ClockThứ Năm, 23/09/2021 06:30

Sẽ điều chỉnh thừa, thiếu giáo viên cục bộ

TTH - Cả nước vẫn còn thiếu hơn 20.000 giáo viên tiểu học là con số được đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Thừa Thiên Huế không xảy ra tình trạng này. Một số trường có thừa, thiếu cục bộ, song có thể điều động, luân chuyển để không làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

TP. Huế sẽ chấm dứt tình trạng thiếu giáo viên cục bộ

Giáo viên ngày càng được nâng chuẩn (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Phân bổ đủ giáo viên

Trên trang thông tin của các trường, tôi vẫn bắt gặp những thông báo tuyển giáo viên dạy hợp đồng. Hỏi Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung về tình trạng thiếu giáo viên, ông bảo, trường mới xây dựng, chỉ tiêu tuyển sinh nhiều hơn, học sinh học 2 buổi/ngày nên trường đang thiếu 4 giáo viên. Trước mắt, trường tuyển giáo viên hợp đồng nhưng phải đảm bảo được hai yếu tố tốt nghiệp ĐHSP bằng giỏi và có kinh nghiệm đứng lớp. Thường, tình trạng hợp đồng giáo viên chỉ kéo dài trong thời gian ngắn để chờ được bổ sung biên chế.

Thừa Thiên Huế hiện có gần 5.400 giáo viên tiểu học, trong đó có 78% giáo viên đạt chuẩn. Đội ngũ giáo viên ngày càng ổn định theo hướng chuẩn hoá. Nhiều trưởng phòng giáo dục quả quyết, luôn cập nhật thông tin về công tác điều tra trẻ tiền phổ thông để đón đầu nếu số trẻ đến trường tăng. Năm nào, các phòng cũng có kế hoạch, tham mưu bổ sung giáo viên theo nhu cầu của các trường. Như vậy, dẫu học sinh tăng hay giảm thì ngành giáo dục luôn chủ động về chất lượng dạy và học.

Hiện nay, các lớp đầu cấp học đều bảo đảm sĩ số theo quy định. Bậc tiểu học thường có sĩ số dao động từ 35 đến 37 học sinh/lớp. Theo thống kê từ các huyện, thị xã và TP. Huế, số giáo viên tiểu học ở các trường tương đối đủ, tuy nhiên, có địa phương thiếu biên chế tạm thời từ 10 đến 20 giáo viên, chủ yếu tập trung ở những môn học như nhạc, họa, ngoại ngữ, nghệ thuật... Một số trường có tình trạng thiếu giáo viên cục bộ khi có người nghỉ hưu, sinh con, nghỉ bệnh… Mặt khác, việc dự báo, tính toán nhu cầu của các địa phương chưa sát, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế... dẫn đến thiếu giáo viên. Giải pháp tình thế là các trường có thể hợp đồng nhân lực mùa vụ để đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2020 - 2021 vừa được UBND tỉnh tổ chức, lãnh đạo Sở Nội vụ thông tin, theo nhu cầu thực tế của các địa phương, năm học 2020 - 2021, UBND tỉnh đã phân bổ đủ số lượng giáo viên về các trường. Tình trạng thiếu giáo viên là do thừa thiếu cục bộ, cần điều chuyển giáo viên đến các trường cho phù hợp. Sau khi TP. Huế mở rộng, một số trường cần có sự điều chỉnh hợp lý.

Điều chỉnh hợp lý giữa các trường

Có rất nhiều phương án để điều chỉnh thừa, thiếu giáo viên ở các địa phương. Chẳng hạn, có những môn học ít số tiết, lại ít lớp thì không nhất thiết bộ môn đó phải có một biên chế. Ông Nguyễn Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế cho biết, năm học 2020-2021 ngành được phân bổ chỉ tiêu biên chế cho giáo viên. Tuy nhiên, TP. Huế cũng đã có sự điều chỉnh cho hợp lý, chẳng hạn, một số giáo viên chuyển về gần nhà; chuyển giáo viên từ vùng thừa, sang vùng thiếu; luân chuyển giáo viên  từ trường lớn về các trường nhỏ để nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý. Điều chuyển giáo viên ở các trường mới mở rộng để phân bố về các trường ở trung tâm TP. Huế.

Chăm chú luyện tập dưới sự hướng dẫn của thầy giáo (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Thiếu giáo viên, giáo viên chưa đạt chuẩn là vấn đề khó khăn nhất trong đổi mới giáo dục hiện nay. Trong đó, một số nơi khó tuyển đủ số được giao vì thiếu nguồn tuyển do chuẩn mới. Theo Luật Giáo dục, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, giáo viên tiểu học, THCS, THPT có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Giáo viên tiếng Anh tiểu học và THCS cần có trình độ tiếng Anh bậc 4 (tương đương bằng B2 đối với khung ngoại ngữ châu Âu) theo khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dành cho Việt Nam.

Số lượng về đội ngũ xem chừng ổn. Song, chất lượng giáo viên hiện nay vẫn không đồng đều, còn khoảng cách giữa các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và các vùng thuận lợi. Một bộ phận giáo viên chưa theo kịp được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; chưa sử dụng thành thạo giải pháp dạy học trực tuyến để quản lý lớp học, tổ chức các hoạt động học tập; nhất là, vẫn còn 1.600 giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định.

Theo Sở Nội vụ, nhu cầu giáo viên cho năm học 2021- 2022 của các trường dự kiến là 600 định biên, chủ yếu mầm non, tiểu học và THCS. Tuy nhiên, một số giáo viên có nguyện vọng nghỉ theo chế độ khi chưa đáp ứng giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới. Áp lực công việc là có thật nếu giáo viên chưa kịp thời bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Trong khi đó, ngành giáo dục đã “đặt hàng” cho Trường ĐHSP Huế có phương án tăng cường đào tạo một số ngành cũng như nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên. Làm tốt điều này sẽ giảm được tỷ lệ sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, đồng thời bù đắp số giáo viên chưa đạt chuẩn như hiện nay ở các trường.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Chăm lo lưu học sinh Lào

Là trường cao đẳng duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo và cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt cho lưu học sinh (LHS) Lào, Trường Cao đẳng Huế đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tích cực chăm lo cho LHS.

Chăm lo lưu học sinh Lào
Return to top