ClockThứ Sáu, 25/11/2022 16:08

Siết chặt thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

TTH - Chuyện tạm dừng thi IELTS và nhiều chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã gây xôn xao dư luận trong nhiều tuần qua. Dù bây giờ liên kết cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài đã được phê duyệt trở lại, song quy trình các bước sẽ được siết chặt.

Miễn thi môn ngoại ngữ khi có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế

Học sinh học tiếng Anh tại một trung tâm luyện thi ielts. Ảnh: Mtec

Lâu nay, với sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các chứng chỉ như IELTS, TOEFL, PTE đang trở thành tấm vé thông hành hữu hiệu để vào và ra ở nhiều cấp học, từ phổ thông cho tới sau đại học. Trong quy chế thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành có quy định: Thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ nếu có các chứng chỉ quốc tế. Đặc biệt, thuận lợi trong xét tuyển đại học 2023 và xin việc tại các tổ chức nước ngoài hay đi du học. Theo đánh giá của học sinh, việc Bộ GD&ĐT có quy định miễn thi môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ quốc tế sẽ hướng học sinh tích cực đầu tư và quan tâm tới việc học ngoại ngữ nhiều hơn. Nhất là, học môn này không chỉ dừng trong nhà trường mà cần đạt được những kỹ năng cần thiết theo chuẩn quốc tế

Tuy nhiên, mới đây, Bộ GD&ĐT cho rằng, các trung tâm triển khai tràn lan với nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng; chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam dẫn đến tiêu cực, như: Thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ... Thế nên, ngày 10/11, Bộ GD&ĐT tạm dừng thi IELTS và nhiều chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cho tới khi có thông báo mới. Điều này khiến không ít người học hoang mang, lo lắng khi kế hoạch ôn thi, dự thi đã được lên từ nhiều tháng trước.

Trước quyết định tạm hoãn các kỳ thi IELTS tại Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu ủng hộ Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11 siết chặt việc thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ở Việt Nam. Bởi, việc thi chứng chỉ này thời gian qua nở rộ. Bà cho rằng, bên cạnh kết quả tích cực cũng tồn tại nhiều hạn chế, lùm xùm, kiện tụng về tính minh bạch, gian lận và mua bán chứng chỉ. Hiện, nhiều đơn vị đứng ra tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thi IELTS, phong trào luyện thi IELTS được ví như “cơn sốt”, nhiều trung tâm luyện thi đưa ra quảng cáo chào mời luyện thi IELTS… Việc rà soát này là điều hết sức cần thiết, đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh.

Xét về mặt quản lý Nhà nước, thầy giáo Đinh Văn Hiển (TP. Huế) cho rằng, “Các kỳ thi tiếng Anh, cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và tình trạng liên kết giữa các trung tâm trên phạm vi cả nước đang nở rộ và có phần mất kiểm soát. Do vậy càng phải siết chặt công tác quản lý Nhà nước để đảm bảo chất lượng là rất cần thiết. Khi các đơn vị liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài phải hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật sẽ góp phần đảm bảo chất lượng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học”.

Học sinh học ở Trung tâm Anh ngữ quốc tế. Ảnh: EUC

Theo thầy giáo Hiển, cách làm của Bộ GD&ĐT có phần hơi gấp gáp khiến cho các đơn vị, tổ chức rơi vào thế bị động. Bộ GD&ĐT cần có thông báo rõ ràng về gia hạn, thời gian hoàn thiện hồ sơ, bởi lẽ hầu hết các đơn vị không phải được cấp mới mà vốn đã được cấp phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ; học viên cũng đang theo học nhiều năm nay rồi. Việc phải tạm dừng đột ngột như thế này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến kế hoạch thi và sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào các mục đích khác nhau.

Anh Trần Việt Đức, giáo viên luyện thi IELTS luôn trong trạng thái phải túc trực điện thoại để tư vấn cho học sinh và phụ huynh. Đa phần học trò trong lớp của anh là học sinh lớp 12 theo đuổi chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học, nhưng cũng có một số trường hợp phải ôn thi để chuẩn bị du học. Thông tin được thi như thế nào trong thời điểm này đang là vấn đề của nhiều học sinh, từ đặt vé máy bay đến kế hoạch tạo hồ sơ để định cư.

Sau gần 10 ngày tạm hoãn các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế, ngày 18/11, Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 3773/QĐ-BGDĐT phê duyệt liên kết cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ của nước ngoài giữa Hội đồng Anh của Vương quốc Anh với các công ty liên kết của Việt Nam. Cụ thể, Bộ GD&ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS giữa các bên liên kết.

Tuy nhiên, các quy định đã được siết chặt khi đề thi, quy trình đăng ký dự thi, quy trình tổ chức thi; cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi; việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trước, trong và sau khi thi; đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên của các bên khi tham gia tổ chức thi thực hiện theo quy định của Hội đồng Anh và pháp luật của Việt Nam. Cục Quản lý chất lượng chịu trách nhiệm kiểm tra, phối hợp với các đơn vị có liên quan thanh tra việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS của các bên theo quyết định này và hồ sơ liên kết của các bên.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở đã lên kế hoạch để kiểm tra, giám sát tất cả các đơn vị đang hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ nhằm đảm bảo đủ, đúng các điều kiện hoạt động. Nếu có đơn vị vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo đúng chỉ đạo. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải là một trong những giải pháp quan trọng của ngành chức năng, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), tạo môi trường kinh doanh vận tải (KDVT) lành mạnh.

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải

TIN MỚI

Return to top