ClockThứ Hai, 07/05/2018 06:15
THI TUYỂN VÀO LỚP 10:

Nhiều cơ hội nhưng phải biết lựa chọn phù hợp

TTH - Thông tin hàng ngàn học sinh thi vào lớp 10 không đủ trường để học gây hoang mang và tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh. Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, thông tin trên chưa chính xác khi hệ thống trường nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn đang rộng cửa.

Thi vào lớp 10: Đừng gây áp lực cho conĐua thi lớp 10 bằng bài thi tổ hợp, thí sinh học bở hơi tai

Giờ học ở Trường THPT Cao Thắng (TP. Huế)

Tăng khoảng 800 học sinh thi vào lớp 10

Số lượng học sinh tăng do hệ quả của “năm sinh vàng” (năm Quý Mùi - dê vàng). Nhiều trường trung học phổ thông (THPT) có tỷ lệ chọi tăng, nên mức độ cạnh tranh để có suất vào học trường công lập được dự đoán khá “nóng”. Toàn tỉnh có trên 16.140 học sinh (tăng khoảng 800 em so với năm trước) đang chuẩn bị thi vào lớp 10. Trong khi, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập năm nay là  gần 14.000 học sinh, nghĩa là, trên 2.100 em phải lựa chọn giữa các phương án học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề hoặc các trường ngoài công lập (nộp học phí cao).

Ngoài Trường THPT chuyên Quốc Học tuyển sinh theo hình thức thi tuyển với chỉ tiêu 420 em để xây dựng nguồn giáo dục chất lượng cao, Trường Dân tộc nội trú thi và xét tuyển để chọn 100 học sinh là người dân tộc thiểu số (trong đó, không quá 5% là học sinh dân tộc Kinh có thời gian lưu trú tại miền núi trên 3 năm) thì những trường có số hồ sơ đăng ký dự tuyển đạt trên 120% so với chỉ tiêu mới tổ chức thi. Năm học 2018 -2019, ngoài các trường thi tuyển hàng năm, như các Trường THPT Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trường Tộ, Cao Thắng (Huế), Thuận An (Phú Vang), Phú Bài (TX. Hương Thủy) thì năm nay có thêm các trường THPT: Gia Hội (TP. Huế), Phan Đăng Lưu (Phú Vang), An Lương Đông (Phú Lộc). Hầu hết, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trên địa bàn TP.  Huế đều tăng (khoảng 230 em) nhưng cuộc đua vào lớp 10 công lập không vì thế mà hạ nhiệt.

Cẩn trọng

Hai trường THPT Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ lấy nguyện vọng 1 theo kết quả thi từ cao xuống đến hết chỉ tiêu (616 học sinh/trường). Trường Nguyễn Trường Tộ tuyển 260 em theo nguyện vọng 1 (70% chỉ tiêu), số còn lại tuyển theo nguyện vọng 2. Đây cũng là phương thức tuyển chung của các trường còn lại. Sau khi đăng ký nguyện vọng vòng  2, phụ huynh, học sinh bắt đầu tính toán để có sự điều chỉnh phù hợp với năng lực của thí sinh. Chị Lê Thị Hương, có con đang học lớp 9 Trường THCS Chu Văn An chia sẻ: Tôi căn cứ vào 3 yếu tố để chọn trường cho con, kết quả học tập của con ở lớp 9, điểm chuẩn vào lớp 10 của trường THPT trong 3 năm gần nhất và trường không quá xa để không thấy quá bất tiện và vất vả khi đi học”.

Một số học sinh đã thay đổi nguyện vọng 1, chủ yếu tập trung từ các trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Cao Thắng sang Thuận Hóa, Bùi Thị Xuân, Đặng Trần Côn… Đây cũng là sự điều chỉnh khá hợp lý phù hợp với năng lực, tránh tình trạng trường thừa học sinh, trường không đủ chỉ tiêu xét tuyển. Em Nguyễn Ngọc Khang, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, cho biết: Em đăng ký nguyện vọng 1 là Trường THPT Nguyễn Trường Tộ nhưng thấy chưa yên tâm khi chỉ tiêu của trường năm nay giảm, tỷ lệ học sinh đăng ký lại đông nên chuyển sang Trường THPT Cao Thắng”.

Thông thường, điểm chuẩn nguyện vọng 2 của tất cả các trường sẽ xấp xỉ điểm chuẩn của hai trường Hai Bà Trưng và Nguyễn Huệ và cao hơn điểm chuẩn vào trường ở nguyện vọng 1 khá nhiều. Thế nên, nếu không có sự tính toán cẩn thận trong lựa chọn nguyện vọng sẽ xảy ra tình trạng em có điểm cao hơn điểm chuẩn vào các trường top 2 nhưng vẫn sẽ không trúng tuyển. Theo dự đoán của các nhà quản lý, một số trường hiện có số lượng học sinh đăng ký không đủ chỉ tiêu trên địa bàn TP. Huế sẽ không phải lo lắng. Bởi lẽ, gần 1.000 học sinh không trúng tuyển ở hai trường THPT Hai Bà Trưng và Nguyễn Huệ có khả năng sẽ chọn nguyện vọng 2 ở các trường này.

Thầy giáo Ngô Đắc Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Thắng cho biết: “Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 484 em, nhưng có đến trên 800 hồ sơ đăng ký. Năm trước, nguyện vọng 2 chênh lệch với nguyện vọng 1 là 15 điểm nên giờ các em khá thận trọng. Dự báo, có khoảng 300 em đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 và tỷ lệ chọi của trường khoảng 2,5 em”.

Nếu không đỗ vào lớp 10 công lập, các em còn có rất nhiều lựa chọn khác, có thể theo học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên, học nghề. Thực tế, có nhiều học sinh học văn hóa chưa tốt nhưng khi chuyển qua học nghề khá tốt. Nếu nhận ra điều này sớm, phụ huynh đăng ký cho con em mình học nghề ngay khi tốt nghiệp THCS sẽ hiệu quả hơn.

Phụ huynh cũng gần gạt bỏ tâm lý coi trọng bằng cấp để giảm áp lực học tập cho con em mình. Có như vậy, tuyển sinh lớp 10 sẽ không còn áp lực nếu chọn đúng hướng.

Thầy giáo Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường trung cấp công nghệ số 10 Huế cho biết: Nếu chọn học trung cấp nghề sau THCS, ngoài bằng trung cấp chứng thực về tay nghề, học sinh  còn được chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Hơn nữa, bằng trung cấp nghề còn có giá trị hiện hành trên phạm vi cả nước và đem lại những cơ hội nghề nghiệp không hề kém so với các bậc học khác.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Return to top