Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi làm việc về công tác phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3
Qua hai ngày làm việc của Đoàn kiểm tra thuộc Bộ GD&ĐT ở các địa phương cho thấy, cơ sở vật chất ở các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đến nay, có 145/145 xã, phường, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, tỷ lệ 100%. Trong đó, số huyện có giáo viên đảm bảo để dạy đủ các môn học đạt tỷ lệ 100%; tuyển dụng đủ giáo viên cho vùng sâu, vùng xa và cho lớp học 2 buổi/ ngày, tạo điều kiện mở lớp để thu hút trẻ đến trường.
Toàn tỉnh hiện có 170 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt 87,18%; trong đó có 17 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Các trường cơ bản có đủ phòng chức năng cũng như có đủ phương tiện, thiết bị cần thiết để phục vụ hoạt động dạy và học và giáo dục trong nhà trường. Đa số các phòng học đảm bảo ánh sáng, quạt mát, có đầy đủ bàn ghế cho học sinh và giáo viên theo quy định.
Theo ông Trần Anh Tường, phụ trách cơ sở vật chất thuộc Bộ GD&ĐT, mạng lưới trường lớp khá hợp lý, tạo thuận lợi cho học sinh cũng như đội ngũ giáo viên được bố trí linh hoạt trong dạy học ở các điểm trường lẻ. Toàn tỉnh có 195 trường tiểu học/ 20 trường TH&THCS, 3.374 phòng học, trong đó có 2.808 phòng kiên cố, tỉ lệ 83,22% số phòng học bán kiên cố: 538, tỉ lệ 15,95%; số phòng học tạm 19 phòng, tỉ lệ 0,56%; 09 phòng học mượn, tỉ lệ 0,27%. Tỉ lệ phòng học/lớp đạt 1 phòng/lớp.
Cơ sở vật chất ở các trường đã được đầu tư đồng bộ
Toàn tỉnh có 5.159 giáo viên, trong đó, biên chế: 4.954 người, hợp đồng: 205 người. Giáo viên có trình độ đào tạo đại học: 3.647/5.159, tỉ lệ 70,69%. Giáo viên bộ môn tiếng Anh và tin học đáp ứng đủ số lượng cũng như chuyên môn của chương trình sách giáo khoa mới.
Đặc biệt, đoàn đánh giá cao tỉ lệ giáo viên/lớp là 5.159/3.375 (1,5 giáo viên/lớp học) của Thừa Thiên Huế được xem là tiếp cận mới, đảm bảo công bằng cho người học ở các vùng miền và đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, vẫn còn 1.152 giáo viên chưa có trình độ đại học, trong khi nhu cầu tuyển mới sẽ hạn chế nên phải đào tạo đội ngũ này để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Công tác học hòa nhập cho học sinh khuyết tật ở Thừa Thiên Huế được đánh giá khá tốt khi có đến 1.227/1.553 em có khả năng học hòa nhập. Đây là một trong những tỉnh có những lớp chuyên biệt trong các trường tiểu học và xuất hiện những giáo viên dạy chuyên biệt tận tâm với nghề. Tuy nhiên, tồn tại các lớp học như thế này không nên kéo dài...
Tại buổi làm việc, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, Thừa Thiên Huế là địa bàn đa dạng về địa hình, về dân cư. Với sự quan tâm của tỉnh, công tác phổ cập giáo dục tiểu học tại Thừa Thiên Huế đã đạt nhiều kết quả. Các chỉ số tại Thừa Thiên Huế đều đạt cận trên, hầu như là tuyệt đối. Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3 là hoàn toàn có cơ sở.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, ngành giáo cần bám sát chỉ tiêu phấn đấu thực hiện từng mục tiêu phổ cập: tiêu chí học sinh, tăng tỉ lệ huy động học sinh đi học, giảm tỉ lệ lưu ban, bỏ học và tăng hiệu quả đào tạo để đảm bảo kết quả vững chắc; có giải pháp hiệu quả, tạo điều kiện tối đa cho học sinh khuyết tật, yếu thế được học tập theo quy định.
Tỉnh cần có kế hoạch, lộ trình, giải pháp đảm bảo giáo viên theo định mức quy định để triển khai thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học đúng lộ trình và quy định của Bộ GDĐT; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Tiếp tục đẩy mạnh việc bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lí, giáo viên đáp ứng các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.
Tăng nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; huy động các nguồn lực, cơ sở vật chất (phòng học bộ môn), thiết bị dạy học để các trường tiểu học sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo quy định, đảm bảo an toàn trường học, đặc biệt ưu tiên cho lớp 1. Chính quyền địa phương cần có giải pháp xoá phòng học tạm, mượn. Quan tâm hơn nữa đến các trường, lớp ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có dân số ít và xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tin, ảnh: Huế Thu