ClockThứ Bảy, 12/02/2022 16:26

Open Day - cách tuyển sinh được học sinh đón nhận

TTH - Sau tết, học sinh đi học trở lại, các trường đại học (ĐH) cũng khởi động chương trình tuyển sinh - hướng nghiệp. Song, làm thế nào để phù hợp thực tiễn và tạo được hiệu quả hai chiều là vấn đề cần xem xét kỹ.

“Phú Xuân Open Day - Một ngày trải nghiệm”Gần 100 học viên tham gia chương trình “HueCIT Open Day 2015”120 học viên tham gia ngày hội OPEN DAY HUECIT

Học sinh lớp 12 các trường THPT trải nghiệm tại Trường ĐH Khoa học

Lựa chọn cách làm phù hợp

Mới đây, hàng loạt trường ĐH tại Huế nói riêng, toàn quốc nói chung công bố các phương án tuyển sinh. Các đơn vị cũng chuẩn bị nhiều giải pháp, cách thức quảng bá tuyển sinh và một lần nữa, câu chuyện về cách làm lại đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.

Một trong những cách làm lâu nay thường bị các trường và học sinh trung học phổ thông (THPT) đánh giá thiếu hiệu quả là việc chuyển phát tờ rơi quảng bá tuyển sinh đến thí sinh. Em N.P.A, học sinh lớp 12 một trường THPT trên địa bàn TP. Huế kể: “Từ khi em học lớp 11, đã thấy các trường ĐH đến phát tờ rơi giới thiệu ngành nghề quảng bá tuyển sinh. Thực sự, nhiều anh chị khóa trước, bạn bè ít quan tâm những thông tin ở tờ rơi, có khi sau chương trình còn vứt bỏ tạo thành những đống “rác tờ rơi”, vừa lãng phí, vừa phản cảm”.

Dưới góc độ nhiều năm làm quản lý, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Huế), thầy giáo Nguyễn Hướng cũng cho rằng, lối tiếp cận, quảng bá thụ động, một chiều như hoạt động cử giảng viên đến tiếp cận, trao đổi với học sinh trong một khoảng thời gian ngắn hay phát tờ rơi giới thiệu kém hiệu quả, chưa thu hút và định hướng nghề nghiệp tốt để học sinh lựa chọn. Ngược lại, rất cần những cách làm mang tính hai chiều, để học sinh trải nghiệm.

Học sinh THPT trải nghiệm công việc của người phóng viên tại Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học

Theo lãnh đạo nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh, vài năm trở lại, một số đơn vị tổ chức thêm sự kiện Open Day. Khác với cách làm trước đây, các ngày hội Open Day đem lại trải nghiệm thực tế và định hướng nghề nghiệp trực quan cho các học sinh THPT (chủ yếu lớp 11 và 12) bằng cách cho các em tham quan, trải nghiệm tại trường ĐH về cơ sở vật chất, phương pháp đào tạo, thực hành, tham gia các trò chơi trí tuệ, hướng dẫn thực tế nghiên cứu khoa học tại các khoa chuyên môn. Qua trải nghiệm tham quan, tham gia thử làm sinh viên để học tập, nghiên cứu, học sinh có một cái nhìn đúng đắn nhất về định hướng nghề nghiệp, dễ dàng lựa chọn ngành học, trường học hơn.

Thầy giáo Nguyễn Hướng nhận định, chính từ những trải nghiệm thực tế, tương tác hai chiều mới tác động đến lựa chọn của thí sinh và đủ thời gian để các em suy nghĩ, quyết định chọn ngành nghề hơn là cách cán bộ trường ĐH tranh thủ thời gian ngắn ngủi trong các giờ chào cờ của trường THPT để giới thiệu tư vấn, quảng bá tuyển sinh.

Tại hoạt động khởi động chuỗi sự kiện hướng nghiệp năm 2022 dành cho học sinh THPT của Trường ĐH Phú Xuân, thầy giáo Lê Triều Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội cũng cho rằng, sự đồng hành, phối hợp giữa trường ĐH và trường THPT, cùng các chương trình có sự tư vấn, tương tác giữa các bên với sự tham gia của học sinh sẽ tạo được hiệu quả trong tuyển sinh và hướng nghiệp với học sinh THPT.

Chuẩn bị chu đáo

Nhìn lại năm 2021, mặc dù là năm trải qua nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng khi các trường ĐH công lập, như Trường ĐH Khoa học, Trường ĐH Sư phạm… hay các trường ĐH tư thục như Trường ĐH Phú Xuân tổ chức các ngày hội Open Day để học sinh THPT trải nghiệm, ngoài tạo ra sự thích thú cho học sinh, tính hiệu quả tuyển sinh cũng ít nhiều thấy rõ.

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho biết, năm 2021, nhà trường tuyển được 1.155 sinh viên, cao hơn nhiều so với hai năm trước đó (2020, 2019) lần lượt là 749 và 634 sinh viên. Ngoài sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân, có cả khách quan lẫn chủ quan, thì sự thay đổi về cách làm, hướng đến những sự kiện Open Day góp phần mang lại hiệu quả.

Bối cảnh dịch COVID-19 đòi hỏi những thay đổi giải pháp tuyển sinh phải thích ứng. Trong năm 2021, khi dịch bệnh đòi hỏi sự hạn chế đông người, nhiều đơn vị đã thiết kế quy mô chương trình phù hợp bằng cách tạo sự kiện trải nghiệm cho học sinh từng trường THPT, chia nhỏ từng nhóm học sinh trải nghiệm tại từng khoa chuyên môn nhưng vẫn mang lại hiệu quả.

Cách làm trên có thể áp dụng cho năm 2022, khi dịch COVID-19 chưa chấm dứt và các ngành, các lĩnh vực phải tìm giải pháp thích ứng. Tạo ra những trải nghiệm cho học sinh gắn với định hướng nghề nghiệp là cách hay, thiết thực trước lúc học sinh đưa ra quyết định chọn ngành nghề, nhưng cần chú ý đến các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, từ những khâu đưa đón, tổ chức tham quan trải nghiệm, các trò chơi trí tuệ, thực hành thử nghiệm nghiên cứu. Có một sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng sẽ tạo ra được hiệu quả cho các bên, góp phần tạo thành công cho một mùa tuyển sinh.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top