Sinh viên Lào biểu diễn văn nghệ tại lễ tổng kết năm học. Ảnh: Thúy Hằng
Trước khi tham dự kỳ thi đầu vào các trường đại học ở Huế, các bạn Lào dành thời gian học tiếng Việt một năm tại Trường cao đẳng Sư phạm Huế. “Với nhiều bỡ ngỡ khi sống ở nơi đất khách quê người, lắm lúc khiến mình cảm thấy buồn. Tuy nhiên, ở Huế có hơn 400 lưu học sinh Lào đang học tập và tụi mình ở tại ký túc xá dành cho sinh viên Lào, xung quanh là đồng hương nên mình vẫn cảm thấy ấm áp như đang ở nhà”, Thavone, sinh viên Lào trải lòng.
Trong suốt 5 năm ở Việt Nam, Thavone theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ. Vì khả năng tiếng Việt còn hạn chế, Thavone quyết định chuyển sang học chuyên ngành Khoa học Môi trường tại Trường đại học Khoa học Huế. Đối với Thavone, ngôi trường là sự lựa chọn thứ hai này lại mang đến cho anh những điều tốt đẹp và hạnh phúc nhất khi sống và học tập tại Việt Nam.
Với vốn tiếng Việt còn hạn chế, ban đầu Thavone gặp khó khăn trong học tập và sinh hoạt. Tuy vậy, với tình cảm nồng hậu của các bạn cùng lớp, Thavone và các bạn lưu học sinh Lào cùng khoa luôn cảm thấy vui vẻ. “Học tập cùng các bạn Việt Nam, tôi luôn được cảm thông, hướng dẫn tận tình và trau dồi thêm vốn ngôn ngữ”- Thavone chia sẻ. Không chỉ trong học tập mà trong sinh hoạt hằng ngày, những người bạn Việt Nam cũng giúp đỡ Thavone và các bạn Lào khác rất nhiều. Đã có rất nhiều lần nhóm bạn thân Việt – Lào cùng nhau đi chơi xa để lưu lại những kỷ niệm đẹp đẽ, và không ít lần Thavone mời các bạn Việt Nam về ký túc xá tại nam Vỹ Dạ để mừng Tết Lào và những dịp lễ truyền thống khác.
Bên cạnh bạn bè, các thầy cô cũng luôn là chỗ dựa vững chắc. Sự tận tình trong giảng dạy và quan tâm của thầy cô khiến các bạn sinh viên Lào thoát khỏi sự bỡ ngỡ ban đầu, và dần dần thể hiện được khả năng của mình. Song song với việc giảng dạy kiến thức chuyên môn, thầy cô còn có những chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm với các bạn lưu học sinh về những kỹ năng cần có của một sinh viên như thuyết trình trước đám đông, truyền đạt thông tin, thích nghi với công việc… Những điều đó giúp cho các bạn cảm thấy tự tin và có được hành trang tốt khi ra trường.
Ngoài ra, trong các hoạt động ngoại khóa của khoa và trường cũng không thể thiếu bóng dáng các bạn sinh viên Lào. Từ các hoạt động phong trào, như “Ngày Chủ nhật xanh”, team building mừng năm học mới, giải bóng đá dành cho sinh viên… cho đến các hội thảo, hội nghị liên quan đến ngành học, các bạn đều được tạo điều kiện tham gia đầy đủ. Điều đó giúp họ có thêm nhiều kinh nghiệm và phát triển đam mê của bản thân.
Bên cạnh những thuận lợi với sự giúp đỡ của bạn bè và thầy cô, cuộc sống của các bạn sinh viên Lào đang học tập tại Huế vẫn còn những khó khăn. Theo chị Laty Kamphoutthasack, Phó Trưởng ban đại diện lưu học sinh Lào tại Huế, năm 2020 chịu ảnh hưởng của dịch COVID – 19 nên nhiều bạn sinh viên Lào trở về nước nhân dịp Tết cổ truyền Việt Nam đã không thể trở lại học tập trong phần lớn thời gian sau khi đại dịch bùng phát. Việc học online của họ gặp trục trặc do đường truyền mạng kém ổn định. Tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên có nhiều gia đình ở Lào muốn cho con em nghỉ học ở nhà.
Hơn nữa, phần lớn các sinh viên chưa thành thạo tiếng Việt, đặc biệt là trong chuyên ngành, khiến các sinh viên gặp khó khăn trong sinh hoạt với cư dân địa phương cũng như trong học tập. “Có những trường hợp học Đại học Y dược đã lưu ban 2 năm không ra trường được do rào cản về ngôn ngữ khiến sinh viên bị nợ môn. Ngoài ra, ngôn ngữ hạn chế dễ khiến nhiều bạn cảm thấy chán nản việc học và sau đó bỏ học” – chị Laty cho biết...
Vượt qua những khó khăn, các bạn sinh viên Lào vẫn cố gắng và nỗ lực trong học tập và rèn luyện, với mong muốn trở về xây dựng đất nước. Trong năm 2020 này, rất nhiều sinh viên Lào đã tốt nghiệp ở các trường đại học tại Huế. Trong ngày nhận bằng, Thavone vui vẻ: “Từng thế hệ sinh viên Lào đã đến và sẽ đến Huế, luôn được sống trong tình cảm tốt đẹp mà nhân dân Việt Nam dành cho chúng tôi. Tấm bằng tốt nghiệp là minh chứng về mối quan hệ tốt đẹp giữa Lào và Việt Nam.
ĐĂNG TRÌNH