Trước đề xuất của Bộ GD-ĐT xếp lương giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp quy định trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành, nhiều giáo viên cho biết, đây là tin vui với đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn đề xuất tăng lương lần này liệu có khả thi?
Theo Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục mà Bộ GD-ĐT đề xuất, lương của nhà giáo sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về đề xuất tăng lương cho giáo viên
Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức đơn vị sự nghiệp đang được áp dụng thì lương giáo viên có thể được tăng tương đương với loại A3, nhóm 1, hệ số từ 6.2 đến 8.0 tức bằng lương bác sĩ, dược sĩ, huấn luyện viên cao cấp...
Cô Hoàng Thị Kim Thanh, giáo viên Trường THPT Mỹ Đức A, Hà Nội cho rằng đây là mức lương hợp lý: “Tôi hoàn toàn tán thành với chủ trương của Bộ. Đó chính là việc đầu tư thích đáng cho ngành giáo dục. Muốn sản phẩm của ngành giáo dục tốt thì người thầy phải toàn tâm toàn ý tập trung cho công việc của mình. Giáo viên có thể yên tâm với công việc của mình mà không phải lo lắng đến bất kỳ điều gì”.
Bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Hà Nội cũng đồng tình với đề xuất của Bộ GD-ĐT và cho rằng, việc tăng lương còn giúp cho nhiều trường đào tạo khối ngành sư phạm cải thiện thu hút được nguồn tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên, tránh được tình trạng như mùa tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua.
“Ở đây mức lương như theo đề xuất của Bộ sẽ cao hơn chắc chắn sẽ làm cho đội ngũ cán bộ giáo viên toàn ngành có sự yên tâm hơn trong công tác. Bởi thực tế hiện nay, mức lương của cán bộ giáo viên các đơn vị nhà trường chưa thực sự cao, rất nhiều giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác là động viên học sinh cũng như sinh viên chọn sư phạm và yên tâm khi đi làm, với một mức thu nhập ổn định cũng như đảm bảo được cuộc sống”, bà Thu Hà nói.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít băn khoăn, nghi ngại về tính khả thi. Nếu như tăng ngay ở mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, liệu ngân sách có đáp ứng được không khi cả nước hiện có khoảng 2 triệu cán bộ là nhà giáo?
Theo cô Hoàng Thị Tuyết, khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm TP HCM, việc tăng lương cho giáo viên là cần thiết, nhưng tăng bao nhiêu, lộ trình tăng theo năm thế nào phải tính toán kỹ, khoa học, tránh tình trạng nói ra rồi không làm được sẽ mất lòng tin và tạo sự hụt hẫng cho cán bộ giáo viên. Vì đây không phải là lần đầu ngành giáo dục đề xuất tăng lương mà chưa thực hiện được.
“Tôi nghĩ không chỉ là định hướng, là phát biểu có tính chất quan điểm mà quan trọng hơn người dân mong muốn có kế hoạch hành động cụ thể cả phương diện kế hoạch tài chính lẫn phương diện chuyên môn. Khi đưa ra lương thì phải đòi hỏi về mặt chuyên môn, trách nhiệm chuyên môn để có thể hưởng lương được như vậy và lương sẽ cụ thể như thế nào đối với từng bậc học?"
"Do vậy, đừng tính lương theo kiểu 3 năm lên lương một lần và cần phải có chế độ tính lương theo cách dựa vào hiệu suất công việc. Cái đó cơ bản là cần thay đổi nếu không việc tăng lương trở nên vô nghĩa nó lại tạo ra những tiêu cực khác”, cô Hoàng Thị Tuyết nói.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc kỹ việc đề nghị tăng lương cho giáo viên ở mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp, để khi triển khai thực hiện có tính khả thi và các địa phương có khả năng thực hiện được, tránh việc đưa ra chủ trương rồi lại để đó.
Theo VOV