Nhà nghiên cứu trẻ trình bày kết quả nghiên cứu
Thay đổi từ nhận thức đến hành động
Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đề tài “Định hướng phát triển kinh tế số kết hợp hỗ trợ NCKH giai đoạn 2020 - 2030 từ thực tế tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế” đã được ThS. Cao Thị Hoa (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế) cùng nhóm tác giả trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia các nhà nghiên cứu trẻ năm 2022. ThS. Hoa cho biết, phát triển kinh tế số là bài toán khó ở nhiều địa phương. A Lưới là huyện miền núi, có nhiều khó khăn. Quá trình làm đề tài trải qua nhiều bước tìm hiểu kỹ, từ đó không chỉ đặt ra vấn đề mà tìm các giải pháp phù hợp.
Không chỉ giảng viên trẻ, hiện nay, hoạt động NCKH ở các trường ĐH dành cho SV cũng rất được quan tâm. Mới đây (ngày 9/12), đội thi từ Trường ĐH Luật, ĐH Huế với đề tài “Pháp luật về tội phạm xâm hại tình dục đối với người dưới 16 tuổi, qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, đã xuất sắc giành giải nhì chung cuộc giải thưởng khoa học công nghệ dành cho SV trong các cơ sở giáo dục ĐH năm 2022.
Còn theo đại diện Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế, từ năm 2014, nhà trường tổ chức hội nghị NCKH sinh viên. Qua nhiều lần tổ chức, đến nay, các đề tài nghiên cứu đã đi sâu vào chất lượng theo đúng chuẩn năng lực đầu ra đối với từng ngành học. Trong năm 2022, hội nghị NCKH sinh viên có đến 58 đề tài đầy đủ các chuyên ngành của nhóm ngành khoa học sức khỏe.
Các nhà nghiên cứu trẻ tìm hiểu kết quả nghiên cứu qua các báo cáo bằng poster
Những kết quả trên là tín hiệu đầy tích cực. Trước đây, hoạt động NCKH tại các trường ĐH trong nước luôn bị đánh giá thấp cả về tầm vóc lẫn tính hiệu quả của các đề tài. Nhiều khảo sát từng được tổ chức cho thấy, hầu hết hoạt động của các trường ĐH chỉ mới chú trọng công tác đào tạo, giảng dạy, còn hoạt động NCKH chưa được quan tâm đúng tầm, nên yếu cả về chất và lượng. Một cán bộ tại ĐH Huế cho biết, trước đây, nói tới nghiên cứu, nhiều SV lại lắc đầu. Nhưng hiện nay đã có sự thay đổi lớn trong cả nhận thức và hành động.
Nguyễn Thị Lan Nhi, SV Trường ĐH Khoa học chia sẻ, ngoài làm quen với các đề tài nhỏ, tiểu luận, em cũng đăng ký tham gia các đề tài NCKH cấp SV. Không chỉ thử sức với các đề tài tâm huyết, mà khi tham gia làm nghiên cứu, còn được các thầy, cô hướng dẫn phương pháp, quy trình, kỹ năng. Từ đó bản thân tích lũy dần những kinh nghiệm.
Khảo sát tại các trường ĐH ở Huế, hiện đa phần đều có các hội nghị, hội thảo về NCKH cho đối tượng SV. Các đơn vị cũng bố trí kinh phí cho hoạt động NCKH của SV từ kinh phí làm các đề tài, khen thưởng, đi dự thi… Đối với các giảng viên trẻ, ngoài những hỗ trợ từ các khoa, đơn vị chuyên môn để có thời gian nghiên cứu, họ cũng được tham gia vào các nhóm nghiên cứu trong trường, cùng triển khai các đề tài nhỏ đến lớn, từ cấp cơ sở lên các cấp cao hơn.
TS. Hà Viết Hải, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Trường ĐH Sư phạm phân tích: “Cán bộ trẻ được tạo môi trường để tham gia NCKH như cán bộ nhiều kinh nghiệm. Còn với SV, khoảng 3 năm trở lại cũng phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, trong trường có khoảng 4-6 nhóm. Từ những nghiên cứu ban đầu, các em làm quen dần. Thậm chí năm ngoái, còn có SV được đăng bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI”.
Song hành hai trụ cột
Đào tạo và NCKH là hai trụ cột lớn trong giáo dục ĐH. Cùng với giải pháp ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo thì việc tạo môi trường NCKH cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ và SV cần được quan tâm đúng mức, tiến đến tạo thành kỹ năng và tạo ra hiệu quả thực sự.
Hiện nay, với SV, các đơn vị đào tạo đã có giảng dạy học phần về phương pháp NCKH cơ bản. Các trường cũng đẩy mạnh hơn việc tổ chức các hội thảo, buổi bảo vệ đề tài, các cuộc thi. Đó được xem là môi trường thuận lợi ban đầu để SV tích cực hơn khi làm quen và tham gia NCKH.
Nhưng để hai trụ cột trong giáo dục ĐH vững chắc hơn, vẫn cần thêm nhiều giải pháp song hành, tạo môi trường tích cực thúc đẩy cán bộ, giảng viên trẻ, SV hăng say NCKH. Ngoài giải pháp tạo hành lang pháp lý để phát huy năng lực NCKH từ các cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường cần chủ động điều chỉnh, bổ sung các quy định NCKH trong trường ĐH cho phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu chế độ, quy chế hoạt động NCKH công nghệ chú ý đến chất lượng, hiệu quả thực tế nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài; tạo điều kiện về mặt pháp lý để giảng viên có thể độc lập nghiên cứu, hoặc hợp tác nghiên cứu những đề tài cấp cao, có nguồn kinh phí dồi dào. Thời gian làm việc của giảng viên cần được xem xét hợp lý, tránh quá tải gây áp lực khiến giảng viên không tập trung nghiên cứu và giảng dạy. Đồng thời, cần đầu tư cơ sở vật chất, môi trường nghiên cứu phù hợp cho giảng viên và SV.
Bên cạnh đó, cần phát triển phong trào thi đua NCKH hiệu quả hơn trong giảng viên trẻ và SV. Hoạt động thi đua NCKH cần được đẩy mạnh, gắn sát với lợi ích cá nhân nhằm tận dụng, phát huy tiềm năng nghiên cứu đối với cán bộ giảng dạy bằng các hình thức như: thành lập quỹ khen thưởng NCKH, tài năng trẻ, tổ chức buổi tọa đàm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nghiên cứu có chất lượng…
Bài, ảnh: HỮU PHÚC