ClockThứ Năm, 13/05/2021 15:03

Thời gian thi sẽ có ảnh hưởng, nhưng không gián đoạn

TTH - Năm học chuẩn bị kết thúc và việc chuẩn bị cho thi đầu cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đã bước vào giai đoạn nước rút. Việc ôn tập và thời gian thi có bị ảnh hưởng hay gián đoạn bởi dịch COVID - 19 bùng phát? Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Tân xung quanh vấn đề này. Ông Tân cho biết:

631.110 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2021Chỉ thị mới về Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2021Học sinh sẽ bắt đầu thi vào lớp 10 từ ngày 5 đến 7/6Không có sự xáo trộn trong tuyển sinh đầu cấp

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Sẽ có ảnh hưởng nhưng không gián đoạn. Về công tác thi tốt nghiệp THPT và thi vào các lớp đầu cấp, các trường triển khai ngay việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến trên phần mềm của ngành. Việc tổ chức ôn tập sẽ tiến hành song hành nhiều giải pháp. Sở sẽ khởi động lại hệ thống dạy học trên truyền hình và trực tuyến, các trường tăng cường tổ chức ôn tập và giám sát việc học tập của học sinh bằng nhiều hình thức, đảm bảo chuyển tải đầy đủ nội dung ôn tập đến với học sinh (cả học sinh là thí sinh tự do), chuẩn bị tâm thế tốt nhất để học sinh tham gia và hoàn thành chất lượng các kỳ thi.

Ông vừa nói sở sẽ khởi động lại hệ thống dạy học internet truyền hình. Thế nhưng, không phải địa phương và học sinh nào cũng có điều kiện học trực tuyến. Vậy phương án cụ thể sẽ ra sao?

Phụ huynh không nên quá lo lắng về vấn đề học sinh tiếp cận thông tin. Có nhiều hình thức để tiếp tục ôn tập cho các em. Nội dung của các tiết học đều được lưu lại trên các trang web, cổng thông tin điện tử của ngành, tỉnh và ứng dụng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh nên học sinh có thể xem lại các bài giảng bất cứ lúc nào. Chúng tôi sẽ làm việc với Đài Phát thanh và Truyền hình đề nghị phát lại trên khung giờ ổn định để ôn tập cho các em.

Các bài giảng trên truyền hình là bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và 12 do giáo viên giàu kinh nghiệm thực hiện nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT. Chương trình được thiết kế đảm bảo những kiến thức trong khung chương trình, không nâng cao để đáp ứng trình độ học sinh từ thành phố đến nông thôn.

Ngoài ra là các hình thức như gửi phiếu bài tập, tài liệu học tập cho học sinh các vùng khó khăn, nhà trường kết hợp với phụ huynh để kèm học sinh tự học mà nhiều địa phương đã làm tốt năm trước cũng có thể tiếp tục triển khai.

Nhiều phụ huynh lo ngại khó đảm bảo chất lượng khi dạy và học online. Ngành có giải pháp gì để bảo đảm chất lượng giáo dục, thưa ông?

Ngành GD& ĐT có những bước chuyển mạnh mẽ trên cơ sở ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Cụ thể, đã xây dựng được cơ sở dữ liệu của ngành (big data) nhằm đẩy mạnh ứng dụng công  nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý giáo dục. Nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, sở tiếp tục phối hợp với các nhà mạng hỗ trợ về dung lượng, phần mềm dạy học để mỗi học sinh, phụ huynh có thể tiếp cận tối đa; từ đó, góp phần tiếp tục cải tiến chất lượng giáo dục.

Đánh giá năng lực lớp 6 và thi tuyển sinh đầu cấp lớp 10, thi tốt nghiệp THPT năm nay đã đến gần. Sẽ có những điều chỉnh nào trong điều kiện dịch bệnh COVID -19 bùng phát, thưa ông?

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng tôi đã có một số điều chỉnh, như giảm độ khó của đề thi so với những năm trước; tuy nhiên, vẫn có độ phân hoá phù hợp để phân loại học sinh. Nhiệm vụ quan trọng nhất của học sinh hiện nay là ôn thi tốt để có được tâm thế sẵn sàng và tự tin tham dự kỳ thi. Ngành giáo dục sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, tạo thuận lợi cho thí sinh.

Ngay từ khi có dịch, học sinh đeo khẩu trang đến trường

Căn cứ đề thi tham khảo, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Trong quá trình ôn tập, chú trọng trang bị, củng cố cho học sinh nắm vững những kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình cấp THPT; trong đó, tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12.

Các trường chú ý phân loại các nhóm đối tượng học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp, không gây quá tải, bảo đảm sức khỏe cho các em. Cùng với đó, rà soát các đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập, vận động mỗi giáo viên hỗ trợ ít nhất một học sinh, nhằm tạo điều kiện giúp đỡ các em hoàn thành tốt kỳ thi.

Về việc đảm bảo an toàn trong phòng thi đã được ngành tính toán ra sao?

Quan điểm của chúng tôi là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trong phòng, chống dịch. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19 để quyết định phương án tổ chức kỳ thi, theo nguyên tắc sẽ tổ chức kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội). Tiến hành các biện pháp khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi; tại các điểm thi, khu vực thi sẽ bố trí các phương án bố trí phòng thi cho các thí sinh diện F1, F2 và F3 với các phương án phòng, chống dịch phù hợp các nhóm thí sinh diện này.

Đối với các trường có đặt điểm thi phải đảm bảo đầy đủ thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho cán bộ coi thi, nhân viên bảo vệ, phục vụ, thí sinh… Đồng thời, các đơn vị phải có phương án bố trí phòng thi dự phòng để xử lý những tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đảm bảo 100% thí sinh dự thi được đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào phòng học quy chế, phòng thi. Chúng tôi cũng đã yêu cầu trưởng các điểm thi bố trí ít nhất hai phòng dự phòng, sắp xếp bàn ghế bảo đảm giãn cách giữa các bàn dành cho thí sinh.

Có thể nói năm học 2020 - 2021 gặp rất nhiều khó khăn và thách thức do dịch COVID-19. Đánh giá của ông về kết quả đạt được trong năm học này?

Nhìn lại, trong năm học đặc biệt này, toàn ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực vượt qua các thách thức, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các thầy cô, nhà trường đã sáng tạo, linh hoạt trong phương pháp, cách dạy mới, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục.

Một kết quả đáng ghi nhận của ngành giáo dục là thời gian qua, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều mô hình giáo dục, phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn… giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng và hiệu quả hơn trước đây. Khả năng tự học của học sinh đang từng bước được cải thiện, áp lực thành tích đã giảm đi.

Xin cảm ơn ông!

HUẾ THU (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước
Truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh

Ngày 26/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho gần 1.500 học sinh các trường THTP Cao Thắng, Gia Hội, Nguyễn Huệ.

Truyền thông phòng chống HIV AIDS cho gần 1 500 học sinh
Kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên

Sáng 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự và chỉ đạo hội nghị.

Kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên
Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh

Chiều 22/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai chương trình giáo dục di sản cho học sinh.

Đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh
Return to top