ClockThứ Năm, 26/08/2021 13:15

Sinh viên tình nguyện hiến máu mùa dịch

TTH - Không đợi đến những ngày hội hiến máu lớn, cũng chẳng ai than khó kể khổ trong mùa dịch, cứ nghe nguồn máu dự trữ khan hiếm là những thành viên câu lạc bộ (CLB) Ngân hàng máu sống Trường đại học (ĐH) Y – Dược, ĐH Huế lại tổ chức các đợt hiến máu vệ tinh.

Hàng trăm sinh viên tình nguyện bổ sung nguồn máu trong mùa dịchHỗ trợ nguồn máu dự trữ cho bệnh nhân mùa dịch covid-19

Sinh viên Trường ĐH Y - Dược tham gia hiến máu tình nguyện

“Có điều kiện là hiến”

Trước khi tham gia cùng đoàn y bác sĩ, sinh viên tình nguyện vào TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ công tác chống dịch, Đinh Thanh Trà, sinh viên Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế (cũng là Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB Ngân hàng máu sống của nhà trường) tranh thủ hiến máu tình nguyện. Suốt thời học tập ở trường, Trà đã có hơn 35 lần hiến tiểu cầu và hiến máu toàn phần, nhưng đây là lần hiến khá đặc biệt.

Thanh Trà cho biết, thời điểm dịch COVID-19, các ngân hàng máu dần thiếu hụt nguồn máu dữ trữ. Dịch COVID-19, các trường chủ yếu học trực tuyến, riêng trong giai đoạn hè, nhiều sinh viên cũng đã ở quê. “Biết tháng 7/2021 chuẩn bị cho chuyến tình nguyện vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch, nhưng đang có sức khỏe tốt, việc hiến máu lại đã quá quen thuộc nên em không ngần ngại tham gia”, Trà chia sẻ.

“Có điều kiện là hiến” trở thành câu nói quen tai mỗi khi tôi hỏi các sinh viên hiến máu tình nguyện. Chỉ trong hơn 3 tháng (tính từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trở lại), CLB Ngân hàng máu sống đã phối hợp đơn vị chức năng tổ chức đến 6 đợt hiến máu vệ sinh, với 833 đơn vị máu toàn phần. Riêng tiểu cầu, từ đầu tháng 5 đến nay, các sinh viên đã hiến gần 130 đơn vị máu. “Lẽ ra, tháng 5 chúng em tổ chức đợt hiến máu tình nguyện thường kỳ tại trường. Sinh viên thường thích tham gia đợt hiến máu tại trường hơn vì địa điểm quen thuộc. Tuy nhiên, họ đã không ngần ngại sắp xếp tham gia các đợt hiến máu vệ tinh theo đúng nghĩa là khi cần máu sẽ tổ chức. Địa điểm tổ chức tùy thuộc sự sắp xếp của đơn vị lấy máu, có khi là Hội Chữ thập đỏ TP. Huế, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế hoặc bất kỳ nơi nào sinh viên cũng đến”, đại diện CLB Ngân hàng máu sống Trường ĐH Y – Dược kể.

Với tinh thần “có điều kiện là hiến”, chuyện hiến máu tình nguyện của sinh viên đặc biệt hơn khi nhiều người chọn hiến 350 - 450ml. “Lần đầu em hiến 250ml nhưng sau đó em đã tự tin hiến 350ml. Tuổi trẻ có sức khỏe nên trong trường hợp đủ sức khỏe, em và các bạn đăng ký hiến thể 350ml phục vụ nguồn máu dự trữ”, Hoàng Quốc Huy, thành viên CLB Ngân hàng máu sống cho biết.

Không ngại khó khăn

Không chỉ tham gia hiến máu toàn phần, một phong trào hiến tiểu cầu cũng được lan tỏa ở CLB Ngân hàng máu sống Trường ĐH Y – Dược. Tuy nhiên, để được hiến tiểu cầu, nhiều sinh viên phải vào bệnh viện và mất thời gian hơn.

Đinh Thanh Trà cho biết, hiến máu toàn phần trung bình chỉ mất khoảng 5 phút để máu từ cơ thể tới túi đựng máu nhưng với hiến tiểu cầu, thời gian thường diễn ra 45 – 90 phút, người hiến sẽ nằm lại lâu hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh, các bệnh viện cũng tăng cường kiểm soát người ra vào, đặc biệt là những người ngoài địa phương. “Để được hiến tiểu cầu, em và nhiều bạn cũng phải chạy về xin lại giấy xác nhận tạm trú tạm vắng ở nơi cư trú mới đủ điều kiện vào bệnh viện hiến tiểu cầu. Vất vả hơn, nhưng chẳng ai thấy nản”, Thanh Trà cho biết.

Trong công tác điều trị bệnh, tại các bệnh viện dường như ngày nào cũng có bệnh nhân cần máu. Vì thế, các tình nguyện viên cũng ráo riết hơn trong việc tham gia hiến tiểu cầu. Điều kiện giới hạn là sau khi hiến tiểu cầu, chỉ cần 3 tuần để được hiến máu hoặc tiểu cầu lần tiếp theo nên nhiều sinh viên đã không ngần ngại tham gia hiến tiểu cầu nhiều lần. Nguyễn Minh Hoàng Phúc, sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Y – Dược kể: “Từ cuối tháng 4/2021 đến nay, em đã có 3 lần hiến tiểu cầu. Vào bệnh viện phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, sàng lọc bước đầu nhưng với em và các bạn trong CLB, khi người bệnh cần là chúng em có mặt. Nhiều trường hợp chúng em không biết người bệnh là ai, khi CLB nhận được lời yêu cầu giúp đỡ và kêu gọi người hiến máu, chúng em có mặt ngay”.

Từ hành động của bản thân, nhiều sinh viên tiếp tục vận động và chia sẻ thông điệp: “Trao giọt hồng an toàn giữa mùa dịch”, bởi họ biết rõ máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh thì không thể chờ máu.

ThS. BS. Võ Văn Khoa, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế cho biết: “Cùng với nhiều hoạt động tham gia các đoàn công tác hỗ trợ các tỉnh miền Nam chống dịch; tình nguyện viên hỗ trợ lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch, sinh viên của trường mà đặc biệt là CLB Ngân hàng máu sống đã tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, bổ sung nguồn máu dự trữ để cứu chữa các bệnh nhân cần máu. Trong mùa dịch, tinh thần ấy vẫn được lan tỏa rất tốt”.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

TIN MỚI

Return to top