ClockThứ Hai, 11/09/2017 05:51

Nghiên cứu khoa học ở Đại học Huế: Luẩn quẩn "chung" - "riêng"

TTH - Trong khi các trường thành viên, khoa trực thuộc Đại học (ĐH) Huế thiếu cơ sở vật chất (CSVC) phục vụ nghiên cứu khoa học (NCKH) thì cũng có không ít máy móc tại các đơn vị này bị “đắp chiếu”, ít sử dụng. Tìm cơ chế sử dụng chung CSVC hiệu quả trong ĐH Huế là chuyện các trường đều biết, nhưng chưa làm được.

Giờ thực hành thí nghiệm của sinh viên Trường ĐH Nông lâm

Vòng luẩn quẩn

Nhắc đến chuyện NCKH những năm qua ít có công trình đạt giải thưởng cao, lãnh đạo các trường thành viên, khoa trực thuộc ĐH Huế lý giải nhiều nguyên nhân, trong đó có thiếu CSVC. PGS. TS. Hà Văn Hành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học chia sẻ, hằng năm nhà trường bỏ ra khoảng 1,2 – 1,5 tỷ đồng mua trang thiết bị, hóa chất phục vụ đào tạo và NCKH nhưng vẫn còn thiếu. NCKH cần máy móc hiện đại, tốn nhiều kinh phí.

Trong khi nhiều trường than thiếu CSVC thì cũng không ít máy móc tại các đơn vị từ khi đầu tư đến nay rất ít sử dụng. PGS. TS. Nguyễn Khắc Hoàn, Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ĐH Huế thừa nhận, thực trạng trên là có thật. Theo ông Hoàn, khi đầu tư, các máy móc đó cần thiết cho hoạt động NCKH ở các đơn vị nhưng do số công trình NCKH lớn còn ít, trong khi các công trình NCKH nhỏ được cấp kinh phí thấp mà chi phí hóa chất lớn nên khó sử dụng thường xuyên.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Văn, Phó Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông lâm nêu ví dụ, tại khoa có máy HPLC được mua khoảng 40.000 USD, đây là loại máy dùng để phân tích sâu các chỉ số về dinh dưỡng, kháng sinh và nhiều chỉ số quan trọng khác. Để sử dụng, cần mua hóa chất đặc chủng tốn kém, không bán lẻ, trong khi một công trình NCKH của sinh viên chỉ được cấp vài triệu đồng, công trình lớn do các nhà nghiên cứu ĐH Huế thực hiện cũng chỉ được cấp vài chục triệu đồng, rất khó để vận hành. Vì thế, người nghiên cứu thường gửi mẫu đi phân tích, chỉ tốn một hoặc vài triệu đồng. “Nếu các trường thành viên phối hợp sử dụng chung máy móc, chia sẻ kinh phí hóa chất thì sẽ hạn chế tình trạng máy móc lâu không dùng”, ông Văn bày tỏ.

Nghịch lý thiếu – thừa CSVC nảy sinh, lãnh đạo các khoa, trường đều nhìn thấy được giải pháp dùng chung CSVC, song việc hiện thực hóa “mô hình lý tưởng” này bị “kết luận” là khó. PGS. TS. Nguyễn Xuân Bả, Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH Nông lâm phân tích, máy móc được đặt ở từng đơn vị, khi sử dụng chung, cái khó nhất là tâm lý của cả đơn vị quản lý máy móc và người sử dụng, phải trải qua các thủ tục hành chính, chia sẻ kinh phí dùng chung và có nhiều bất tiện. “Máy móc hiện đại có ít kỹ thuật viên được đào tạo vận hành. Trong khi nhiều nghiên cứu phải thực hiện ngoài giờ hành chính, không theo kế hoạch đặt ra trước đó sẽ gây khó cho đơn vị quản lý máy móc. Giữa các khoa trong trường đã khó, giữa các trường sẽ càng khó hơn”, ông Bả trăn trở.

