Giảng viên trường đại học khoa học, Đại học Huế đang giảng dạy sinh viên. Ảnh: MC
Những khó khăn đang gặp
Từng hỗ trợ quản lý một doanh nghiệp du lịch, tôi cùng ban giám đốc đã rất vất vả khi phải sử dụng một phần mềm tính tiền chung cho mọi ngành kinh doanh. Rồi phải đào tạo, trao đổi nhiều với người viết phần mềm về các đặc thù của ngành, các ngóc ngách của kế toán du lịch… trong thời gian khá dài, chưa kể vừa làm vừa điều chỉnh, từ đó mới có thể chạy được phần mềm một cách suôn sẻ. Rồi khi làm website cho doanh nghiệp, cũng phải cung cấp các thông tin cơ bản về kinh doanh khách sạn online, cách thu hút khách du lịch qua website, các thủ thuật sử dụng khi thiết kế website dành riêng cho du lịch…
Rất nhiều công việc khác phải nhờ cậy đến công nghệ thông tin, tôi đã khá vất vả vì rất nhiều đơn vị cung ứng giỏi về IT nhưng vẫn còn hạn chế về các chuyên ngành đặc thù. Tìm hiểu qua ngành giáo dục, khi giáo án điện tử được áp dụng, rất nhiều trường đang sử dụng bảng thông minh thì nhu cầu về nhân viên IT tại các trường học phải có chuyên môn về ngành giáo dục càng tăng cao.
Không chỉ là nhân viên IT đơn thuần được sử dụng cho việc lắp đặt máy tính, bảo trì sự cố mạng, quản trị website mà chính họ sẽ là những người “trợ giảng” thực sự cho giáo viên ở lớp, góp phần cho sự thành công của một bài giảng trực quan.
Có nên đào tạo thêm chuyên khoa về giáo dục?
Sẽ thực tế hơn nếu trong chương trình đào tạo bậc đại học có những lớp học chuyên sâu về lập trình dành riêng cho ngành du lịch, y tế, quản lý hành chính nhân sự, kế toán kiểm toán... để sinh viên có cơ hội tiếp cận với thực tế, với doanh nghiệp và khi ra trường sẽ không bị bỡ ngỡ. Đối với ngành giáo dục, sinh viên sẽ nắm bắt công việc của giáo viên để cùng thiết kế bài giảng, các game ôn tập, xây dựng clip, chụp ảnh, quay phim phục vụ cho giáo án điện tử, bởi giáo viên “tay ngang” sẽ không thể thiết kế đẹp như sinh viên CNTT. Ngược lại, sinh viên CNTT học chung chung thì sẽ không nắm được từng cốt lõi của vấn đề trong đào tạo.
Một kinh nghiệm mà tôi từng được trải qua khi được tham gia tìm hiểu về một khóa học online về “Lập kế hoạch và thực hiện công cụ hỗ trợ giảng dạy” ở Hoa Kỳ mà tôi rất quan tâm. Khóa học này gồm việc thiết kế, phát triển và sử dụng các phương tiện truyền thông phục vụ ngành giáo dục. Chủ đề bao gồm thiết kế bài giảng bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông chuyên ngành, nhiếp ảnh, sản xuất video, thuyết trình máy tính và xuất bản ấn phẩm giáo dục.
Khóa học này được giảng dạy trực tuyến nên sinh viên không bị hạn chế về thời gian lên lớp và có thể trao đổi với giáo sư qua email, đặt lịch hẹn trực tuyến. Tuy nhiên ứng với mỗi chương học, sinh viên sẽ phải thực hiện một số sản phẩm đa phương tiện theo yêu cầu của giáo sư như là bài tập khóa học. Tài liệu trình bày trong khóa học được áp dụng cho tất cả các cấp giáo dục, từ giáo dục tiểu học đến đại học. Vì vậy, khi sinh viên chuyên ngành sư phạm hoặc công nghệ thông tin học khóa học này đều có thể áp dụng vào môi trường giáo dục mọi cấp độ sau khi ra trường. Mục đích khóa học cũng được xác định rõ ràng nhằm giúp sinh viên thiết kế, phát triển và tạo ra tài liệu cho việc giảng dạy.
Khóa học sử dụng các hướng dẫn, bài đọc, thảo luận, đánh giá chéo giữa các sinh viên và nhận xét trực tiếp từ giáo sư, kèm với đó là các sản phẩm đa phương tiện được thực hiện theo từng đề tài. Sinh viên sẽ làm việc liên tục với các công cụ của ngành công nghệ thông tin, như: chụp ảnh theo yêu cầu bố cục có chủ đề giáo dục để trình bày trên prezi, sử dụng các tính năng đặc biệt của powerpoint để trình bày bài giảng, dùng phần mềm photoshop thiết kế banner nội dung cho bài giảng, quay phim và sử dụng phần mềm làm phim để thiết kế bài giảng, sử dụng chức năng của winword thiết kế bản tin của trường học và rất nhiều kỹ năng khác để đạt được các mục tiêu và kết quả học tập của khóa học.
Yêu cầu của khóa học không quá cao, mang tính thách đố mà chỉ yêu cầu sinh viên đang học ngành CNTT quan tâm đến mảng giáo dục; hay sinh viên ngành giáo dục muốn nắm bắt các công cụ của khoa học máy tính để phục vụ cho công tác giảng dạy sau này. Sau khi cùng với giáo sư “vượt qua chướng ngại vật”, dù khá vất vả vì phải vận dụng nhiều kiến thức chuyên ngành CNTT, đòi hỏi nhiều khả năng về thiết kế, chụp ảnh, quay phim, óc thẩm mỹ nhưng ngược lại kết quả của khóa học đối với sinh viên chắn chắn sẽ như ông bà ta đã từng nói “không ngon ngang cũng bổ dọc”.
Thực tế, sinh viên nhiều trường sẽ phải học thêm chuyên khoa sau khi tốt nghiệp chương trình chung, từ đó tôi mới đặt ra câu hỏi “Có nên đào tạo chuyên khoa về giáo dục hay chứng chỉ sư phạm cho cử nhân công nghệ thông tin?” để cho các bạn tốt nghiệp ngành CNTT sẽ tự tin hơn khi sử dụng kiến thức chuyên môn của mình ngay sau khi ra trường, thay vì phải nhờ các công ty đào tạo lại.
Phan Quốc Vinh