Ông Đoàn Minh Thắng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Ông có thể cho biết về Trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders Huế - Đơn vị ngưng hoạt động gần đây nhất?
Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders tại TP. Huế được thành lập ngày 28/10/2017, hoạt động tại tầng 2, Tòa nhà HCC, số 28 Lý Thường Kiệt, P. Vĩnh Ninh, TP. Huế.
Apax Leaders Huế là một trong những trung tâm đào tạo tiếng Anh cho trẻ em khá nổi bật trên địa bàn. Trung tâm này có nhiều ưu thế về chương trình đào tạo tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2, ứng dụng công nghệ hiện đại, cơ sở vật chất khang trang và đặc biệt là có đội ngũ 100% giáo viên bản ngữ. Do vậy, ngay từ khi thành lập, trung tâm đã thu hút được tương đối đông đảo phụ huynh, học sinh tham gia và yêu thích.
Tuy nhiên, trong giai đoạn trong và sau dịch COVID-19, cũng như các trung tâm tiếng Anh khác, Trung tâm Apax Leaders Huế gặp nhiều khó khăn về nguồn thu, chi phí mặt bằng và vận hành lớn nên đã tạm thời đóng cửa.
Bình thường, Trung tâm Apax Leaders Huế có đủ các bộ phận với khoảng 15-20 người, bao gồm giám đốc trung tâm, quản lý vận hành trung tâm, đội ngũ chủ nhiệm lớp (5-6 người), đội ngũ tư vấn tuyển sinh (5-6 người), nhân viên thu ngân, bảo vệ, tạp vụ, admin, IT… Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn 3 chủ nhiệm lớp và 1 nhân sự vận hành và dịch vụ vùng. Số lượng học viên tham gia học tại trung tâm tương đối ổn định qua các năm với khoảng 400 - 600 học viên. Hiện tại có 431 học viên đang được bảo lưu do trung tâm tạm thời đóng cửa.
Trước tình hình Trung tâm Apax Leaders Huế đóng cửa, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tại địa bàn TP. Huế, nhu cầu cho con học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của phụ huynh là rất lớn. Các trung tâm tiếng Anh chất lượng như Apax Leaders luôn được lãnh đạo địa phương và các cơ quan chức năng quản lý về giáo dục trên địa bàn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi, để góp phần cùng hệ thống giáo dục công lập đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em cũng như nâng cao hiệu quả học tiếng Anh một cách thực chất, góp phần nâng cao hiệu quả Đề án ngoại ngữ tỉnh nhà.
Việc bất cứ một trung tâm ngoại ngữ nào phải đóng cửa hay tạm ngừng hoạt động vì lý do khó khăn về doanh thu do tác động từ đại dịch vừa qua đều rất đáng tiếc. Đặc biệt, các phụ huynh và các em học sinh cũng sẽ gặp không ít khó khăn để tìm kiếm và lựa chọn môi trường học tập tiếng Anh hiệu quả và thực chất.
Thực trạng về hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ ở Huế hiện nay như thế nào, thưa ông?
Sau đại dịch, các trung tâm ngoại ngữ nhanh chóng khắc phục khó khăn để trở lại hoạt động bình thường. Tùy theo mỗi trung tâm, thời gian trở lại hoạt động nhanh hoặc chậm. Từ năm 2021 đến nay có 11 trung tâm xin tạm dừng hoạt động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 55 trung tâm ngoại ngữ, tin học do Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập và quản lý. Trong đó, có 1 trung tâm tin học, 3 trung tâm ngoại ngữ - tin học và 51 trung tâm ngoại ngữ. Các trung tâm đã ổn định và thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ ngày đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng dạy học. Nhìn chung, các trung tâm hiện nay hoạt động tốt, đảm bảo đúng quy định.
Sở GD&ĐT quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ như thế nào, thưa ông?
Ngành giáo dục tích cực phổ biến, hướng dẫn và cung cấp đầy đủ các quy định, quy chế hoạt động của trung tâm ngoại ngữ theo Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ GD&ĐT và văn bản quản lý của UBND tỉnh, của ngành. Đồng thời, tích cực hỗ trợ, tư vấn khi các trung tâm ngoại ngữ gặp khó khăn trong chương trình, tài liệu dạy học, tập huấn cho giáo viên và đảm bảo an toàn cho học viên…
Sở thường xuyên cập nhật và công khai các thông tin về trung tâm ngoại ngữ, tin học trên website của Sở GD&ĐT, giúp người học tìm kiếm và tăng khả năng giám sát của Nhân dân.
Giải pháp sắp đến để siết chặt công tác quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ là gì, thưa ông?
Đẩy mạnh công tác tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý các trung tâm ngoại ngữ, tin học; tiếp tục tổ chức đánh giá, phân loại, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đáp ứng yêu cầu của khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT, ngày 24/1/2014 của Bộ GD&ĐT.
Giáo viên nước ngoài đến dạy tiếng Anh cho học sinh TP. Huế
Khuyến khích các trung tâm xây dựng các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu người học, đa dạng hóa chương trình đào tạo, cập nhật nội dung giảng dạy, biên tập, soạn tài liệu. Khi các trung tâm áp dụng các chương trình vào giảng dạy đều phải có sự đồng ý của Sở GD&ĐT.
Các trung tâm phải có trách nhiệm báo cáo về Sở các hoạt động liên kết đào tạo của đơn vị, bao gồm: công tác chuyên môn, số lượng học viên đầu vào, tài chính, v.v... của mỗi quý, năm học theo các biểu mẫu quy định, khi có thông báo về kiểm tra nắm tình hình, thanh tra định kỳ.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong việc tổ chức hoạt động, liên kết đào tạo, kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo đúng quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học và đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục.
Xin cám ơn ông!
HUẾ THU (thực hiện)