ClockThứ Bảy, 08/02/2020 12:12

Sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý cho sinh viên

TTH.VN - Trước lo ngại phải học bù liên tục của nhiều sinh viên do thời gian khá dài tạm nghỉ học để phòng chống dịch virus Corona, nhiều trường đại học (ĐH) tại Huế khẳng định sẽ sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý.

Sinh viên Đại học Huế được nghỉ học đến ngày 10/2Chung tay phòng ngừa virus CoronaHọc sinh tiếp tục nghỉ học đến ngày 16/2

Một số trường đã chuẩn bị khẩu trang y tế phát tặng khi sinh viên đi học trở lại

Điều chỉnh kế hoạch giảng dạy

Nguyễn Minh Thanh, sinh viên một trường ĐH tại Huế lo ngại, sau một tuần được nghỉ để phòng dịch virus Corona thì nhà trường lại thông báo cho sinh viên nghỉ thêm một tuần. Với tình hình dịch hiện nay, thời gian chính thức đi học trở lại vẫn chưa chắc chắn, song lo ngại lớn nhất là sau kỳ nghỉ kéo dài này, sinh viên phải đối mặt với lịch học bù dày.

Trao đổi với đại diện nhiều cơ sở đào tạo, hiện nhiều trường đã chuẩn bị các phương án đảm bảo kế hoạch học tập hợp lý cho sinh viên, đồng thời khẳng định sẽ không tập trung dạy bù dồn dập khi hết dịch. TS. Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân cho biết, sau 1 tuần nghỉ để phòng dịch virus Corona, hiện nhà trường đã chuẩn bị về mọi mặt để tuần tiếp theo sẽ chuyển sang đào tạo trực tuyến trong thời gian còn dịch.

“Trước đây, nhà trường đã có đào tạo trực tuyến phối hợp với hình thức dạy trực tiếp trên lớp, chủ yếu là môn tiếng Anh. Trong tuần tới, sẽ áp dụng đại trà và mở rộng hơn ở các môn để đảm bảo kế hoạch giảng dạy không bị gián đoạn. Đối với một số học phần phải nghỉ thời gian qua, nhà trường sẽ có kế hoạch học bù, song sẽ giãn thời gian hợp lý”, ông Minh cho biết.

Các trường đang điều chỉnh kế hoạch giảng dạy đảm bảo lịch học hợp lý cho sinh viên trong thời gian tới

Đối với các cơ sở giáo dục thành viên của ĐH Huế, phương án phổ biến nhất là điều chỉnh kế hoạch giảng dạy. ThS. Phan Thanh Tiến, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho biết, tại trường có một số học phần được đào tạo trực tuyến. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ ưu tiên cho giảng dạy các học phần có đào tạo trực tuyến trước, sau đó khi hết dịch, sẽ đổi kế hoạch trả lại thời gian cho các học phần không đào tạo trực tuyến. Kế hoạch tổ chức đào tạo của một học kỳ là 15 tuần nhưng nhà trường bố trí thêm một tuần dự trữ. Nếu chỉ nghỉ học hai tuần thì thời gian dạy bù đối với các học phần không dạy trực tuyến chỉ là một tuần. “Khi hết dịch, chúng tôi sẽ thống kê tình hình dạy học để tính toán, sẽ không để sinh viên học bù liên tục mà có thể kéo dài hơn để sinh viên nghỉ hè muộn hơn vài ngày”, ThS. Phan Thanh Tiến cho biết.

Hiện, các trường ĐH cũng đã họp để chuẩn bị các phương án tổ chức dạy học cũng như kế hoạch thi kết thúc học phần đối với một số môn. PGS.TS. Võ Viết Minh Nhật, Phó Trưởng Ban Đào tạo ĐH Huế cho biết, việc cho sinh viên tạm nghỉ học chắc chắn có ảnh hưởng đến kế hoạch chung trong đào tạo, song các trường đều có phương án điều tiết hợp lý, sinh viên không nên quá lo lắng.

Theo dõi kỹ sinh viên

Hiện nay, các trường cũng đã thực hiện một số biện pháp khử trùng, vệ sinh môi trường, nhất là trang bị xà phòng diệt khuẩn để cán bộ và sinh viên sử dụng. Đồng thời, các trường cũng liên tục phát đi các thông tin, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh đến sinh viên.

Sinh viên ở ký túc xá cũng được theo dõi quá trình đi lại, tình hình sức khỏe thường xuyên

Lực lượng sinh viên ở các cơ sở đào tạo, nhất là các trường thuộc ĐH Huế khá đông, với khoảng 40.000 sinh viên hệ chính quy, đến từ nhiều địa phương trong cả nước nên các trường cũng đang triển khai theo dõi kỹ. TS. Nguyễn Quang Phục, Trưởng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cho biết, hiện nhà trường đang làm các phiếu thăm dò sinh viên qua hệ thống trực tuyến, tập trung các câu hỏi về thời gian sinh viên nghỉ học có đi du lịch đến các vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm, gia đình có ai đi từ vùng dịch trở về, vấn đề sức khỏe hiện tại… Đối với các trường hợp có thông tin cần phải xác minh thì tiếp tục liên lạc phụ huynh.

“Hiện, đã có hơn 3.000 sinh viên của trường phản hồi thông tin. Chúng tôi cũng dựa vào dữ liệu này để có kế hoạch hợp lý khi sinh viên đi học trở lại”, TS. Nguyễn Quang Phục nhấn mạnh.

Ngoài giải pháp trên, một số trường đang triển khai hệ thống kiểm soát tình hình qua mạng lưới giáo viên cố vấn, chia nhỏ các nhóm theo đầu mối để nắm chắc thông tin sinh viên, đồng thời thực hiện chế độ báo cáo vào buổi chiều mỗi ngày. Đối với những trường hợp đáng lo ngại sẽ có báo cáo lên ban chỉ đạo phòng chống dịch để có kế hoạch hợp lý.

Theo đại diện một số trường, qua theo dõi tình hình trước khi sinh viên đi học trở lại, trường hợp có dấu hiệu sức khỏe đáng ngại sẽ được tạo điều kiện để theo dõi sức khỏe kỹ hơn trước khi đến giảng đường. Bên cạnh đó, một số trường cũng sẽ phát khẩu trang y tế miễn phí cho sinh viên khi đi học trở lại.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát

Ngày 7/11, Sở Y tế cho biết vừa ban hành công văn yêu cầu tăng cường phòng chống dịch trước, trong và sau các đợt mưa lũ đối với các đơn vị trực thuộc và 9 trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị, thành phố. Tinh thần chỉ đạo chú trọng việc không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

TIN MỚI

Return to top