Thực ra, vấn đề dùng chung CSVC NCKH được tính đến từ nhiều năm trước, nhưng chưa thực hiện. Trong hai phương án là gộp chung CSVC quy về một mối hoặc vẫn để máy móc ở các trường, sau đó đơn vị bạn đến đăng ký sử dụng thì phương án đầu tiên không khả thi do phải tốn kinh phí xây dựng trung tâm. Ở phương án hai, lý do chưa thực hiện là do chưa có cơ chế rõ ràng, các đơn vị lo ngại về vấn đề lợi ích các bên. PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, ĐH Huế chia sẻ, ngay cả viện cũng chưa phát huy được tính dùng chung. Tâm lý các trường ngại đến đơn vị khác tiến hành NCKH, muốn chọn giải pháp tận dụng phòng thực hành thí nghiệm mình đang có (dù không đầy đủ máy móc) để thực hiện. Rõ ràng, hoạt động NCKH đang luẩn quẩn thiếu – thừa CSVC, biết giải pháp dùng chung là tốt nhưng vướng tâm lý “của chung, của riêng” nên quay về tận dụng cái sẵn có và lại khó khi thiếu CSVC.

PGS. TS. Nguyễn Đình Luyện, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nói thêm, thiếu CSVC là một lý do khiến người nghiên cứu, nhất là sinh viên ngại chọn đề tài mang tính thực nghiệm, trong khi đây là những đề tài thường được chấm giải cao. Do vậy, tỷ lệ các công trình NCKH đạt giải cao còn thấp.

Hoạt động NCKH trong sinh viên ĐH Huế phải "liệu cơm, gắp mắm" với máy móc đang có

Sẽ sớm có cơ chế dùng chung

PGS. TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế thừa nhận, đã đến lúc ĐH Huế phải "quyết liệt" trong vấn đề này. Lâu nay, ĐH Huế chưa có cơ chế sử dụng chung CSVC, dẫn đến sự phối hợp dùng chung CSVC giữa các trường thành viên gặp khó. Hiện, ĐH Huế đang giao các ban liên quan xây dựng cơ chế dùng chung, có tính đến phương án hỗ trợ hợp lý cho các đơn vị quản lý CSVC. Để giải quyết vấn đề tâm lý dùng chung, ngoài rà soát, có phương án hợp lý với những máy sẵn có, những máy mua mới sẽ chỉ giao cho các đơn vị sử dụng và quản lý còn sở hữu tài sản vẫn là chung của ĐH Huế để các trường thành viên tiện lợi trong sử dụng. Quá trình trang bị đến đâu sẽ đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên đến đó. Đội ngũ này thuộc biên chế các trường nhưng phục vụ hoạt động NCKH chung cho cả ĐH Huế.

PGS. TS. Nguyễn Khắc Hoàn cho biết, quá trình xây dựng cơ chế dùng chung phải mất 1 năm, bởi giải pháp này liên quan đến nhiều đơn vị thành viên và để hiệu quả rất cần tinh thần dân chủ. Khi hoàn thành, ĐH Huế sẽ gửi về các trường góp ý, sau đó điều chỉnh, họp bàn đi đến thống nhất. Trong phương án dùng chung, bộ phận chuyên trách sẽ rà soát rất kỹ số lượng, tình trạng sử dụng máy móc của các đơn vị sau để công bố rõ ràng nhằm tiện lợi cho quá trình sử dụng.

Khi có cơ chế rõ ràng, theo các nhà nghiên cứu, phải tăng cường tìm các doanh nghiệp đặt hàng NCKH và phải thực hiện các công trình NCKH lớn, nhằm có thêm nguồn kinh phí thường xuyên vận hành các máy móc NCKH, tận dụng triệt để nguồn máy móc có được.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, song song với việc tạo ra cơ chế dùng chung thì điều quan trọng là các khoa, trường phải xác định lại vấn đề tư tưởng. Giải pháp chỉ thực sự hiệu quả khi các trường hướng đến cái chung, có sự phối hợp chặt chẽ. Ngay từ đầu các trường đều khẳng định mô hình dùng chung là lý tưởng thì cũng phải thay đổi tâm lý “chung - riêng” để tạo ra lợi ích chung cho các bên.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”
Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Return to top