ClockThứ Năm, 28/12/2017 13:26

Tăng cường tiếng Anh cấp tiểu học: Cần tuân thủ quy định, tránh gây “nghi ngờ”

TTH - Tiếng Anh tăng cường có yếu tố nước ngoài (giáo viên là người nước ngoài) đối với học sinh tiểu học, đang được một số trường trên địa bàn TP. Huế thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh, theo tinh thần tự nguyện. Thế nhưng, một số phụ huynh tại các trường tiểu học: Lê Lợi, Vĩnh Ninh lại “đặt dấu hỏi” về chất lượng của chương trình này.

Cấp tiểu học sẽ không còn môn Lịch sử riêng biệtNâng chuẩn giáo viên tiểu học không nhằm loại người không đạt chuẩnMột học sinh lớp 6 đuối nước vì cứu bạnViệt Nam đã đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục tiền tiểu học cho tất cả trẻ emHơn 220 triệu đồng xây dựng các thư viện thân thiện cho học sinh tiểu học

Một tiết học tiếng Anh tăng cường do giáo viên nước ngoài dạy tại trường tiểu học Vĩnh Ninh

Thắc mắc

Công văn số 1218 ngày 24/8/2017 của Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) về việc tăng cường tiếng Anh cấp tiểu học năm học 2017-2018, nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch về việc triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2012-2016 và định hướng đến năm 2020 của UBND TP. Huế có nội dung: Trong những năm học qua, các trường tiểu học trực thuộc đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Ngoài việc tổ chức dạy học tiếng Anh theo chương trình quy định và tăng tiết vào buổi học thứ hai, một số trường đã hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ để thực hiện chương trình liên kết, chương trình có yếu tố nước ngoài, góp phần rèn luyện kỹ năng nghe, nói và phát âm tiếng Anh cho học sinh.

Phòng GD& ĐT khuyến khích các trường có điều kiện thực hiện, nhưng phải đảm bảo việc tổ chức dạy học thực hiện trên tinh thần tự nguyện của người học và được sự đồng thuận (theo đơn) của toàn thể phụ huynh học sinh. Nội dung các chương trình liên kết, chương trình có yếu tố nước ngoài phải đảm bảo quy định về chuẩn kiến thức và kỹ năng của Bộ GD&ĐT. Các mức thu học phí phải được công khai và có sự thống nhất của phụ huynh, thực hiện thu theo tháng. Kế hoạch dạy học tăng cường tiếng Anh phải được bố trí ngoài kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày (35 tiết/tuần) theo quy định của Bộ GD&ĐT...

“Đối chiếu” chủ trương, mục đích và yêu cầu của công văn nêu trên của Phòng GD&ĐT, một số phụ huynh thắc mắc cụ thể như sau: Năm ngoái khi thực hiện chương trình, Trường tiểu học Lê Lợi xếp các giờ học tiếng Anh tăng cường vào cuối buổi, là rất thuận tiện và hợp lý. Những cháu không tham gia học, cha mẹ sẽ đến đón về. Thế nhưng năm học này, nhà trường lại xếp các tiết tiếng Anh tăng cường vào giữa buổi học. Phải chăng đây là một cách ngầm ép buộc phụ huynh, bởi cha mẹ các cháu còn bận việc mưu sinh, không thể đến đón con về trong thời gian 1, 2 tiết học, sau đó đưa con trở lại trường để tiếp tục học các tiết chính khóa.

Tại Trường tiểu học Vĩnh Ninh (bắt đầu thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường từ năm học này), phụ huynh không rõ, tại sao lại có thêm khoản tiền tài liệu sau khi họ đã đóng tiền học phí? Một số ý kiến đặt câu hỏi (chung cho cả hai trường), liệu chất lượng việc dạy học có được đảm bảo khi giáo viên không phải người Anh mà phần lớn là người các nước khác? Theo đó, tính chất tự nguyện, chất lượng…, trong việc dạy tiếng Anh tăng cường tại các trường này có được đảm bảo?

Cần bố trí vào tiết học cuối

Theo bà Nguyễn Ngọc Minh Trang, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Ninh: Với mong muốn nâng cao chất lượng môn tiếng Anh, kỹ năng nghe, nói, phát âm cho học sinh, giúp các em tự tin trong giao tiếp, năm học này, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ Quốc tế AMA, triển khai nội dung chương trình tiếng Anh tăng cường. Trên tinh thần tự nguyện nên phụ huynh nào có đăng ký cho con học thì mới nộp tiền học phí. Theo phương pháp dạy của AMA, mỗi em học sinh đều có sử dụng học cụ (như giấy, màu tô, kẹp đựng học cụ…) và lưu lại sản phẩm sau mỗi ngày học, do đó ngoài học phí, trung tâm thu thêm khoản phí học cụ (giáo viên chủ nhiệm thu giúp).

