ClockThứ Bảy, 28/10/2017 13:57

Sách giáo khoa sẽ không còn vị trí độc tôn trong giảng dạy

Chương trình giáo dục cần có tính mở, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.

Dù Bộ Giáo dục - Đào tạo lên tiếng khẳng định không cấm dạy ngoài sách giáo khoa, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, cách giải thích như vừa qua là không thuyết phục và cần được sửa sai kịp thời.

Hạn chế sự sáng tạo…

Công văn 4612 của Bộ GD-ĐT ký ngày 3/10/2017 quy định rõ: “Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, câu chuyện không đơn giản chỉ là sự sai sót về câu chữ như Bộ đã lý giải, mà nó còn đi ngược với tư duy đổi mới hiện nay.

Ảnh minh họa

Bởi nếu thực hiện không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa (SGK)­ thì sẽ không đổi mới giáo dục, không hướng học sinh đến việc vận dụng kiến thức mà khiến giáo viên và học sinh lại trở về lối dạy và học theo kiểu hàn lâm với những chỉ đạo kiểu này chỉ củng cố thêm cách hiểu sai của các cấp quản lý giáo dục và giáo viên trong suốt nhiều năm qua.

Đồng thời, thêm một lần nữa củng cố niềm tin vốn dĩ đã “vững như bàn thạch” của nhiều giáo viên: SGK là chân lý, là “kim chỉ nam” ở mọi hoạt động dạy học trong nhà trường. Nhiều năm qua, thứ niềm tin này triệt tiêu sự sáng tạo và chủ động của giáo viên trong việc cập nhật những tri thức mới, linh hoạt trong việc thiết kế nội dung dạy học cho phù hợp với thực tiễn giáo dục của nhà trường, của lớp đang phụ trách.            

Theo TS Giáp Văn Dương, nếu giáo viên đưa kiến thức ngoài SGK bổ sung vào bài giảng cho sinh động hơn thì sẽ mất công và khó khăn hơn. Thế còn “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK” thì dễ hơn nhiều. Với truyền thống tuân thủ răm rắp chỉ đạo từ trên xuống của ngành giáo dục thì nó sẽ trở thành chính sách chung của tất cả các trường trong cả nước. Khi thực thi, sẽ không còn các yếu tố địa phương ở trong giờ học; không còn sự dày công, sáng tạo cá nhân của người thầy trong việc đưa kiến thức được chắt lọc từ những học liệu - tài liệu học tập vào bài giảng. Mà trên thực tế, chính tính địa phương và sự dày công, sáng tạo cá nhân mới tạo ra sự phong phú của giáo dục.

TS. Giáp Văn Dương cũng cho rằng, hãy hình dung những học sinh 12 năm chỉ được học những gì có trong SGK thì chuyện gì sẽ xảy ra khi các em vào đại học? Tất nhiên là như một thói quen, các em sẽ chỉ trung thành với giáo trình và bài giảng của thầy, rất nhiều trong số đó đã rất lạc hậu, mà không có nhu cầu đi xa hơn.

Có thể nói, một trong những nguyên nhân chính làm cho học sinh và sinh viên của chúng ta kém là chưa bao giờ các em có đủ thời gian và cơ hội đi ra khỏi SGK để được thỏa sự tự nghiên cứu, tìm tòi thêm. Chính điều này đã hạn chế kỹ năng tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề, trình bày… của các sinh viên. Do đó, nếu thủ khoa thất nghiệp thì âu cũng là điều dễ hiểu. Nguyên nhân từ việc không bao giờ đi ra khỏi SGK...!

Tổng thể, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng cho rằng, chương trình sẽ không phải là tài liệu cứng mà có tính mở nhất định. Dựa trên nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông, các trường xây dựng kế hoạch giáo dục riêng cho trường mình một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, bảo đảm mục tiêu và chất lượng giáo dục.

Điều đó có nghĩa, khi áp dụng chương trình mới, sẽ có nhiều bộ SGK nhưng học sinh có thể không chọn SGK nào, giáo viên có thể tự biên soạn tài liệu dạy học, miễn là đáp ứng được chuẩn kiến thức kỹ năng mà chương trình đặt ra cho mỗi môn học, mỗi cấp học.

Cũng về vấn đề này, GS. Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, vị thế của SGK sẽ thay đổi hẳn, vai trò của SGK sẽ yếu đi rất nhiều, không còn vị trí độc tôn. SGK chỉ là một trong những kênh thể hiện chương trình, không phải là duy nhất. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ thông tin, trong bối cảnh đó, cả thầy và trò có nhiều cách tìm kiếm tiếp cận thông tin.

Cần kịp thời sửa sai

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Huyền (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết, nếu đọc kỹ công văn, không chỉ sai về mặt câu chữ mà nghiêm trọng hơn là toàn đoạn chỉ đạo số 1 của công văn. Sai sót câu chữ không nghiêm trọng bằng việc hiểu sai về chương trình giáo dục, nội dung dạy học, hay có thể nói là sai về tư duy. Bà Huyền cho rằng, ẩn sâu trong đó là sự nhầm lẫn trong cách hiểu các khái niệm cơ bản của giáo dục. Cả chỉ đạo liên quan kế hoạch giáo dục nhưng chỉ xoáy sâu vào SGK, chẳng khác nào đồng nhất khái niệm “chương trình giáo dục”, “nội dung dạy học” với “SGK”.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, khi dạy trên lớp, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế của học sinh, giáo viên được quyền dạy vượt hoặc ngoài chương trình cơ bản hiện hành. Còn điều Bộ GD-ĐT cần cấm tuyệt đối chính là việc kiểm tra đánh giá thường xuyên (có ghi điểm) kiến thức khó vượt quá kiến thức kỹ năng của chương trình hiện hành. Bởi đã từ lâu vấn đề học thêm, học quá tải, nhồi nhét trong trường phổ thông gây bức xúc cho xã hội chính là ở việc đánh giá kiểm tra này.

Là cơ quan quản lý Nhà nước Bộ GD-ĐT không nên để tồn tại những văn bản chỉ đạo kiểu này; và khi đã sai thì cần nhận lỗi và sửa, chứ không chỉ đơn thuần giải thích, trần tình hoặc đính chính là xong.

Trong đó, Bộ GD-ĐT cần khẳng định rõ yêu cầu các trường dựa vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng môn học để thiết kế nội dung dạy học phù hợp, không vượt quá yêu cầu của chuẩn. Và điều cần thiết lúc này là Bộ GD-ĐT cần có những chỉ đạo không đi ngược với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được thông qua.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non
Học bằng... trải nghiệm

Nhiều năm nay, Trường mầm non Vĩnh Ninh là một điểm sáng giáo dục của thành phố Huế, với các hoạt động trải nghiệm được nhà trường đặc biệt coi trọng.

Học bằng  trải nghiệm

TIN MỚI

Return to top