2023-2024Chọn sách giáo khoa qua trải nghiệm dạy học

 Các trường có thể chọn sách giáo khoa phù hợp

Khá nhiều ý kiến đồng tình vì phù hợp với thực tiễn, vai trò quan trọng nhất trong lựa chọn SGK đã trao cho chính giáo viên, những người trực tiếp làm công tác giảng dạy. Song, vẫn có ý kiến cho rằng, phương án này liệu có đem đến hiệu quả học tập tốt nhất cho học sinh.

Việc thành lập hội đồng chọn SGK do các trường lựa chọn đã được thực hiện từ năm 2020 khi SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, năm học 2021 - 2022 đến nay, việc chọn SGK thực hiện theo Luật Giáo dục, quyền quyết định lựa chọn SGK nào để giảng dạy trong cơ sở giáo dục phổ thông là UBND cấp tỉnh. Hội đồng chọn sách do UBND tỉnh thành lập và mỗi môn ở một cấp học là một hội đồng, các trường chỉ được đóng góp ý kiến. Căn cứ vào kết quả chọn sách của hội đồng cấp tỉnh và thành phố, người có thẩm quyền ở mỗi địa phương sẽ phê duyệt.

Thừa Thiên Huế được đánh giá là địa phương đảm bảo các quy trình chọn SGK. Theo Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Sửu, sau khi làm việc ở các trường, nhiều ý kiến đề xuất việc chọn sách nên thống nhất 1 đơn vị đầu mối. Thông tư 01 và 25 có sự chồng chéo trong việc lựa chọn SGK giữa nhà trường và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), dẫn đến một số trường phải chọn lại SGK khi bộ sách được trường chọn không trùng với sách của Hội đồng chọn sách do Sở GD&ĐT lựa chọn.

Cũng theo dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi, hội đồng lựa chọn SGK sẽ bao gồm hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban phụ huynh (để giám sát). Căn cứ vào kết quả của các trường, UBND cấp tỉnh phê duyệt danh mục lựa chọn SGK của các trường tại địa phương. Một trong hai tiêu chí lựa chọn SGK là phải phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Từ góc nhìn thực tiễn, nhiều hiệu trưởng cho rằng việc giao quyền chọn SGK cho các trường là phù hợp vì mỗi trường có điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, năng lực học sinh khác nhau. Dự thảo cũng được nhiều giáo viên ủng hộ, khi cho rằng không ai hiểu học sinh bằng giáo viên đứng lớp. Do đó, việc mỗi trường thành lập một hội đồng, giáo viên được trực tiếp tham gia lựa chọn SGK sẽ phát huy quyền tự chủ, sự sáng tạo của giáo viên và phù hợp với tinh thần của Chương trình GDPT 2018. Tất nhiên, hiện có 3 bộ SGK gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều. Các trường có thể chỉ chọn một bộ hoặc có thể chọn sách từ cả ba bộ để dạy cho học sinh của mình.

Với dự thảo mới, quyền và trách nhiệm của giáo viên và nhà trường sẽ lớn hơn. Khi giao quyền tự chủ cho nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh có thể cùng đồng hành tham gia vào việc lựa chọn SGK, tìm ra một bộ sách phù hợp nhất với chương trình học, với trình độ chuyên môn của từng vùng miền. Nhiều hiệu trưởng cho rằng, điểm mấu chốt trong dự thảo là tiếng nói của các nhà trường, của giáo viên được tôn trọng và đóng vai trò quyết định. Đồng thời, đây cũng chính là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chọn sách và giảm sự tác động của đội ngũ quản lý đến việc chọn sách của các trường.

Vẫn có ý kiến lo ngại bởi năng lực giáo viên ở mỗi trường là khác nhau. Trong khi việc thẩm định, lựa chọn SGK cần một đội ngũ vừa có kinh nghiệm đứng lớp, vừa giỏi chuyên môn, tâm huyết, có thể đánh giá ở tầm vĩ mô. Được biết, ở Thừa Thiên Huế có một hội đồng chọn sách với hơn 2/3 là giáo viên giỏi ở các trường. Họ có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng nên khi bỏ phiếu chọn sách đều có sự tập trung không dàn trải. Thế nên, phương án giao cho trường chọn SGK hay UBND tỉnh chọn đều được xem là  phù hợp.

Vẫn còn những ý kiến băn khoăn, mỗi trường chọn SGK khác nhau, vậy lúc thi, cấp bộ và cấp sở ra đề có phù hợp cho từng trường hay không? Tuy nhiên, chương trình là pháp lệnh, bắt buộc, SGK là tài liệu học tập được cụ thể hóa từ chương trình. Thế nên, việc có nhiều bộ SGK như hiện nay, đáp ứng mục đích, tiêu chuẩn... do chương trình quy định và được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt là hợp xu hướng trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: AN NHIÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Pháp ở cấp tiểu học

Từ ngày 27-29/11 tại TP. Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Trung tâm Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn cho giáo viên tiếng Pháp cấp tiểu học.

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Pháp ở cấp tiểu học
ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

TIN MỚI

Return to top