Theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới, thời gian đào tạo trình độ đại học là từ 3 - 5 năm, giảm 1 năm so với trước đây. Các chuyên gia cho rằng, để rút ngắn thời gian đào tạo, các trường đại học sẽ phải rà soát lại toàn bộ chương trình, sau đó sắp xếp, hoặc thiết kế lại chương trình cho phù hợp với thời gian đào tạo, để đảm bảo các kiến thức cơ bản của từng trình độ, chứ không phải cắt giảm một cách cơ học.
Khung thời gian đào tạo đại học từ 3 đến 5 năm mà Chính phủ mới ban hành tương thích với khung đào tạo của châu Âu. Khi áp dụng khung chương trình mới này, các trường sẽ phải tính toán lại các môn học, thời lượng học đối với từng môn, chứ không thể giữ chương trình theo thời gian đào tạo từ 4 - 6 năm.
Thời gian đào tạo đại học sẽ được rút ngắn xuống so với trước (Ảnh minh họa)
Ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, khi khung thời gian đào tạo thay đổi thì các trường cũng phải thiết kế lại chương trình. Việc thiết kế lại chương trình không phải là bỏ bớt môn học này hay môn học kia mà cần theo hướng giảm bớt các nội dung kiến thức không phù hợp của các ngành học.
Những năm gần đây, khi chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ, các trường đại học đã cắt giảm chương trình đào tạo liên tục, hiện chỉ còn từ 120 tín chỉ đến 150 tín chỉ đối với chương trình đào tạo bậc cử nhân và kỹ sư.
Việc cắt giảm tín chỉ được thực hiện dựa trên việc sắp xếp lại chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy và đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, hay xây dựng môn học mới tích hợp các môn khác nhau. Nếu cắt bỏ chương trình một cách máy móc để bằng với thời gian đào tạo đại học từ 3 đến 5 năm theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới thì có thể xảy ra tình trạng sinh viên thiếu kiến thức khi tốt nghiệp, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và nguy cơ tình trạng thất nghiệp sẽ tăng lên.
Ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, việc sắp xếp lại chương trình cần đảm bảo hai yếu tố là giảm được thời gian đào tạo, nhưng vẫn đảm bảo được lượng kiến thức cơ bản theo chuẩn đầu ra của từng ngành nghề.
Vì vậy, trước khi sắp xếp lại chương trình đào tạo, các trường cần rà soát lại toàn bộ các môn học, từ đó đưa vào chương trình đào tạo những môn học chuyên sâu, những kiến thức, kỹ năng cần thiết đối với từng ngành học, để khi ra trường sinh viên có thể làm việc ngay, hoặc học nâng cao trình độ.
Ông Trần Khắc Thạc nói: “Đối với các trường, việc rút bớt môn học nào, giảm khối lượng của môn học nào phải căn cứ vào tình hình và nhu cầu thực tế của từng ngành học chứ không rút đại trà, cơ học. Vì có những ngành học, nhiều khả năng nhà trường phải bổ sung thêm một số học phần thực hành, một số học phần mang tính chất thực tiễn vào để cho các em ngoài kiến thức về lý thuyết còn hiểu sâu hơn kiến thức thực hành để đáp ứng nhu cầu công việc sau khi ra trường. Người học cũng phải có chiến lược trong việc học làm sao phải tích cực hơn, chủ động hơn trong việc tích lũy kiến thức, cũng như nâng cao hiệu quả trong việc học tập”.
Theo ông Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, cùng với việc thiết kế lại chương trình, các trường cũng nên tính đến việc sử dụng tối đa nguồn cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giảng viên để tăng thời gian học cho sinh viên. Hiện nay, các trường đều đào tạo theo hệ thống tín chỉ, nên việc tổ chức thêm học kỳ vào dịp hè sẽ rút ngắn được thời gian đào tạo.
“Các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải thay đổi khá lớn trong việc lập lại kế hoạch của mình. Nguồn lực của các trường thường chỉ dùng 60%-70%. Nếu nghỉ hè, các em không về nhà, không đi làm thêm thì có quyền đăng ký học. Các thầy cũng vậy. Tôi nghĩ mỗi trường phải làm như vậy thôi, vì ta thấy về cơ học thì co lại về mặt thời gian nhưng lại tăng khối lượng trong một khoảng ngắn, rõ ràng cường độ lao động phải tăng lên, cơ sở vật chất phải đáp ứng tốt hơn”.
Lãnh đạo các trường cũng cho rằng, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà Chính phủ mới ban hành là cơ sở để các trường thiết kế lại chương trình phù hợp với thời gian và chuẩn đầu ra theo các ngành học. Thế nhưng, việc có rút ngắn được thời gian đào tạo hay không còn phụ thuộc vào tính chủ động trong học tập của chính các sinh viên.
Theo VOV