Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, “Nữ hoàng xe đạp Đông Nam Á”, giảng viên Trường ĐH Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh
Theo “Nữ hoàng xe đạp Đông Nam Á” Nguyễn Thị Thanh Huyền, thiếu mạnh dạn trong giao tiếp và thể hiện bản thân khiến nhiều SV đánh mất những cơ hội mà bản thân có thể tạo ra, gặp khó sau khi ra trường.
SV Huế thường bị đánh giá không cao về yếu tố kỹ năng, bà cảm nhận thế nào sau khi tiếp xúc, trao đổi với họ?
Tôi thấy không riêng SV Huế mà SV Việt Nam nói chung và kể cả trẻ em ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam có điểm chung là chưa được giáo dục về thể hiện cái mình mong muốn ngay từ nhỏ.
Khi ra nước ngoài, tôi mới phát hiện điều đó. Ở không ít quốc gia, nhiều người có khả năng diễn thuyết từ nhỏ. Ngay cả một em bé 6 tuổi đã được học để thể hiện điều mà bạn ấy muốn, có khả năng đặt vấn đề, trình bày vấn đề và chốt lại vấn đề. Ở nước ta, rất tiếc dường như có môn học hay đào tạo cụ thể về vấn đề này. Tôi cho rằng, các trường, thầy cô giáo tạo môi trường tốt thì sẽ phát huy, phát triển những kỹ năng thuyết phục, thuyết trình cho học sinh ngay từ tuổi nhỏ.
Riêng với Huế, tôi lại thấy có ưu điểm cực kỳ tuyệt vời là nền giáo dục của Huế, văn hóa, con người Huế, văn hóa ứng xử, giao tiếp rất cân bằng và có thêm một điều nữa là các bạn ấy được giáo dục về giá trị gia đình, giá trị con người, giá trị gốc. Tất cả mọi con người thành công trên đời này đều phải xuất thân từ cái gốc đó.
Nếu ở nơi khác, cô có thể nói khan cổ nhưng chưa chắc học sinh quan tâm nhưng ở Huế thì khác. Các em còn biết khách đến nhà chủ động mời nước, tiếp chuyện trong lúc bố mẹ chưa có. Nền tảng tốt, nhưng rõ ràng cũng cần biết cách để phát huy, phát triển những kỹ năng ấy khi trưởng thành, khi trở thành những cô cậu SV, nhất là sự mạnh dạn, kỹ năng giao tiếp.
Theo bà, đâu là nguyên nhân khiến giới trẻ, trong đó có các SV Huế còn bị “điểm trừ” về kỹ năng?
Thiếu môi trường, thiếu môn khoa học về giao tiếp trong trường học là một vấn đề cần nhìn nhận kỹ hơn. Có những quan niệm như trên lớp thì ngồi yên, hai tay khoanh trước bàn, mắt nhìn phía trước bảng nghe cô giáo giảng, trông thật là ngoan nhưng chưa có sự cổ vũ, tạo cơ hội để người học mạnh dạn phát biểu, thậm chí là tranh luận, tức là chưa tạo được không khí để các em “hoạt động”. Tại các trường ĐH, chủ yếu mới chỉ có hoạt động kỹ năng tại các câu lạc bộ, đội, nhóm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền trao đổi với sinh viên Huế
Về phía chủ quan, SV còn thiếu mục tiêu để phấn đấu. Thêm vào đó, cái khó khăn lớn nhất là cái tôi của giới trẻ bây giờ khá cao. Khi cái tôi lớn, lại thiếu kỹ năng giao tiếp và sự mạnh dạn sẽ cản trở họ rất nhiều.
Một số bạn trẻ, SV còn bị những quan niệm về giới hạn ràng buộc. Nhưng thực ra, sự nhút nhát đó chỉ là do bản thân tự đặt ra và sống theo một mô típ ấy, nên tạo thành thói quen. Mà, thói quen thì tạo tính cách, tính cách tạo số phận. Muốn có một số phận khác thì phải thay đổi tính cách và xuất phải điểm là phải thay đổi thói quen.
