Cô Dương Thị Hồng Tư rèn chữ cho học sinh
Đầu năm học cuối cấp, chữ viết của Đinh Thị Mỹ Nhung không được ai chú ý cho đến khi cô Tư chọn em vào đội tuyển bồi dưỡng để tham gia kỳ thi “Rèn chữ, giữ vở” năm học 2019 - 2020. Đáng ngạc nhiên hơn khi em đã đoạt giải nhì.
Là giáo viên “có nghề” về việc rèn chữ cho học sinh, cô Tư giải thích, phải nhìn kỹ mới thấy được nét sắt trong chữ viết của các em. Có được điều đó rồi, chỉ cần rèn dũa thì nét chữ sẽ rất sắc sảo. Thuận lợi là, hầu hết những học sinh được phát hiện đều rất hăng say rèn luyện. Em Nhung không phải là trường hợp duy nhất, trong năm học qua, cô Tư đã phát hiện và bồi dưỡng cho nhiều học sinh tham gia kỳ thi lần đầu đã đoạt giải cao.
Để có kinh nghiệm đó, cô Tư là người đam mê viết chữ đẹp từ nhỏ; là nhà giáo, cô xem tầm quan trọng của việc luyện chữ chỉ đứng sau nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho học sinh. Tâm hồn của học sinh tiểu học đang còn là những trang giấy trắng, giai đoạn này cũng là lúc các em định hình nét chữ. Viết đúng chính tả, sạch, đẹp, rõ ràng không những giúp người đọc dễ hiểu mà còn có thiện cảm với người viết. Vì vậy, rèn chữ song song với rèn luyện cho các em tính cẩn thận trong sinh hoạt hàng ngày.
Hơn 25 năm đứng lớp, cô Tư khẳng định, việc rèn chữ là không có điểm dừng, chỉ cần bỏ bê tay sẽ trở nên cứng, nét chữ cũng không còn mềm mại. Vì thế, để giữ được nét chữ của mình, cô Tư luôn có quỹ thời gian để tự rèn chữ. Nói về tiện ích của công nghệ thông tin (CNTT), cô khẳng định: “Rèn chữ cũng là rèn cho học sinh óc quan sát và trí tưởng tượng; hầu hết học sinh viết chữ đẹp đều học giỏi, tính tình thì tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì. Vẫn biết rằng, dù CNTT hỗ trợ nhiều trong việc trình bày văn bản, nhưng tầm quan trọng trong công tác rèn chữ cho học sinh tiểu học không bao giờ giảm”.
Khó khăn của giáo viên rèn chữ là không phải phụ huynh nào cũng mặn mà với những giải thưởng về viết chữ đẹp của con. Trong khi đó, việc rèn chữ không phải trong ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình, nhiều phụ huynh không nhẫn nại khi thấy tốc độ tiến bộ của con mình chậm, có người đã trực tiếp xin cho con được dừng bồi dưỡng rèn chữ để tập trung học toán, tiếng Việt. Những lúc như vậy, cô Tư phải phối hợp với giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà để động viên, giải thích cặn kẻ những lợi ích sâu xa của việc rèn chữ đối với con em họ để nhận được sự hợp tác của phụ huynh.
Chị Đặng Thị Hành, phụ huynh em Nguyễn Ngọc Khánh Thy, trải lòng: “Từ ngày được đi bồi dưỡng lớp rèn chữ, cháu chăm chỉ hơn hẳn, có lúc tôi để ý thấy cháu viết xong một trang giấy thì ngồi ngắm nghía và tủm tỉm cười khiến tôi cũng hạnh phúc lây”. Còn cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng cũ của nhà trường thì nói: “Em nào tham gia lớp rèn chữ đều chăm học hơn. Không chỉ vở sạch chữ đẹp mà kết quả học tập cũng tiến bộ rõ rệt”.
Đến nay, không biết bao nhiêu học sinh của Trường TH Vinh Thái được cô Tư rèn chữ. Sự nỗ lực của cô đã lan tỏa toàn trường, vào giờ ra chơi không chỉ học sinh lớp chủ nhiệm mà nhiều học sinh, giáo viên lớp khác cũng đem bút vở đến nhờ cô rèn chữ. Cô Tư cho biết, chữ viết đạt chuẩn phải thực hiện những kỹ thuật chung, nhưng thú vị ở chỗ nét chữ của mỗi người luôn mang ý tưởng, sắc thái riêng.
Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Lê Văn Như nhận xét: “Nét chữ - nết người”, là phương châm sống của con người trong mọi thời điểm. Sự nhiệt tình của cô Dương Thị Hồng Tư, không chỉ giúp nhà trường đạt được giải cao trong các kỳ thi “Rèn chữ, giữ vở” mà còn góp phần nâng cao chất lượng dạy học, cũng như hoàn thiện nhân cách, đạo đức cho học sinh qua việc rèn chữ viết cho các em.
Bài, ảnh: HƯƠNG LAN