ClockThứ Bảy, 13/11/2021 14:00

“Nâng bước” học trò

TTH - Thầy giáo Nguyễn Duy Minh Sơn (giáo viên môn tin học, Trường THCS Phú Mỹ) đóng góp không nhỏ trong nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo huyện Phú Vang.

Ổn định dạy và học trong điều kiện mớiYêu thương và trách nhiệm

Thầy Sơn tận tình giảng dạy

Đó là nhận xét của ông Võ Văn Thịnh, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang khi nói về thầy giáo Nguyễn Duy Minh Sơn, một trong những giáo viên cốt cán khối THCS trên toàn tỉnh (được Sở GD&ĐT chọn và Bộ GD&ĐT công nhận).

Năm 2003, về nhận công tác tại Trường THCS Phú Thượng (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, nay là phường Phú Thượng, TP. Huế), đến năm 2005, thầy giáo trẻ Nguyễn Duy Minh Sơn được Phòng GD&ĐT huyện Phú Vang giao nhiệm vụ dạy bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh. Đồng hành cùng học trò, thầy Sơn nỗ lực và sáng tạo trong cách truyền đạt để các em tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất. Sự nỗ lực của cả thầy và trò “đơm hoa, kết trái” bắt đầu bằng các giải khuyến khích, giải ba trong các cuộc thi học sinh giỏi môn tin học lớp 9 trên ngôn ngữ lập trình pascal. Từ năm 2011 đến nay, năm nào môn học này đội tuyển Phú Vang cũng tự hào có nhiều giải nhất, nhì cấp tỉnh.

Thầy giáo Nguyễn Duy Minh Sơn nói rằng, để học trò học tốt, giáo viên phải có “chìa khóa” mở ra sự đam mê và hứng thú của các em. Bởi vì khi đã đam mê, hứng thú thì ngoài kiến thức thầy, cô truyền đạt, trò sẽ tự tiếp tục tìm tòi, khám phá. Tin học là môn học khó, khô khan, số đông học trò chưa có hứng thú, thậm chí không thích. Do đó, thầy Sơn thường “gắn” bài giảng với những ví dụ thực tế của cuộc sống, tìm cách truyền đạt một cách đơn giản nhất, gần gũi nhất, đồng thời xen phần hài hước để các em dễ hiểu, tạo hứng thú cho học trò.

Trong một lớp học sẽ có sự không đồng đều, một số em khá, giỏi, một số em lại yếu. Thầy Sơn đầu tư về công sức và thời gian, chia lớp thành hai, có hệ thống bài giảng, bài tập riêng phù hợp với từng nhóm. Vì vậy, thứ bảy, chủ nhật người khác nghỉ ngơi thì thầy Sơn vẫn bên cạnh học trò. Khi giảng dạy, thầy Sơn chú tâm quan sát từng em để giúp các em phát triển mặt mạnh, khắc phục điểm yếu.

“Tôi không thể quên một học trò của Trường THCS Phú Diên (xã Phú Diên). Nhà rất nghèo, nhưng em ấy lại học khá tốt. Được giải khuyến khích khi thi học sinh giỏi cấp huyện, em được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi huyện để tham dự kỳ thi cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình bồi dưỡng tập trung, em ấy đuối, nản chí và có ý định bỏ cuộc. Tôi nói với em rằng, muốn thay đổi cuộc đời, em nhất định phải cố gắng, nỗ lực, phải học. Đội tuyển bồi dưỡng vào các buổi chiều thứ bảy, chủ nhật tại TP. Huế, tôi liên hệ với lãnh đạo Trường THCS Phú Diên, trao đổi và được nhà trường “tiếp sức” bằng cách cử thầy, cô giáo chở em từ buổi sáng, để em học cả ngày. Dần dần, em đam mê môn học và tiến bộ rất nhiều, đạt giải nhì cấp tỉnh. Hiện em đang học đại học ngành công nghệ thông tin”- thầy Sơn thông tin.

Được thầy Sơn “nâng bước”, cùng với sự nỗ lực của bản thân, nhiều học sinh Phú Vang vinh dự bước lên bục cao thành tích, đoạt giải nhất cấp tỉnh với số điểm cao, số điểm tuyệt đối, như em Phạm Nhật Khánh Linh đạt 18/20 điểm; em Đoàn Quốc Cường đạt 19/20 điểm; em Đoàn Phú Đức đạt 20/20 điểm…

“Không “dừng lại” ở thành tích của học trò trong các cuộc thi, cũng như những đồng nghiệp khác, đối với tôi, hạnh phúc là khi các em bước những bước vững chắc trên con đường học tập, khi các em tốt nghiệp đại học, tiếp tục ứng dụng có hiệu quả những kiến thức đã học trong công việc của mình, sống tốt đồng thời cống hiến, giúp ích cho xã hội bằng những kiến thức đó”- thầy giáo Nguyễn Duy Minh Sơn bộc bạch.

Thầy giáo Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Mỹ chia sẻ rằng, dù mới chuyển công tác về trường, thời gian chưa nhiều, nhưng là một giáo viên giỏi, với sự tận tâm, năng động, trách nhiệm…, thầy giáo Nguyễn Duy Minh Sơn đã giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp và nhà trường rất nhiều, để từng giáo viên và tập thể nhà trường thực hiện tốt nhất công tác dạy học, đặc biệt là dạy, học trực tuyến trong tình hình phòng, chống dịch COVID-19.

Bài, ảnh: DUY TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và quản lý giáo dục

Đó là chủ đề hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 30/11 tại TP. Huế do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Công ty TNHH Giáo dục FPT tổ chức nhằm cung cấp, chia sẻ kiến thức về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực giáo dục và thảo luận, phân tích những thách thức khi triển khai công nghệ AI trong quản lý và giảng dạy. Dự kiến có khoảng 450 - 500 người tham gia hội thảo này.

Tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và quản lý giáo dục
Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 22/11, tại thị trấn Phú Đa (Phú Vang), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo- Người tàn tật vàTrẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng phối hợp Hội Người khuyết tật- Bảo trợ người khuyết tật & trẻ mồ côi Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình trao quà hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 6,với tổng trị giá gần 127 triệu đồng.

Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Return to top