Bản thân tôi trước đây cũng là một người tự ti, không dám nói. Nhưng có một điểm giúp tôi thay đổi là khát khao lớn. Khi có khát khao lớn thì mình sẽ vượt qua.
Theo bà, giá trị của kỹ năng giao tiếp quan trọng như thế nào?
Tôi từng nói với SV, trong đó có SV Huế là “bản thân mình có giá trị như thế nào, cuộc đời sẽ trả cho bạn như thế ấy”. Không ai biết giá trị của mình thì làm sao lan tỏa được. Mình biết nhưng không nói ra thì cũng không ai biết.
Kỹ năng giỏi là không thể thiếu, nhưng quan trọng vẫn là khả năng ứng xử để tạo ra mối quan hệ thân tình đoàn kết trong môi trường làm việc: kỹ năng làm việc nhóm. Thế giới phẳng cần sự hợp tác chặt chẽ để phát huy tối ưu nhất hiệu quả làm việc. Khi làm việc hòa hợp với nhau thì họ mới thể hiện được năng lực để phát huy sức mạnh tập thể. Bởi vì năng lực của một người rất ít nhưng khi phát huy năng lực của cả tập thể mới làm nên được câu chuyện, một công việc lớn. Thế mới thấy, sự mạnh dạn và kỹ năng giao tiếp rất quan trọng.
ĐH Huế đang nỗ lực để trở thành ĐH Quốc gia, bà có cho rằng giáo dục kỹ năng cho SV thực sự quan trọng?
Ngoài những ưu điểm mà SV Huế có được từ nền tảng giáo dục gia đình, theo tôi để phát triển xứng tầm được, các bạn phải tìm đến những kiến thức thời đại, không thể chỉ học từ giáo án, chương trình đào tạo của nhà trường. Phải tự tìm học những kiến thức mới để đáp ứng nhu cầu công việc của xã hội. Nhà trường cần quan tâm giáo dục kỹ năng, khai phá năng lực tiềm ẩn con người. Giáo dục kỹ năng thực sự quan trọng.
Bây giờ muốn sánh ngang tầm khu vực trong khi suy nghĩ vẫn còn cho rằng, người Việt Nam chỉ có thế, năng lực mình chỉ có giới hạn thì không thể được. Làm sao để có niềm tin lớn, có ước mơ để tin vào điều đó thì các bạn phải học.
Bà có thể gợi ý vài phương pháp để tăng cường kỹ năng sống cho SV?
Các trường cần gấp rút tìm phương pháp để đưa môn học khoa học về giao tiếp vào trường học ngay từ những năm đầu tiên. Môn kỹ năng giao tiếp là môn cần thiết nhất nên đưa vào chính khóa, phải tạo môi trường để SV mạnh dạn giao tiếp, phát biểu, thể hiện bản thân. Bên cạnh đó, cũng cần duy trì và phát triển tốt các hoạt động đội, nhóm.
Đó là giải pháp từ nhà trường, còn với SV, nếu ru rú ở nhà thì khó có thể mạnh dạn được, phải tham gia các đội nhóm, kết nối với trường thầy cô bạn bè thật nhiều, đưa mình vào trong tập thể, nhóm học tập để các bạn được nói nhiều.
Căn bản trong cuộc đời, đặc biệt với giới trẻ cần thấy 3 điều rất quý để học là thầy, sách, bạn. Bản thân tôi cũng áp dụng điều này, học từ thầy, từ bạn bè và từ sách. Cố gắng đọc sách nhiều. Khi đọc sách sẽ thấy chân trời mới là kiến thức mà cuộc đời của những người thành công cho thấy kinh nghiệm chỉ cất trong cuốn sách. Nếu có thể đọc sách, đọc đi đọc lại và có thể áp dụng một số điều hay trong cuốn sách ấy thì từ từ rút ra những bài học kinh nghiệm.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
HỮU PHÚC (Thực hiện)