ClockThứ Bảy, 12/09/2020 06:45

Nhận diện chất lượng giáo dục đại trà qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

TTH - Nhìn vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020, có thể nhận diện căn bản giáo dục đại trà thông qua chất lượng “đầu ra” của học sinh.

Dự kiến giảm độ khó, độ phân hóa thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Học sinh tham gia kỳ thi THPT năm 2020

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, vị trí thi tốt nghiệp THPT của các thí sinh ở khu vực “top đầu” không thay đổi nhiều so với những năm trước. Những trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% vẫn là 4 trường trong thành phố: THPT chuyên Quốc Học, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ và khối chuyên ĐHKH Huế. Kế tiếp là các trường có tỷ lệ đạt trên 99% gồm: THPT Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Chí Thanh, Hương Thủy, phổ thông Dân tộc nội trú, THPT Trần Văn Kỷ, Cao Thắng, Tố Hữu…

Mặc dù điểm “đầu vào” của Trường THPT Cao Thắng không cao so với các trường THPT trong TP. Huế song “đầu ra” của nhà trường cho thấy phương pháp giảng dạy của nhà trường đúng hướng. Thầy giáo Ngô Dắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng “bật mí” bí quyết: Ngay từ đầu năm, nhà trường đã đổi mới trong ôn tập cho học sinh lớp 12, tăng cường kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh. Học sinh lớp 12 đều phải trải qua nhiều kỳ thi thử. Qua đó, học sinh quen thuộc với phương pháp và cách thức làm bài thi tốt nghiệp THPT, các em có thể vững tin sẽ làm bài thi thật tốt.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 là kỳ thi đầu tiên được thực hiện sau khi Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung có hiệu lực. Kỳ thi vẫn giữ 3 mục tiêu chính như đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình THPT, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và để làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Do tình hình dịch COVID-19, nội dung chương trình được giảm tải nên điểm trung bình các môn thi đã tăng mạnh so với những năm trước, kể cả so với năm 2017 là năm đề thi được đánh giá dễ nhất vì nội dung đề thi chỉ nằm trong chương trình lớp 12.

Nếu như năm 2019, toàn tỉnh có 90% học sinh đỗ tốt nghiệp thì năm học 2020 tỷ lệ này nâng lên 96,21%. Thừa Thiên Huế xếp phổ điểm đứng thứ 30/63 tỉnh, thành. Tỷ lệ phổ điểm trung bình chung các môn đều tăng hơn 1 điểm (tính thang điểm 10) so với năm 2019. Trong đó, giáo dục công dân (7,80); hóa học (6,98); vật lý (6,92); toán (6,71); ngữ văn (6,62); địa (6,55); sinh học (5,54); sử (4,94) và Anh văn (4,43).

Phổ điểm tăng song hai môn học là ngoại ngữ và lịch sử vẫn chưa tương xứng với vùng đất văn hóa - lịch sử, giàu truyền thống hiếu học như ở Huế. Tại hội nghị tổng kết năm học 2019 – 2020,  các trường phân tích, có nhiều lý do khiến điểm Anh văn thấp hơn các môn khác. Thứ nhất, nếu không chọn tổ hợp xét tuyển đại học có tiếng Anh như D01, A01, A07 học sinh không quá quan tâm đến môn học này. Hơn nữa, điểm môn tiếng Anh thường phân hóa rất rõ rệt theo vùng miền. Ở thành phố, điều kiện về kinh tế, cơ sở vật chất, các trung tâm nhiều hơn, giáo viên chất lượng tập trung ở thành thị đông hơn cũng góp phần nâng cao mặt bằng điểm tiếng Anh. Ngược lại, ở vùng nông thôn, nhiều thí sinh chưa quan tâm đến tiếng Anh và chỉ học để mong thoát điểm liệt, đủ điểm tốt nghiệp.

Theo cô giáo Cô Nguyễn Thị Hải Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Kỷ (Phong Điền), các em vẫn còn chủ quan khi xét học bạ, nên nhiều em không phát huy hết năng lực trong kỳ thi. Đa số, các em chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên đến gần sát ngày thi mới chuyển sang chọn các bài thi tổ hợp xã hội nên các môn xã hội có điểm thi không cao.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn chưa phản ánh đúng vị thế của một vùng đất học. Chất lượng giáo dục giữa khu vực miền núi và miền xuôi vẫn còn khoảng cách. Ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường thuộc huyện miền núi tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT thấp, cụ thể: THPT A Lưới đỗ 73,68%, Hương Lâm (60,82%), Hồng Vân (79%), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên A Lưới (61,90%), Nam Đông (75%). Hơn nữa, năm nay có đến 1.200 thí sinh tự do và số này ít có điều kiện ôn tập nên nhiều em vẫn trượt tốt nghiệp. Một số trường chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng học lệch, học tủ. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy và học chưa nhiều, chưa đồng bộ giữa các nhà trường. Một bộ phận phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập, rèn luyện của con em.

Kỳ thi THPT chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để đánh giá chất lượng giáo dục đại trà của một địa phương. Bởi thực tế, phải xét ở nhiều góc độ khác như, công tác phổ cập giáo dục, ý thức học tập, rèn luyện của học sinh, việc triển khai đổi mới phương pháp giáo dục và các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học...

Năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phấn đấu nâng bậc trong bảng xếp hạng toàn quốc. Để đạt mục tiêu này, việc phân luồng được thực hiện ngay từ đầu năm gắn với bố trí tổ chức phụ đạo, tăng tiết, xây dựng ngân hàng đề, tổ hợp đề sát với năng lực học sinh.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non
Học bằng... trải nghiệm

Nhiều năm nay, Trường mầm non Vĩnh Ninh là một điểm sáng giáo dục của thành phố Huế, với các hoạt động trải nghiệm được nhà trường đặc biệt coi trọng.

Học bằng  trải nghiệm

TIN MỚI

Return to top