ClockThứ Ba, 08/11/2022 06:30

Ở đâu có học sinh, ở đó có chỗ học

TTH - Đó là khẳng định và cũng là mong muốn của ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi làm việc với lãnh đạo tỉnh về sắp xếp, quy hoạch cơ sở giáo dục Thừa Thiên Huế.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tăng lương là giải pháp cấp bách

Hoạt động ngoài giờ của học sinh

Trường học xuống tận xã

Dấu hiệu khởi sắc của giáo dục tiểu học Thừa Thiên Huế khi toàn tỉnh đạt tỷ lệ bình quân 1,48 trường/xã và vượt 0,03 trường/xã so với chỉ tiêu quy hoạch giai đoạn 2015 – 2020. TP. Huế có 195 trường tiểu học/145 phường, là đơn vị có nhiều trường tiểu học nhất. Nhưng thị xã Hương Trà mới là địa phương có tỷ lệ cao nhất với 26 trường/15 phường, xã. Huyện A Lưới tỷ lệ đạt thấp nhất với 17 trường/18 xã, thị trấn. Mạng lưới trường tiểu học ở Thừa Thiên Huế được mở rộng xuống tận xã, đảm bảo thuận lợi cho người dân đưa trẻ đến trường và tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh trong độ tuổi.

Các trường tiểu học thời gian qua cũng đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn nhằm tăng quy mô trường lớp, đồng thời đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Tại A Lưới, đơn vị duy nhất trong tỉnh chưa đạt mức bình quân mỗi xã có một trường học, ông Hồ Văn Khởi, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, mạng lưới trường, lớp toàn huyện từng bước được sắp xếp, sáp nhập, thu gọn đầu mối. Năm học 2021 - 2022, huyện tiến hành sáp nhập 2 trường tiểu học là Vừ A Dính và Kim Đồng thành Trường tiểu học Kim Đồng.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, từ năm 2015 đến nay, Thừa Thiên Huế tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục tiểu học. Hiện, toàn tỉnh giảm 21 trường và 43 cơ sở lẻ so với năm 2015. Việc sáp nhập 22 trường tiểu học công lập đưa tổng số trường tiểu học trong tỉnh giảm từ 215 trường (năm 2015) xuống còn 193 trường và 43 cơ sở lẻ, có cơ sở vật chất không đảm bảo bị xóa. Ngoài các trường tiểu học, trên địa bàn tỉnh còn có 20 trường liên cấp tiểu học & trung học cơ sở, tăng 7 trường so với năm 2015 và 1 trường liên cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông song ngữ Anh Quốc.

Giai đoạn 2015 - 2020, số phòng học các trường tiểu học trong toàn tỉnh tăng 1.302 phòng học. Số phòng học phục vụ học tập cũng được quan tâm đầu tư thay thế 38 phòng học bán kiên cố, không đảm bảo diện tích và 12 phòng xuống cấp. Năm học 2020 - 2021, các trường tiểu học công lập có 3.295 phòng, trong đó có 83,25% là phòng học kiên cố. Diện tích tất cả các phòng học đều đạt trên 40 mét vuông. Từ năm học 2020 - 2021, tỉnh đầu tư trang, thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường công lập có cấp tiểu học trên toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh

Tuy đạt được chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn đến 19 trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp. Cùng với tồn tại nhiều điểm trường lẻ, trường học có quy mô nhỏ làm hạn chế việc học sinh tiếp cận sử dụng thiết bị dạy học và gây khó khăn cho việc quản lý, đầu tư cơ sở vật chất dạy học. UBND tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục đào tạo. Thế nhưng, đến nay bậc học tiểu học mới chỉ có 2 trường tiểu học ngoài công lập.

Tháng 3/2022, tại hội thảo "Xây dựng Đề án phát triển giáo dục và đào tạo thành phố Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật khẳng định, thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/3/2012 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế, quy mô mạng lưới trường lớp từng bước hoàn thiện, hoàn chỉnh, hiện đại khá đồng bộ; chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học ngày càng nâng cao. 

Thực hiện Kế hoạch số 69-KH/TU ngày 24/4/2018 của Tỉnh ủy, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế tiếp tục rà soát, sắp xếp lại trường lớp theo hướng tinh gọn, hiệu quả trên tinh thần có sự đồng thuận của người dân, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận tốt nhất về cơ sở vật chất, học sinh được sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ và giúp đỡ nhiều hơn của giáo viên và các tổ chức xã hội. Tháng 10/2022, UBND tỉnh có dự thảo đề án về phát triển giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự báo dân số Thừa Thiên Huế độ tuổi 6 - 10 tuổi (tiểu học) cho thấy, năm 2021 có 106.044 người, đến năm 2025 giảm còn 95.306 người, năm 2030 giảm còn 74.204 người và chỉ tăng trở lại vào năm 2045, tăng lên 110.143 người. Do thế, số trường tiểu học ở Thừa Thiên Huế trước mắt sẽ giảm. Cụ thể, đến năm học 2030 - 2031 còn 184 trường tiểu học. Để giảm bớt các điểm lẻ, nhất là các điểm có diện tích không đạt chuẩn, tiến tới tất cả các trường tiểu học có diện tích đảm bảo theo quy định trường đạt chuẩn quốc gia, trường học 2 buổi/ngày, dự ước nhu cầu diện tích đất dành cho cấp tiểu học đến năm 2025 là 38.983m2 và đến năm 2030 là 187.490m2. 

Tháng 7/2022, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá cao kết quả thực hiện sắp xếp, quy hoạch cơ sở giáo dục của tỉnh Thừa Thiên Huế, khi vừa đạt được mục tiêu chung nhưng cũng tính đến đặc điểm riêng của từng khu vực. Bộ trưởng lưu ý, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này cần tính đến sự hài hòa, bởi trên thực tế vẫn còn có nơi sắp xếp máy móc, có sự thu gọn để lấy số lượng. Tinh thần là “ở đâu có học sinh ở đó có chỗ học, có các thầy cô”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Ngày 23/12, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn công tác y tế trường học, Bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh năm học 2024-2025.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh
Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

TIN MỚI

Return to top