Dãy phòng học của Trường phổ thông (PT) Huế Star bị VietinBank niêm phong
Đến thời điểm này có 24 phòng học của Trường PT Huế Star bị niêm phong từ ngày 14/7. Việc dạy và học của thầy cô, học sinh tại đây chỉ được sử dụng 22 phòng học còn lại. Ông Mỹ cho rằng, việc niêm phong một số phòng học và việc niêm phong trường học là hai chuyện khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, để nắm rõ hơn tình hình hiện nay, Sở GD&ĐT đã yêu cầu trường gửi công văn báo cáo cụ thể. Theo ông Mỹ, qua trao đổi thông tin ban đầu với ban giám hiệu Trường PT Huế Star, số phòng còn lại không bị niêm phong vẫn đảm bảo duy trì việc dạy và học trước thềm năm học mới.
Quan điểm của sở phải đảm bảo quyền lợi của các em học sinh đang theo học tại trường. Vì thế phụ huynh không có gì phải băn khoăn, lo lắng. “Trường được UBND tỉnh có quyết định cho phép thành lập từ năm 2008. Muốn giải thể trường không phải đơn giản mà phải có lộ trình, đề án trình lên sở, sở trình lên UBND tỉnh. Vì thế, niêm phong phòng học sẽ không ảnh hưởng đến việc dạy và học của trường nên phụ huynh và các em học sinh cứ yên tâm”, ông Mỹ khẳng định.
Trong khi đó, ông Vệ Văn Lẫm, Hiệu trưởng Trường PT Huế Star nói rằng, năm học mới 2017-2018 vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Ông Lẫm cho biết, nếu trường tạm ngưng hoạt động vào đầu năm học 2018-2019 thì nhà trường sẽ hỗ trợ về hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục, giấy tờ liên quan để học sinh thuận tiện trong chuyển trường. “Đối với khối 12, chúng tôi cam kết đảm bảo chất lượng chương trình học cho các em đến hết ngày 24-6, khi các em bước vào kỳ thi THPT quốc gia rồi mới tính chuyện nghỉ”, ông Lẫm thông tin. Toàn Trường PT Huế Star hiện chỉ còn 80 học sinh thuộc 2 cấp học từ lớp 6 đến 12. Biên chế giáo viên của trường cũng chỉ có 10 thầy cô giáo, còn lại là giáo viên hợp đồng.
Theo thông tin của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến việc VietinBank chi nhánh Nam Thừa Thiên Huế niêm phong 24 phòng học của Trường PT Huế Star là do HĐQT nhà trường nợ ngân hàng này một khoản tiền khá lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng bao gồm gốc lẫn lãi. Tuy nhiên, ngân hàng này không tiết lộ số tiền chính xác là bao nhiêu và cho biết không phải con số 60 tỷ đồng như một số báo đưa tin.
Chiều 28/7, chúng tôi đã liên lạc với ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nam Thừa Thiên Huế để nắm rõ hơn về sự việc. Thế nhưng ông Nam từ chối với lý do theo quy chế ngân hàng công thương, ông không có thẩm quyền phát ngôn và mong thông cảm!?.
Tuyển sinh gặp nhiều khó khăn
Theo ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, việc niêm phong phòng học sẽ không ảnh hưởng đến việc dạy và học của trường nên phụ huynh, học sinh cứ yên tâm
Hệ thống giáo dục Huế Star có hệ thống bao gồm trường tiểu học, THCS và THPT do ông Nguyễn Xuân Lý làm Chủ tịch HĐQT và hoạt động từ năm 2008 theo quyết định cho phép thành lập của UBND tỉnh. Đến tháng 2/2014, chức vụ Hội đồng quản trị (HĐQT) được ông Lý bàn giao cho ông Bùi Đức Long (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng và phát triển nhà Vicoland). Tháng 7/2016, Hệ thống giáo dục Huế Star một lần nữa được “sang tên đổi chủ” cho ông Nguyễn Tuấn Biên (Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng quản lý nhà An Trung Phát có trụ sở ở Đà Nẵng) làm Chủ tịch HĐQT.
Theo ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT, từ ngày thành lập, trường tuyển sinh mảng trung học gặp khó khăn, quy mô giảm dần, giảm nhanh. Cụ thể, năm học 2014-2015 chỉ tuyển được 28/160 chỉ tiêu, năm học 2015-2016 tuyển được 25/60 chỉ tiêu. Nguyên nhân chính dẫn đến điều đó do trường thuộc trường ngoài công lập lại ra đời sau nên đứng bên cạnh hệ thống trường công lập khá mạnh, tuyển sinh có sự phân tầng tự nhiên, học sinh khá giỏi thích vào hệ thống trường công, dẫn đến trường ngoài công lập tuyển sinh đầu vào có chất lượng không được tốt, từ đó trường không tạo nên dấu ấn, thương hiệu…
|
Bài, ảnh: Phan Thành