Bà Lê Thị Ly Na, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi lý giải: Năm ngoái khi nhà trường xếp các tiết học tiếng Anh tăng cường cuối buổi, nhiều em không tham gia học, không được cha mẹ đến đón. Do đó, xảy ra tình trạng các em lang thang ngoài sân trường hoặc ngồi đợi trên ghế đá bên ngoài lớp học. Năm nay, nhà trường xếp các tiết học này vào giữa buổi là để giải quyết tình trạng nêu trên. Bởi vì, theo nhất trí của Trung tâm AMEX, hiện những học sinh chưa đăng ký, trung tâm vẫn dạy cho các em, không thu học phí. Hoặc nếu không muốn học tiếng Anh tăng cường, tại các tiết này, các em có thể tham gia các câu lạc bộ hoặc các môn tự chọn khác. Tổ chức như vậy là để đảm bảo trật tự trong trường, các cháu không phải chờ đợi bên ngoài.

Lãnh đạo của cả hai trường Lê Lợi, Vĩnh Ninh đều khẳng định, trung tâm ngoại ngữ mà trường hợp tác đảm bảo về chất lượng cũng như tính pháp lý. Giáo viên (người Anh, Mỹ, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Hàn Quốc…) được cấp phép hành nghề dạy học, mọi chứng chỉ, chứng nhận đều qua sự kiểm tra của Sở Nội vụ và được sự đồng ý, cho phép của Sở GD&ĐT. Mặt khác, dự giờ trong thời gian (2 tuần) dạy thử (và quá trình trung tâm thực hiện dạy tại trường), giáo viên chuyên môn của trường đánh giá chất lượng dạy của trung tâm rất tốt. Học sinh tham gia học rất thích thú, khả năng nghe, nói nâng lên. Các em tự tin, mạnh dạn hơn.

Chủ trương, khuyến khích của các cấp về triển khai đề án dạy học ngoại ngữ, dạy tăng cường tiếng Anh cấp tiểu học, việc các trường có điều kiện hợp tác với trung tâm ngoại ngữ để thực hiện chương trình có yếu tố nước ngoài, góp phần rèn luyện kỹ năng nghe nói và phát âm tiếng Anh cho học sinh, là đáng khuyến khích. Thế nhưng, trong quá trình các trường Lê Lợi, Vĩnh Ninh triển khai, thực hiện, một số phụ huynh lại có thắc mắc các vấn đề như nêu trên. Giải thích và thông tin từ phía các trường, theo chúng tôi là đã “giải tỏa” thắc mắc về chất lượng cũng như việc thu phí. Riêng để “rộng đường” hơn về tinh thần tự nguyện, trong lúc chưa có 100% học sinh đăng ký tham gia, cần bố trí tiếng Anh tăng cường vào tiết cuối, tránh “nghi ngờ” không đáng có.

Ông Lâm Thuỷ, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP. Huế:

“Nếu tổ chức được 100% học sinh theo học thì có thể bố trí vào bất cứ giờ nào, còn không, phải bố trí dạy vào tiết cuối”

Hoạt động của các Trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn TP. Huế hiện đều do sở GD&ĐT thẩm định và quản lý, trong đó có điều kiện về chuyên môn của giáo viên. Việc phối hợp hoạt động giữa các trường trên địa bàn TP. Huế với các trung tâm nằm trong điều kiện cho phép. Hầu hết các trường đều liên kết hoạt động thông qua sự giới thiệu của sở với đầy đủ hồ sơ, Phòng GD&ĐT TP. Huế là trung gian xác nhận.

Mục đích của sự phối hợp này nhằm nâng cao chất lượng dạy 4 kỹ năng trong môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, chương trình này phải không ảnh hưởng tới chương trình học chính khoá.  Nếu trường nào tổ chức được 100% học sinh theo học thì có thể bố trí vào bất cứ giờ nào, còn không, phải bố trí dạy vào tiết cuối.

Để tránh tình trạng bắt ép phụ huynh cho con học, các trường phải tổ chức phiếu đăng ký cho phụ huynh. Học sinh nào phụ huynh không nộp phiếu thì dù có tham gia lớp học cũng không được thu phí. Phải đảm bảo không ảnh hưởng tới chương trình chính khoá và đảm bảo tương đương chất lượng với chương trình tiếng Anh tăng cường trở lên.

Hương Giang (ghi)

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉ 1 ca dương tính với bệnh sởi

Chiều 16/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 16 ca sốt phát ban nghi sởi tập trung ở 5/9 huyện, thị và thành phố. Trong đó, Phong Điền, Quảng Điền, Nam Đông mỗi huyện đều có 4 ca bệnh. Riêng 1 bệnh nhi ở Quảng Điền có kết quả dương tính với bệnh sởi.

Chỉ 1 ca dương tính với bệnh sởi

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top