ClockThứ Năm, 27/06/2019 06:15

Nâng vị thế Đại học Huế thông qua hợp tác quốc tế

TTH - Nỗ lực tiến tới hội nhập sâu rộng và giao lưu quốc tế trên các lĩnh vực đào tạo, khoa học - công nghệ và trao đổi giảng viên, sinh viên (SV), thời gian qua, Đại học (ĐH) Huế và các trường, viện thành viên, đơn vị trực thuộc đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực hợp tác quốc tế (HTQT).

Mỗi cán bộ của trường là một “đại sứ”Nhắc đến châu Á và Đông Nam Á, người ta nhắc nhiều đến Đại học Huế

Lãnh đạo Đại học Huế ký kết hợp tác với đối tác quốc tế

Nhiều thành tựu

Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2019, ĐH Huế đón tiếp 184 đoàn khách quốc tế từ các nước Bỉ, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản…; đồng thời tổ chức ký kết 11 thỏa thuận hợp tác với nhiều trường ĐH, viện nghiên cứu và các tổ chức trên thế giới về trao đổi cán bộ, SV và các chương trình phát triển nhân lực; hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ…

Theo TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc ĐH Huế, HTQT là một trong những mũi nhọn và là 1 trong 8 mục tiêu và giải pháp chiến lược của ĐH Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nên ĐH Huế luôn có chiến lược linh hoạt. Chỉ riêng việc HTQT thúc đẩy các hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN), giai đoạn từ 2009 - 2019, ĐH Huế phát triển quan hệ hợp tác thông qua việc ký kết 350 văn bản hợp tác với hơn 200 cơ sở giáo dục, tổ chức quốc tế của trên 30 quốc gia và gặt hái nhiều thành tựu.

Đơn cử năm học 2018 - 2019, ĐH Huế và các cơ sở đào tạo thành viên, trực thuộc mở rộng thêm nhiều quan hệ hợp tác trong liên kết đào tạo, KHCN, các dự án nâng cao năng lực giáo dục ĐH không chỉ với các đối tác truyền thống mà còn với các đối tác mới có tiềm năng, hoặc các đối tác chiến lược và đối tác ngoại giao. Trong năm qua, ĐH Huế thực hiện đào tạo nguồn nhân lực cho Lào thông qua chương trình cao học ngành khoa học môi trường và sắp đến là công nghệ thông tin, du lịch.

Thông qua HTQT, ĐH Huế huy động được nhiều nguồn lực quan trọng để nâng cao năng lực giáo dục ĐH thông qua tài trợ hoặc các dự án HTQT… trên các mảng thể chế ĐH, đào tạo, nâng cao năng lực NCKH, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển sinh kế, tài trợ cơ sở vật chất…

Từ các hoạt động HTQT, chất lượng cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho SV được nâng lên. Trần Minh Tình, SV Trường ĐH Nông lâm, chia sẻ: “Nhờ liên kết của nhà trường, em và các bạn được trải nghiệm và học tập tại Thái Lan. Những kiến thức, kỹ năng học ở trường được đem ra để thử sức. Ngoài ra, cũng có môi trường rèn luyện tiếng Anh”.

Chú trọng hướng dịch chuyển sinh viên

Song song việc duy trì và phát triển các hoạt động truyền thống trong lĩnh vực HTQT, thời gian tới, ĐH Huế chú trọng phát triển mảng mới được các cơ sở giáo dục và tổ chức quốc tế tại các diễn đàn rất quan tâm là Student Mobility (dịch chuyển SV).

TS. Đỗ Thị Xuân Dung chia sẻ, vấn đề quốc tế hóa đang diễn ra sôi động, tích cực và SV cũng là đối tượng thụ hưởng xu thế đó. Lợi ích dịch chuyển SV mang lại không chỉ trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng cho SV mà thông qua việc sống và học tập tại quốc gia khác, SV được trải nghiệm và thực hành nhiều kỹ năng quan trọng, là đại sứ văn hóa không chỉ trong giáo dục ĐH mà còn giúp giải quyết các vấn đề quốc gia, quốc tế. Các cơ sở giáo dục ĐH Huế thông qua đó giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết đến mình và có cơ hội nâng cao vị thế trong xếp hạng ĐH, bởi dịch chuyển SV là một chỉ số xếp hạng của các tổ chức xếp hạng ĐH quốc tế.

Đỗ Hữu Hoàng Đạt, cựu SV Trường ĐH Nghệ thuật, người được nhận học bổng SHARE đi học tại Cộng hoà Séc, chia sẻ: "Tại trường Tomas Bata em học làm phim ảnh, thiết kế, truyền thông. Kiến thức được học bổ trợ tốt cho ngành học thiết kế mỹ thuật đa phương tiện của em. Ở nước bạn, em có cơ hội giới thiệu và đưa nghệ thuật thư pháp đến với bạn bè quốc tế".

Theo đại diện ĐH Huế, hiện ĐH Huế có đủ điều kiện để làm tốt mảng dịch chuyển SV, nhất là thu hút SV quốc tế đến với ĐH Huế như đa ngành, đa lĩnh vực, có nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, nguồn lực tại chỗ để phục vụ SV quốc tế cũng như để tranh thủ các nguồn tài trợ từ các đại sứ quán, các chính phủ và nguồn tài trợ từ các quỹ dự án HTQT của châu Âu.

Năm 2019, Khoa Quốc tế được thành lập tại ĐH Huế, thực hiện các chương trình đào tạo liên kết trình độ ĐH ngành an toàn thông tin (liên kết với ĐH Turku, Phần Lan), quản trị kinh doanh quốc tế (liên kết với ĐH Thương mại UTCC, Thái Lan), công nghệ thực phẩm trình độ thạc sĩ. Các chương trình này không chỉ tạo điều kiện cho SV trong nước tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài ngay tại quê nhà mà mục tiêu xa hơn Khoa Quốc tế đang cùng các đơn vị đào tạo khác của ĐH Huế nỗ lực thu hút SV nước ngoài về học tại ĐH Huế.

“Sắp tới, ĐH Huế xây dựng và triển khai các biện pháp để các chương trình dịch chuyển SV mở rộng về quy mô, số lượng và chất lượng nhằm nâng tầm của ĐH Huế trên trường quốc tế, mặt khác giao lưu quốc tế để chia sẻ văn hóa, phát triển hữu nghị và làm tốt hơn việc đào tạo công dân toàn cầu. Chúng tôi sẽ xây dựng nhiều và tốt hơn các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, thúc đẩy liên kết để gia tăng số lượng SV ĐH Huế ra nước ngoài học và SV nước bạn đến ĐH Huế học tập, trải nghiệm”, lãnh đạo ĐH Huế nói.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Return to top